Độc giả 'mổ xẻ' kiến thức trong bài giảng của TS Lê Thẩm Dương

21/03/2012 06:34
Độc giả N.L
(GDVN) - Một độc giả N.L đã phân tích về những kiến thức kinh tế trong bài giảng của TS Lê Thẩm Dương cho rằng trong bài giảng đó có nhiều sai sót căn bản?
LTS: Sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết phản ánh về việc TS Lê Thẩm Dương văng tục trên bục giảng của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB - ĐH FPT), đã có hàng chục ngàn người ủng hộ Tiến sĩ Lê Thẩm Dương và coi ông như một chuyên gia xuất sắc về kinh tế Tài chính. Tuy vậy, ngay sau đó báo GDVN đã nhận được một bài phân tích của độc giả (N.L) cho rằng ngay cả chuyên môn của những bài giảng này cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này và mời Ts Dương và các chuyên gia khác cùng có ý kiến bàn luận.
Mấy ngày qua, dư luận báo chí ồn lên về vụ TS.Dương giảng bài có nhiều lời nói tục ở FSB. Tuy nhiên, rất đông giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên lại đánh giá cao bài giảng và cho rằng nội dung hay, kiến thức uyên thâm, cách truyền đạt hấp dẫn… Trước nhiều ý kiến trái chiều như vậy về bài giảng này tôi (độc giả N.L - PV) đã bỏ công nghe lại toàn bộ các clip và cố gắng ghi lại các ý chính về nội dung bài giảng. Ở đây tôi chỉ ghi lại vài ý chính và nhận xét về nội dung chứ không ghi lại các lời nói được cho là tục. Tôi trình bày thành từng clip để độc giả tiện theo dõi.  
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
Clip 1: Mở đầu TS tới nói chuyện ở đây là phù hợp vì TS là đúng chuyên ngành quản trị vì là Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐHNH TP.Hồ Chí Minh (theo tôi biết thì TS lấy bằng TS trong ngành tài chính-ngân hàng). TS nói về 3 mức độ quản trị: Quản trị quốc gia, Quản trị doanh nghiệp và Quản trị cuộc đời. TS cho rằng về môn học thượng thặng nhất hiện nay là Quản trị cuộc đời. TS muốn nói về thực trạng 630 ngàn doanh nghiệp hiện nay đang khó cái gì và tốt nhất là tọa đàm từ phía dưới nói lên. TS nói TS trình bày tối đa 1-1,5 tiếng chứ không nên độc thoại.
TS nói các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen mà quan tâm tới tình hình vĩ mô. TS nói về tình hình vĩ mô bị ảnh hưởng từ bên trong và bên ngoài. TS nói về khủng hoảng tài chính năm 2007. TS nói cuối năm 2008 nhà ở Mỹ rất rẻ, có căn chỉ có 1,8-2 USD (?). TS nhấn mạnh là tại thời điểm hiện tại BĐS ở Mỹ không gần như không bán hay cho thuê được?
Điều này không chính xác. Mặc dù kinh doanh BĐS ở Mỹ đang trải qua những giai đoạn rất tồi tệ nhưng theo số liệu thống kê mới thì năm 2011, các công ty ở Mỹ bán 302 nghìn căn nhà, thấp hơn 6,2% so với năm 2010: (có thể tham khảo http://cafef.vn/20120127093630957CA32/doanh-so-ban-nha-tai-my-bat-ngo-sut-manh.chn).
TS nói về khủng hoảng thị trường tài chính ở Mỹ. TS có nói là ở Mỹ phải bơm tiền thẳng cho những người thiếu là doanh nghiệp? Nhưng sau khi bơm thì cung tiền tăng và lạm phát tăng và đồng USD mất giá (Về lạm phát TS nói sai hoàn toàn. Lạm phát trong thời gian khủng hoảng ở Mỹ thấp tới mức người ta luôn sợ tình trạng giảm phát:  (2007: 2,85%; 2008: 3,85%; 2009: -0,34%; 2010: 1,64%; 2011: 3,16% Có thể tham khảo http://inflationdata.com/inflation/inflation_rate/historicalinflation.aspx).
TS nói khi đồng USD mất giá thì những quốc gia giữ nhiều USD bị thiệt, chẳng hạn Trung Quốc giữ cả ngàn tỷ đô dự trữ (không hiểu TS lấy đâu con số ngàn tỷ chứ hiện nay dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khoảng hơn 3,2 ngàn tỷ. Đây là con số rất phổ thông trên báo chí Việt Nam).
Clip 2: TS nói về khái niệm “Chiến tranh tiền tệ”. TS nói là cả thế giới chỉ Mỹ bị khủng hoảng tài chính nhưng sau khi Mỹ in tiền để cứu nền kinh tế thì cả thế giới bị dính (Ở đây không hiểu TS nói bị dính gì. Nếu bị khủng hoảng thì không phải vì đâu phải do Mỹ in tiền mà thế giới bị khủng hoảng tài chính). TS nói là do Mỹ in tiền nên Việt Nam bị lạm phát lây. TS nhấn mạnh năm 2008, lạm phát Việt Nam là 20% thì 13% là do điều hành yếu kém còn 7% là do nhập khẩu lạm phát từ Mỹ do mất giá USD (Không thể hiểu nổi TS lấy con số này ở đâu ra.
Tôi (độc giả N.L - PV) đọc nhiều tài liệu kinh tế thì chưa hề thấy con số này. Không hiểu bằng cách nào TS có hay tính toán (?) chính xác được con số này Nhập khẩu lạm phát là có nhưng chưa thấy ở đâu tính được chính xác như TS? Chưa kể Mỹ bắt đầu thực hiện nới lỏng tiền tệ (QE1) từ cuối năm 2008 thì không thể nào tác động tới lạm phát Việt Nam ngay trong năm đó được. Đây là kiến thức hết sức phổ thông).  
Clip 3: TS nói về khủng hoảng nợ công ở Hi lạp. TS nói ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) cực kỳ tệ hại, cho vay xong không kiểm soát (Cái này sai hoàn toàn vì ECB không được quyền mua trực tiếp trái phiếu từ chính phủ thì làm sao cho Hi Lạp vay được???).
TS nói về ảnh hưởng của nợ công châu Âu và ảnh hưởng của động đất sóng thần. TS nói người ta rút ra bài học là ai chết thì chết chứ chết hệ thống ngân hàng là toi (cái này thì thế giới biết lâu rồi chứ đâu phải mới rút ra?). TS nói thằng nào không có nông nghiệp thằng ý chết. TS nói Việt Nam ở xa nên ít bị sóng đánh. Cả thế giới GDP âm, chỉ có 9 nước là dương trong đó có Việt Nam.



Theo phân tích, độc giả N.L cho rằng: Có thể thấy những kiến thức về quản trị TS nêu cũng rất lan man?
Theo phân tích, độc giả N.L cho rằng: Có thể thấy những kiến thức về quản trị TS nêu cũng rất lan man?


TS nói cũng may là Việt Nam có nông nghiệp nên ít bị ảnh hưởng. TS nói là Anh, Pháp và Mỹ giàu nhưng làm gì có nông nghiệp (Sai, vì Mỹ là 1 trong những nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới, năm 2011 là 136,3 tỷ USD http://vietstock.vn/ChannelID/118/Tin-tuc/215288-xuat-khau-nong-san-my-dat-muc-cao-ky-luc-1363-ti-usd.aspx ). TS đề cao vai trò của nông nghiệp và phải ưu tiên cho nông nghiệp. Bài học thứ 3 rút ra là vào WTO là có nền kinh tế phẳng và khi gia nhập WTO thì thách thức nhiều hơn cơ hội.

Clip 4: TS nói về vai trò của tài nguyên chất xám và kinh tế tri thức (cái này không có gì mới). TS tự hào về những khái niệm mà TS cung cấp cho học viên như nhập khẩu suy thoái, nhập khẩu lạm phát, kinh tế tri thức ... Lấy những khái niệm này nói chuyện với gái thì gái sẽ chết (Thực ra những khái niệm này sinh viên kinh tế chịu đọc 1 chút là biết cả).
Clip 5: TS nói có 7 lý thuyết kinh tế (?) nhưng không chống đỡ được mà phải dùng quản trị khủng hoảng và phải chung sống với khủng hoảng. TS nói về việc phải đi học MBA học tại sao của tại sao. Rồi nói về vai trò của quản trị khi tán gái đẹp mà chảnh. Phải thổi lên rồi hãy tán. TS nói là những thằng to cao đẹp trai thì IQ thấp, đã có tài thì phải dị tướng, đó là qui luật (Qui luật mà TS nói không đúng với các nghiên cứu trên thế giới cho thấy chiều cao đàn ông tỷ lệ thuận với thu nhập và các CEO của các công ty lớn đều có chiều cao hơn mức trung bình http://dvt.vn/20100726104712512p0c42/chieu-cao-va-tong-thong-my.htm).
Clip 6: …TS nói 5,9% GDP vừa rồi thì số của cải do nữ cống hiến là hơn một nửa và chính sách về cán bộ nữ rất thành công (Phải khẳng định con số này TS đưa ra hết sức không chính xác vì chắc chắn không nước nào thống kê riêng về GDP do nam và nữ tạo ra cả). Sự thành công của đàn ông và thất bại đều ở phụ nữ. Phải biết quản trị cuộc đời. TS nói phải biết vận dụng quản trị và tí phải nói cụ thể từng doanh nghiệp nói luôn chứ không thể nói chung chung ở đây…  
Độc giả N.L cũng đưa ra một số nhận xét về bài giảng của TS Lê Thẩm Dương như sau:
Về mặt kiến thức vĩ mô: Bài trình bày của TS có chủ đề là về bối cảnh kinh tế vĩ mô và những tác động tới doanh nghiệp. Phần bối cảnh vĩ mô thì chỉ là những kiến thức phổ thông và những sinh viên ngành kinh tế năm 2, siêng đọc báo hoàn toàn có thể biết được những kiến thức này. Trong phần này, TS đã có những sai sót cơ bản về số liệu và kiến thức kinh tế vĩ mô. Nếu chỉ là 1 bài giảng cho sinh viên thì cũng không cần thiết quá chính xác về số liệu.
Tuy nhiên, TS là 1 chuyên gia (như TS có khẳng định nhiều lần trong bài) hay lên báo trả lời những vấn đề liên quan tới chính sách vĩ mô nhưng những số liệu kinh tế vĩ mô cơ bản như lạm phát ở Mỹ và dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc mà TS không nắm được thì rất kỳ lạ.
Việc TS nói do Mỹ in tiền cứu nền kinh tế nên làm lạm phát Việt Nam tăng 7% năm 2008 có thể khẳng định là không chính xác cả về định tính và định lượng. Việc TS nói tăng trưởng GDP 5,9% năm 2011 có hơn một nửa do phụ nữ tạo ra là hoàn toàn không chính xác. 1 chuyên gia mà phát biểu tùy tiện, võ đoán như thế này thì không thể chấp nhận được.
Về mặt kiến thức quản trị: Trong buổi giảng, từ clip 12 TS chủ yếu nói về quản trị. TS nói rất nhiều các loại hình hay môn học quản trị nhưng chủ yếu là nêu tên mà không nói nội dung cụ thể. Có thể thấy những kiến thức về quản trị TS nêu cũng rất lan man, sơ lược và chung chung. TS cũng chỉ cách để bán được hàng tồn kho và đi đòi nợ.
Về mặt phương pháp giảng dạy: TS có nói từ đầu là TS chỉ trình bày khoảng 1 tiếng còn lại sẽ có trao đổi và thảo luận nhưng cuối cùng coi như toàn bộ thời gian là TS độc thoại, trừ một số câu hỏi không liên quan tới kiến thức chuyên môn (nếu không nói là tục tĩu) mà TS đặt ra cho học viên.
Độc giả N.L