ĐB Dương Trung Quốc 'chấm điểm' phiên trả lời của Thủ tướng

26/11/2011 06:24
Ngọc Quang
(GDVN) - "Những người chép sử như chúng tôi cũng luôn ủng hộ Thủ tướng với những phát biểu mạnh mẽ như vậy”, ĐB Dương Trung Quốc đánh giá.

ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định, Thủ tướng trả lời chất vấn như vậy đã là rất tốt, tập trung vào các vấn đề nóng, đó là tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước 2015, xử lý nghiêm minh, thậm chí cho giải thể nếu kinh doanh thua lỗ kéo dài, rà soát lại khai thác khoáng sản và quản lý chặt chẽ hơn danh mục này.

Về Luật biểu tình và sự biểu thị lòng yêu nước, Thủ tướng đã viện dẫn điều 69 trong Hiến pháp quy định công dân được biểu tình theo pháp luật, nhưng chúng ta chưa có luật nên cần bắt tay xây dựng. Trên thực tế trong cuộc sống hiện nay thì có nhiều đồng bào ta tụ tập, biểu tình để biểu thị thái độ với chính quyền, nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý vấn đề này, do đó khó cho cả người dân và công tác quản lý của chính quyền, nảy sinh lúng túng trong quản lý, dẫn tới biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện việc lợi dụng kích động gây phương hại cho xã hội.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã báo cáo QH khóa trước và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 để quản lý điều chỉnh hiện tượng này, nhưng Nghị định hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáng ứng được yêu cầu thực tế của cuộc sống.

Vì vậy, Chính phủ mới kiến nghị QH đưa vào chương trình xây dựng luật để có Luật biểu tình, phải phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với lịch sử văn hóa, điều kiện củ thể của Việt Nam, đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân, phù hợp thông lệ quốc tế, đồng thời ngăn chặn hành vi gây hại tới lợi ích của đất nước, của nhân dân. “Thủ tướng đã nói rất đúng và trúng, rõ ràng rằng Nhà nước ta luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, việc làm của người dân thực sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng cũng sẽ xử lý nghiêm hành vi lợi dụng danh nghĩa yêu nước để gây hại cho xã hội, đất nước. Tôi cho rằng, Thủ tướng nói như vậy đã làm nức lòng cử tri cả nước”, ông Quốc nhận định.

Đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam, Thủ tướng cũng một lần nữa khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ từ thế kỷ 17 khi 2 quần đảo này chưa thuộc nước nào. Còn đối với quần đảo Trường Sa, sau giải phóng 1975 thì hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo lên 31 đảo, xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý và thềm lục địa. Trung Quốc đang chiếm 7 bãi đá ngầm, một số nước khác cũng chiếm giữ từ một tới nhiều đảo.

Như vậy, tại Trường Sa thì Việt Nam là quốc gia chiếm đóng nhiều nhất so với các quốc gia khác. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có nhân dân đang làm ăn sinh sống tại quần đảo Trường Sa. Chủ trương của Việt Nam là nghiêm túc thực hiện công bố luật biển, nguyên tắc thỏa thuận giữa Việt Nam – Trung Quốc, yêu cầu các bên giữ nguyên trạng không làm phức tạp thêm hòa bình ổn định tại khu vực này.

Thủ tướng cho hay, chúng ta tiếp tục đầu tư tại những nơi mà chúng ta nắm giữ để cải thiện đời sống, tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa. Chúng ta cũng có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào khai thác, vận chuyển trên vùng biển chủ quyền Trường Sa. Liên quan tới cam kết quốc tế thì chúng ta nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên tôn trọng cam kết DOC, đảm bảo an ninh hàng hải tự do tại Biển Đông, đây là mong muốn của tất cả các bên liên quan chứ không riêng Việt Nam. Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982.

Ông Dương Trung Quốc: Thủ tướng đã rất thẳng thắn nói về các vấn đề nóng của đất nước
Ông Dương Trung Quốc: Thủ tướng đã rất thẳng thắn nói về các vấn đề nóng của đất nước

Ông Dương Trung Quốc phân tích: “Vẫn biết rằng chúng ta phải luôn có chính sách nhất quán để đảm bảo hoàn thành những mục tiêu ấy, nhưng việc Thủ tướng trả lời rõ ràng, rành mạch trước Quốc hội về chủ quyền biển đảo đã gieo vào lòng người dân sự tin tưởng hơn nữa, từ đó có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa với Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Và chỉ với khoảng hơn 1 giờ đồng hồ như vậy, Thủ tướng đã tập trung vào các vấn đề nóng bỏng nhất mà cử tri cả nước quan tâm, theo tôi như vậy là hoàn toàn hợp lý. Những người chép sử như chúng tôi cũng luôn ủng hộ Thủ tướng với những phát biểu mạnh mẽ như vậy”.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay, ông ấn tượng nhất với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, thông tin rất rõ ràng, đi thẳng vào các vấn đề và đưa giải pháp ngay, không trả lời vòng vo, còn phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì hơi dài.

“Về vấn đề chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát thì tôi đã nêu vấn đề bảo tồn voi rồi, và khi gặp riêng Bộ trưởng Phát tôi cũng đã chia sẻ thêm là nếu không có giải pháp đột phá thì voi sẽ chết dần chết mòn. Bây giờ không phải là lúc bàn có làm hay không mà cần phải rõ ràng là làm thế nào, vì vấn đề này đã trở nên nguy cấp lắm rồi, còn nếu Bộ trưởng không làm được thì tự lịch sử sẽ đánh giá thôi”, ông Quốc nhấn mạnh.

Kết thúc phiên chất vấn Thủ tướng trưa qua (25/11), Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết: Chúng ta ghi nhận quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ như đồng chí trình bày là phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành kết quả tốt nhất mà 2 tháng gần nhất đang có nhiều tín hiệu tốt đẹp; chuẩn bị tốt để hoàn thành các mục tiêu tổng quát của 2012 và định hướng những năm sau, phải ổn định kinh tế vĩ mô nhất là giữ lạm phát ở mức 1 con số trong năm 2012, điều hành chính sách tài chính tiền tệ phù hợp để vừa kiềm chế lạm phát nhưng cũng đảm bảo phát triển, không để nền kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ.

Chúng ta cũng ghi nhận quyết tâm của Chính phủ là sẽ nghiên cứu đưa ra đề án tái cấu trúc đồng bộ nền kinh tế của chúng ta, trọng tâm là tái cấu trúc ngân sách nhà nước, tài chính công, đầu tư, đi theo đó là những giải pháp quan trọng có thể thực hiện ngay mà Chính phủ và Quốc hội đã thảo luận. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động có hiệu quả tốt, từ nay tới 2015 việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành về cơ bản phải hoàn thành, thực hiện công khai minh bạch tài chính nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định điều hành giá theo nguyên tắc thị trường đảm bảo định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa, đi cùng với quá trình ấy chúng ta luôn quan tâm hỗ trợ các đối tượng nghèo, các gia đình chính sách.

Về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang là vấn nạn, và toàn hệ thống của chúng ta phải xác định đẩy lùi tình trạng này, ngay trong năm 2012 chúng ta phải giảm ùn tắc, nhất là ùn tắc ở các tuyến đường lớn và ùn tắc kéo dài, giảm tai nạn giao thông 5-10%. Trong vấn đề giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông cần đặc biệt chú ý tới quy hoạch, cần quỹ đất dành cho giao thông, giải quyết các điểm đen và giải quyết đồng bộ ở cả đường bộ, đường sắt và đường sông.

Nhà nước cũng sẽ ưu tiên cho quản lý phương tiện giao thông, kiên quyết không để phương tiện kém chất lượng hoạt động, quản lý người tham giao thông chặt chẽ hơn, ban hành chế tài xử lý nghiêm khắc.

Chúng ta tán thành với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ là trong những năm tới sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 5 năm tiếp theo sẽ đầu tư gấp đôi của 5 năm trước, và 5 năm tiếp theo sẽ đầu tư gấp đôi mức đầu tư của 5 năm này.

Về vấn đề giáo dục, chúng ta đã thoát tình trạng thầy nhiều hơn thợ, nhưng Quốc hội cũng đánh giá nghiêm khắc là chất lượng đào tạo giáo dục từ mầm non tới đại học chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đã cho biết sẽ hoàn thành đề án nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng tôi dự kiến thường vụ Quốc hội sẽ dành một phiên thảo luận riêng về vấn đề này, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đại học mà Chính phủ đã phê duyệt.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chúng ta tán thành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tăng trưởng quy mô và hạn chế số lượng để phấn đấu đạt chuẩn khu vực, tiến tới đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh phải tái cơ cấu cả thị trường chứng khoán, bất động sản… để đảm bảo sự phát triển. Hệ thống ngân hàng phải nâng cao chất lượng, không được để tồn tại các ngân hàng yếu làm ảnh hưởng tới nền kinh tế đất nước.

Ngọc Quang