EVN chưa có phương án chuẩn bị trước cho sự cố mất điện toàn Miền Nam?

24/05/2013 07:05
Hà Nhi
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc mất điện của 22 tỉnh, thành phố do sự cố đứt đường dây 500KV vừa qua có thể coi là một bài học “đắt giá” trong tương lai và EVN nên chuẩn bị trước các phương án phòng trừ, kiểm soát.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: Việc xe cẩu gây mất điện có thể coi là một sự cố đáng tiếc. 
“Việc này cảnh báo khả năng mất điện do nhiều lý do khác nhau của Việt Nam trong tương lai và có thể lặp lại. Hệ quả sẽ rất lớn, nếu không có phương án xử lý sớm” – ông Phong nhấn mạnh.
“Việc này cảnh báo khả năng mất điện do nhiều lý do khác nhau của Việt Nam trong tương lai và có thể lặp lại. Hệ quả sẽ rất lớn, nếu không có phương án xử lý sớm”
“Việc này cảnh báo khả năng mất điện do nhiều lý do khác nhau của Việt Nam trong tương lai và có thể lặp lại. Hệ quả sẽ rất lớn, nếu không có phương án xử lý sớm”

Trước đó, theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vào lúc 14h19 ngày 22.5 đã xảy ra sự cố trên ĐD 500kV Di Linh - Tân Định. Sự cố đường dây 500kV trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết HTĐ 500kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong HTĐ miền Nam, dẫn tới HTĐ miền Nam  mất điện toàn bộ (khoảng 9400 MW).

Sự cố mất điện trên diện rộng này được coi là lần tiên xảy ra trong suốt 100 năm qua. 
Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia (EVN-NPT) cũng khẳng định trên báo Tiền Phong Online: Sự cố đứt đường dây 500KV gây thiệt hại rất lớn.
Tuy nhiên, ông Minh cũng phân trần: Đây là sự cố bất khả kháng. Sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo cao nhất của EVN đã chỉ đạo trực tiếp tại Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia để đóng điện nhanh nhất có thể.
Để khắc phục sự cố, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia phải xử lý theo quy trình. Do đó, việc đóng điện phải đóng dần dần chứ không đóng được cùng một lúc. “Ngay sau khi sự cố xảy ra, đã khôi phục và đóng điện được; tuy nhiên để đóng điện hoàn toàn cần có thời gian và phụ thuộc thao tác trên lưới” – ông Minh nói.
“Điều này chứng tỏ các quy trình, phương án xử lý của ta chưa có sự chuẩn bị trước. Trong thời gian tới, tôi nghĩ EVN cần dự trù trước các phương án liên quan tới việc mất điện, để khi có sự cố có thể kiểm tra, kiểm soát và xử lý một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất” – Chuyên gia Nguyễn Minh Phong chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam.
Nói về tầm ảnh hưởng nặng nề của việc mất điện lần này, ông Phong cho rằng: “Chắc chắn là ảnh hưởng rất lớn vì dừng tất cả các hoạt động liên quan tới kinh tế, chưa kể gây thiệt hại tới con người, ví dụ như các ca cấp cứu, mổ xẻ… Điều này ai cũng biết nhưng có thể ngại không dám nói ra mà thôi!”.
Do mức độ ảnh hưởng lớn như vậy nên trách nhiệm của người gây ra sự cố (người lái xe tải) cũng không hề nhỏ.
TS.LS Trần Đình Triển đã nhận định trên Giaoduc.net.vn rằng: “Có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can với lái xe cẩu vi phạm an toàn giao thông, an toàn lưới điện quốc gia gây hiệu quả nghiêm trọng, yêu cầu chủ phương tiện đền bù thiệt hại gây ra…”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hà Nhi