Đường cao tốc nham nhở ổ gà

31/08/2011 07:22
Theo Phương Thanh/Thanh niên
Chỉ 6 tháng sau khi được nghiệm thu, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương lại xuất hiện chi chít ổ gà đánh bẫy người lưu thông.

Ghi nhận mới nhất, sau khi nhà thầu tiến hành bù lún và sửa chữa các ổ gà để tiến hành nghiệm thu vào tháng 2.2011, đến nay, hàng loạt ổ gà bắt đầu tái chiếm mặt đường cao tốc đầu tiên của VN. Hướng từ TP.HCM đi Tiền Giang, ổ gà bắt đầu xuất hiện rải rác từ Km 16 gây dằn xóc cho phương tiện lưu thông. 

Đến Km 24, 25, xe chạy bắt đầu cảm nhận rõ sự không êm thuận do các đoạn đường được bù lún nhô cao lên tạo thành gờ, các ổ gà nhỏ cũng bắt đầu xuất hiện dày hơn xen kẽ với dấu vết ổ gà cũ đã được trám lại. 

Đến Km 27, 28, ổ gà chi chít chạy thành một hàng dọc ngay làn đường ở giữa, bằng mắt thường có thể thấy rõ làn giữa võng hẳn xuống so với làn đường hai bên. Đặc biệt, ở Km 29, một “ổ trâu” choán gần hết làn đường ở giữa khiến xe cộ chạy qua đây phải vội vàng chuyển hướng đột ngột. 

Đề xuất thu phí 1.000 đồng/km

Ông Phan Hồng Quang - Tổng giám đốc BEDC - cho biết đang trình Chính phủ phương án thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với mức cơ bản 1.000 đồng/km. Sau khi được thông qua, BEDC sẽ xây dựng phương án thu phí cụ thể đồng thời có kế hoạch tiếp nhận đường cao tốc từ PMU Mỹ Thuận. Ông Đặng Văn Khoa cho rằng, chỉ có thể chấp nhận việc thu phí sau khi chủ đầu tư và nhà thầu đã khắc phục triệt để các hư hỏng trên đường cao tốc. Tránh tình trạng tiến hành thu phí cho sản phẩm không hoàn thiện và lấy tiền thuế của dân để sửa chữa các hư hỏng do công trình kém chất lượng.

“Ổ trâu” này đọng đầy nước, lớp nhựa đường xung quanh bị bong vỡ ra với nhiều vết nứt chạy dài trên mặt đường. Có thể thấy hư hỏng tại đây xuất hiện đã lâu nhưng do không được sửa chữa kịp thời nên bị xe cộ đi qua liên tục “đánh bồi” làm nứt toác ra. 

Tình trạng hư hỏng, lún nứt tiếp tục xuất hiện tại các Km 32, 33 và kéo dài đến tận cuối đường ở nút giao Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang).

Đường hướng từ Tiền Giang về TP.HCM cũng dằn xóc không kém với hàng loạt ổ gà đua nhau chiếm mặt đường. Km 50 xuất hiện ổ gà lớn, mặt đường bị lõm sâu, đọng nước và nhiều vết nứt chạy dài trên mặt đường. Ở các Km 34, 33, 29, 28 ổ gà cũ mới chằng chịt, thi nhau choán trên làn đường ở giữa và phía gần làn dừng khẩn cấp bên phải. 

Nhiều ổ gà cũ sau khi được trám lấp lại đã bắt đầu nứt toác ra. Đặc biệt, vừa qua Km 26, 4 ổ gà lớn choán hết làn đường ở giữa khiến nhiều xe đến đây phải đột ngột chuyển hướng dạt sang hai bên, rất dễ xảy ra tai nạn. Cách đó chỉ vài mét, hàng rào sắt bên đường bị ngã móp cho thấy dấu vết của một vụ tai nạn giao thông.

Nhập nhằng trách nhiệm

Kỹ sư Vũ Đức Thắng - Phó chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) - cho rằng ổ gà trên đường cao tốc có thể do các nguyên nhân: độ đàn hồi của mặt đường không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng lớp bê tông mặt đường không đồng đều hoặc do quá trình thảm nhựa chưa đảm bảo nhiệt độ theo tiêu chuẩn... Ngoài ra, việc kiểm soát không chặt chẽ để xe quá tải lưu thông cũng có thể là một nguyên nhân khiến mặt đường xuống cấp nhanh.

Theo thạc sĩ Phạm Sanh - Đại học GTVT TP.HCM, hiện công trình vẫn đang trong giai đoạn bảo hành (2 năm kể từ thời điểm nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư) nên trách nhiệm sửa chữa thuộc về nhà thầu. Đáng lẽ khi vừa xuất hiện hư hỏng, nhà thầu phải chữa ngay để đảm bảo cho xe cộ lưu thông với tốc độ 100 km/giờ. “Thế nhưng, tôi đi đường cao tốc nhiều lần, có ổ gà xuất hiện cả nửa tháng cũng chưa thấy sửa chữa. 

Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao cho đường cao tốc, nhất là vào ban đêm hay trời mưa. Chưa kể, việc chậm sửa chữa các hư hỏng sẽ khiến công trình xuống cấp rất nhanh. Nước mưa đọng lâu ngày tại các chỗ lõm cũng làm bề mặt nhựa đường mềm ra, có sức hủy hoại kết cấu công trình rất nhanh. 

Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay công trình đang chuẩn bị bàn giao từ PMU Mỹ Thuận sang cho Công ty CP phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) để tiến hành thu phí. Do đó, có thể chủ đầu tư và nhà thầu dây dưa, chưa muốn sửa ngay mà chờ đến thời điểm bàn giao. Việc chuyển giao công trình kiểu này rất dễ dẫn đến tình trạng nhập nhằng về trách nhiệm sau này" - ông Sanh nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận (chủ đầu tư) - lý giải ổ gà xuất hiện do một số ca thiết bị trộn hoạt động không tốt khiến lớp bê tông nhựa hạt mịn không đảm bảo chất lượng. PMU Mỹ Thuận đã liên tục thúc đẩy nhà thầu sửa chữa để đảm bảo lưu thông. 

Tuy nhiên, việc sửa chữa có chậm trễ do quy trình phức tạp hơn công trình cầu đường thông thường, nhà thầu phải cào bóc toàn bộ diện tích hư hỏng rồi mới trải lại bê tông và lớp tạo nhám.

 Hàng loạt ổ gà lớn trên đường cao tốc - Ảnh: P.Thanh
 Hàng loạt ổ gà lớn trên đường cao tốc - Ảnh: P.Thanh
 Hàng loạt ổ gà lớn trên đường cao tốc - Ảnh: P.Thanh
 Hàng loạt ổ gà lớn trên đường cao tốc - Ảnh: P.Thanh

Hàng loạt ổ gà lớn trên đường cao tốc - Ảnh: P.Thanh

Ông Đặng Văn Khoa - nguyên Đại biểu HĐND TP.HCM: Xem lại trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu nhà nước

TP.HCM - Trung Lương là đường cao tốc đầu tiên của VN, song thực tế lưu thông hiện nay cho thấy hàng loạt “khuyết tật” như lún, ổ gà, biển báo, các đường kết nối... Là một tài xế từng đi đường cao tốc nhiều lần, tôi nhận thấy công trình rất không an toàn cho người tham gia lưu thông với tốc độ cao, và thực tế cũng cho thấy đây là một trong những tuyến đường xảy ra nhiều tai nạn nhất. Đáng nói là, với nhiều khiếm khuyết như vậy, chúng ta rất ngạc nhiên khi công trình vẫn được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) - tổ chức nghiệm thu cấp cao nhất - tiến hành nghiệm thu. Đáng lẽ động thái nghiệm thu chỉ được tiến hành sau khi chủ đầu tư và nhà thầu đã hoàn thiện công trình, đồng nghĩa với toàn bộ các khiếm khuyết đã được khắc phục triệt để. Không thể chấp nhận chuyện hội đồng chỉ “nghiệm thu cơ bản”, còn các khiếm khuyết “từ từ khắc phục sau”. Bởi, việc lưu thông của người dân là thật, tai nạn xảy ra là thật, cho nên kiểu nghiệm thu qua quýt là đang đùa với sự an toàn của người dân. Theo tôi, để đường cao tốc xảy ra nhiều hư hỏng và tai nạn, nhà thầu phải chịu trách nhiệm, song trách nhiệm của HĐNTNN còn lớn hơn.

Theo Phương Thanh/Thanh niên