Dùng văn bản hết hiệu lực trình Ủy ban thông qua việc thu tiền phụ huynh

15/08/2019 06:46
Hưng Long
(GDVN) - Hàng trăm phụ huynh học sinh phải đóng tiền xã hội hóa căn cứ theo công văn đã hết hiệu lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự thông qua của Ủy ban.

Mỗi học sinh phải đóng 120.000 đồng

Ngày 13/8, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cung cấp thông tin là phải đóng khoản tiền vô lý.

Các em phải đóng số tiền này căn cứ trên tờ trình số 03/TTr-THVP4 ngày 12/8/2019 về việc huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục năm 2019 – 2020.

Tờ trình này do Hiệu trưởng Trịnh Ngọc Thùy Mai ký ban hành gửi Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong và được ông Cô Văn Niệt – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong ký xác nhận để thông qua.

Tờ trình của trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong. (Ảnh: H.L)
Tờ trình của trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong. (Ảnh: H.L)

Nội dung của tờ trình thể hiện việc thu số tiền 120.000 đồng của phụ huynh căn cứ Điều lệ trường Tiểu học, căn cứ công văn số 6890/BGD&ĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các cơ sở Giáo dục và Đào tạo.

Hiệu trưởng Mai lập tờ trình căn cứ vào hội nghị họp Ban chi ủy, Hội đồng nhà trường, hội nghị họp Ban đại diện Hội phụ huynh của trường và hội nghị họp phụ huynh của các lớp đầu năm học 2019 – 2020.

Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 căn cứ vào tình hình thực tế kinh phí nhà nước cấp chưa đáp ứng đầy đủ cho nhu cần cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng để xây dựng, tạo cảnh quan môi trường thân thiện cho học sinh trong năm học 2019 – 2020.

Hiệu trưởng căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 năm học 2019 – 2020.

Để thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ năm 2019 – 2020 nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho học sinh.

Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 xây dựng kế hoạch xã hội hóa giáo dục để huy động từ nguồn đóng góp của các bậc phụ huynh và vận động sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, các cá nhân trong cộng đồng tại địa phương để xây dựng mái che phục vụ cho học sinh trong năm học 2019  - 2020 là 120.000 đồng/em.

Giảm cho học sinh nghèo, cận nghèo, 2,3 em cùng học một trường đóng góp 1 em.

Phòng Giáo dục đã cấm vận động thu tiền từ phụ huynh

Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 đã trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong để xem xét và phê duyệt; 

Để cho phép nhà trường được thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục bằng nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của các tổ chức từ thiện, cá nhân, các nhà hảo tâm và các bậc phụ huynh tại địa phương;

Để xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm cho học sinh và nâng cao chất lượng cơ sở và giáo dục học sinh năm học 2019 – 2020.

Bộ Giáo dục yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp lạm dụng thu ngoài học phí
Bộ Giáo dục yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp lạm dụng thu ngoài học phí

Ngay sau đó, tờ trình nói trên đượcPhó Chủ tịch xã ký thông qua và ban hành đến các phụ huynh.

Nhiều phụ huynh đã phải đóng số tiền trên nhưng thắc mắc, liệu việc thu tiền xã hội hóa như trên có xuất phát từ chủ trương và quy định của nhà nước hay không?

Hơn hết, việc căn cứ công văn số 6890/BGD&ĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nhà trường trình cho Ủy ban nhân dân xã để xác nhận thu tiền của phụ huynh đã hết hiệu lực.

Phóng viên đã tìm cách liên hệ với ông Cô Văn Niệt – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong và bà Trịnh Ngọc Thùy Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 để xác nhận sự việc nhưng chưa thể được.

Ngày 14/8, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với thầy Huỳnh Minh Tâm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận.

Thầy Tâm khẳng định, sẽ cho kiểm tra và xác minh lại việc vận động đóng tiền như trên. Phòng Giáo dục đã có văn bản cấm các trường vận động thu tiền từ phụ huynh học sinh.

Thầy Tâm nói, các học sinh vùng nông thôn đã khó khăn lắm rồi, nên vận động từ các Mạnh Thường Quân được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Hưng Long