Dự báo nguồn nhân lực của Việt Nam liệu có còn phù hợp?

28/01/2020 06:28
Trần Phương
(GDVN) - Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong ASEAN về lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan...

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý, điều hành cũng như quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Một trong những mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phá vỡ thị trường lao động.

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do vậy, phát triển nhân lực là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu, có yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Lê Quân cho biết, dự báo nguồn nhân lực ở Việt Nam đã được, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 579/QĐ-TTg  ngày 19/4/2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; số 1216/QĐ-TTg  ngày 22/7/2012 về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay đã có nhưng đến nay không còn phù hợp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp thu hút tới hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỷ lệ có bằng cấp chỉ chiếm 6%. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong lĩnh vực nông nghiệp thu hút tới hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỷ lệ có bằng cấp chỉ chiếm 6%. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Thứ trưởng Lê Quân, trong bối cảnh thế giới mới, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế quốc tế hóa nhân lực, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ nói chung, qua đào tạo nghề nói riêng còn thấp.

Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong ASEAN về lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 22,37%, bằng 1/3 các nước và nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo, ở nhiều nước tỷ lệ này phổ biến là 50%.

Quy mô tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp tuy có tăng, nhưng hiện chỉ có 2,2 triệu/năm, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của một quốc gia gần 97 triệu dân, 55,4 triệu lao động của chúng ta.

Mãi chưa có nghị định hướng dẫn, các trường đại học như đứng giữa ngã ba đường
Mãi chưa có nghị định hướng dẫn, các trường đại học như đứng giữa ngã ba đường

Cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý. Mô hình tiêu chuẩn ở nhiều nước là 1/4/10, tức là cứ 1 lao động có trình độ đại học trở lên thường có 4-5 trung cấp, cao đẳng và 10 sơ cấp. Trong khi Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

Năm 2000 tỷ lệ này của chúng ta là 1/1,2/0,9 thì đến nay là 1/0,8/0,3 (tức là người lao động gián tiếp nhiều hơn người lao động trực tiếp).

Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp vốn đã thấp lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua.

Năm 2012 có 15% lao động có trình độ Đại học trở lên làm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở xuống, đến năm 2017 tỷ lệ này tăng lên đến 23%.

Xu thế này phản ánh sự lãng phí trong đầu tư cho đào tạo và sử dụng lao động trình độ cao, mặt khác cho thấy sự chưa tương xứng giữa bằng cấp và chất lượng thực sự của lao động được đào tạo; đồng thời đặt ra yêu cầu đào tao phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường thay vì đào tạo cái mà người lao động muốn.

Thứ trưởng Lê Quân cũng chỉ ra một trong khía cạnh còn tồn tại hiện nay chính là việc cơ cấu ngành nghề đào tạo của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp.

Theo thống kê, lĩnh vực nông nghiệp thu hút tới hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỷ lệ có bằng cấp chỉ chiếm 6% (tương đương khoảng 4,2% số lao động trong lĩnh vực này); lao động có bằng cấp ở khu vực dịch vụ là hơn 70%, trong khi số lao động chỉ chiếm 34%; tỷ lệ lao động có bằng cấp trong các ngành công nghiệp, xây dựng chỉ có 20%.

Đây là sự bất hợp lý và thách thức rất lớn trong quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế.

Việc tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tết. Ảnh: Thùy Linh
Việc tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tết. Ảnh:  Thùy Linh

Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay trong quy hoạch, dự báo và đào tạo là sự thay đổi nhanh chóng và khó dự báo của các tiến độ công nghệ và tác động của nó đến thị trường lao động.

Thứ trưởng Lê Quân cũng phân tích về sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới và sự mất đi của nhiều ngành truyền thống.

Chẳng hạn, các ngành nghề về văn phòng, liên quan tới lao động thủ công và bán thủ công sẽ có ít nhu cầu hơn.

Trong khi đó, những ngành nghề liên quan tới sáng tạo (thiết kế, phân tích…), liên quan tới logistic sẽ xuất hiện.

6 trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2020
6 trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2020

Sự phát triển nguồn nhân lực không thể tách rời mà có quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế.

Nói cách khác, chiến lược phát triển kinh tế sẽ dẫn dắt chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức.

Khi đó lao động sẽ chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động thủ công, sử dụng máy móc cơ khí sang tự động hoá.

Vì vậy, cần xác định các ngành nghề mũi nhọn phục vụ cho CMCN 4.0 như: AI, phân tích dữ liệu, thiết kế …. Để thực hiện việc đi tắt đón đầu, cần chuẩn bị đào tạo một tỷ lệ nhất định nguồn nhân lực chất lượng cao, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.

Nhu cầu lao động có bằng đại học chỉ 13%

Theo dự báo nguồn nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực 1 năm khoảng  270.000 chỗ việc làm trống (trong đó: lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%).

Định hướng phát triển thị trường lao động thành phố theo 04 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí, Điện tử - Công nghệ thông tin, Chế biến lương thực thực phẩm, Hóa chất – Nhựa cao su.

Cùng với 09 nhóm ngành kinh tế dịch vụ: Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm, Giáo dục – Đào tạo, Du lịch, Y tế, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai, Thương mại, Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng, Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Đồng thời một số nhóm ngành thu hút nhiều lao động như: Dệt may – Giày da – Thủ công mỹ nghệ, Marketing, Dịch vụ - Phục vụ, Xây dựng – Kiến trúc – Môi trường…

Nguồn:dubaonhanluchcmc.gov.vn/

Trần Phương