Đóng cửa doanh nghiệp, 10 ngàn lao động ở Bình Dương sẽ đi về đâu?

05/06/2014 16:30
Hải Ninh
(GDVN) - Quyết định đóng cửa gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch của UBND tỉnh Bình Dương sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Gây sức ép lên chính sách việc làm

Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cuối năm 2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, chiếm 1,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 48.000 người so với cùng kỳ năm 2012.

Đào tạo nghề cho người lao động vùng nông thôn, miền núi là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đề án đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn và hoàn thành mục tiêu Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong khi Nhà nước phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho lao động vùng nông thôn thì quyết định của UBND tỉnh Bình Dương đang gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Trong khi Nhà nước phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho lao động vùng nông thôn thì quyết định của UBND tỉnh Bình Dương đang gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Đề án là một chương trình hoạt động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được người lao động đặt nhiều kỳ vọng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ dạy nghề cho gần 17 triệu lao động nông thôn nhằm mở ra nhiều cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn. Tổng kinh phí của đề án dự kiến là 25.980 tỷ đồng, trong đó kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 24.694 tỷ đồng; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã 1.286 tỷ đồng.

Trong khi Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, toàn xã hội đang kỳ vọng vào chính sách tạo việc làm cho người lao động vùng nông thôn thì tại Bình Dương, UBND tỉnh lại có chủ trương đóng cửa gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch áp dụng công nghệ Hoffman là một điều khó hiểu và đi ngược lại với chủ trương tạo việc làm của Đảng và Nhà nước.

Theo đơn trình bày của đại diện gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam, nếu họ bị đóng cửa, sẽ gây ra những hệ lụy là: Tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào công nghệ Hoffman của các doanh nghiệp sẽ “không cánh mà bay”; Hơn 10 ngàn lao động phổ thông có đời sống kinh tế thấp ở địa phương và vùng phụ cận sẽ mất việc làm; Chừng ấy lao động là chừng ấy gia đình với vợ, chồng, con cái, bố mẹ… của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống kinh tế; Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị xâm hại, thị trường sẽ trở nên “méo mó” nếu như chỉ có 1 loại sản phẩm là gạch Tuynel được phân phối…

Câu hỏi đặt ra là UBND tỉnh Bình Dương đã tính đến những hệ lụy trên chưa? Và nếu có hiệu ứng tiêu cực trong xã hội chính quyền có khắc phục được không?

Điện lực “thò tay” giúp sức đóng cửa doanh nghiệp

Trong lúc các cơ sở sản xuất gạch Hoffman ở tỉnh Bình Dương “chạy đôn, chạy đáo” xin cầu cứu từ các cấp ngành rồi đến Trung ương. Nhưng mới đây, chính quyền địa phương tỉnh này vẫn kiên quyết “khai tử” các lò gạch.

Không những thế, để ép các cơ sở này không được sản xuất tiếp, ngày 29/5/2014, Công ty Điện lực tỉnh Bình Dương ra Thông báo số 1741/PCBD-KD về việc hướng dẫn thực hiện thanh lý hợp đồng các khách hàng sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman.

Thông báo gây bức xúc cho các doanh nghiệp của Điện lực Bình Dương.
Thông báo gây bức xúc cho các doanh nghiệp của Điện lực Bình Dương.

Theo nội dung thông báo của Công ty Điện lực Bình Dương hướng dẫn Điện lực Phú Giáo thực hiện như sau: Rà soát, thống kê lập danh sách tất cả các khách hàng sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman; Những trường hợp giấy đăng ký kinh doanh đã hết hiệu lực: Thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng ngay; Những trường hợp giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực: Gửi thông báo đề nghị thanh lý hợp đồng đến khách hàng, cơ sở thanh lý hợp đồng là thông báo số 43/TB-UBND ngày 24/3/2014 của UBND huyện Phú Giáo, thời gian thanh lý chậm nhất là ngày 30/6/2014; Lập danh sách báo cáo UBND huyện Phú Giáo về các khách hàng sẽ thanh lý hợp đồng mua bán điện; Tổ chức làm việc với khách hàng để thỏa thuận, thu hồi tiền điện đúng quy định.

Ông Tô Văn Núi, chủ một cơ sở ở đây cho biết: “Lâu nay, chúng tôi vẫn nộp tiền điện đầy đủ và chấp hành nghiêm túc mọi thủ tục, nhưng không hiểu vì lý do gì Công ty Điện lực tỉnh bất ngờ gửi thông báo đề nghị thanh lý hợp đồng đối với các cơ sở sản xuất gạch Hoffman trước ngày 30/6”.

Còn bà Huỳnh Thị Hoàng Oanh quê ở Cà Mau thì buồn rầu nói: “Chúng tôi làm công nhân gạch lâu lắm rồi. Làm gạch thủ công thì phải làm ngoài nắng, chứ làm gạch Hoffman làm vừa sức, lại trong mát mà có thu nhập cao hơn, nhờ vậy mà tui nuôi được 2 con ăn học đàng hoàng”.

Nhiều chủ cơ sở bức xúc cho biết: “Thời buổi kinh tế khó khăn, khủng hoảng kéo dài, doanh nghiệp điêu đứng chưa kịp phục hồi thì chính quyền lại cố tình muốn “khai tử” chúng tôi. Đây rõ ràng là có lợi ích nhóm trong này”.

Rõ ràng, đang có những "bất hợp lý" và "khuất tất" trong chủ trương đóng cửa gần 200 doanh nghiệp sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman ở Bình Dương. Cơ quan chức năng cần sớm có chỉ đạo làm rõ sự việc này.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Hải Ninh