Foreign Policy: Không có Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga

18/05/2014 07:27
Nguyễn Hường
(GDVN)- Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) hôm 17/5 đưa tin cho biết, không có Chiến tranh Lạnh đang tồn tại giữa Mỹ và Nga.

Nhiều người cho rằng có vẻ như Chiến tranh Lạnh đang trở lại khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga còn Đại sứ của hai nước đưa ra những lời lăng mạ nhau tại các phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. 
Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Colum Lynch viết trong bài bình luận trên Tạp chí Chính sách đối ngoại. 
Trong khi Mỹ đình chỉ một số chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga và đe dọa sẽ có các biện pháp nhằm tiếp tục cô lập Nga trên quốc tế, thì cả hai nước vẫn tìm cách để hợp tác cùng nhau.
Theo nhà báo Lynch, chính quyền Nga và Mỹ đã cùng hợp tác ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và khủng bố từ Tehran tới Tashkent, hợp tác trong các chiến dịch quốc tế để ngăn chặn sự tàn bạo ở những nơi như Nam Sudan.
Cho đến thời điểm này, vấn đề Ukraine dường như không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran, vấn đề có lẽ là quan trọng nhất đối với Mỹ và các đồng minh chính của mình, giữa Nga và Mỹ. Nga cũng rất hữu ích trong các cuộc đàm phán sau cánh cửa đóng kín với Iran, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói. 
Trong những năm gần đây, các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đã vượt qua nhiều sự khác biệt của nhau để cùng hợp tác giải quyết một loạt vấn đề có thể ảnh hưởng tới lợi ích chung như chống vi phạm bản quyền ở châu Phi, chống những kẻ Hồi giáo cực đoan như Taliban và Al-Qaeda từ Mali và Afghanistan tới Syria, ngăn chặn các cuộc chiến tranh địa phương tại châu Phi, Tạp chí Chính sách nhận định. 
Mặc dù hai nhà ngoại giao Nga và Mỹ đã dành những lời lẽ khó nghe cho nhau trong các phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các vấn đề của Ukraine, nhưng Mỹ vẫn cần tiếp tục hợp tác với Nga trong nhiều vấn đề.  
Hiện có căng thẳng và khoảng cách đối thoại giữa Mỹ và Nga trong nhiều lĩnh vực, nhưng họ vẫn  hợp tác với nhau trong các vấn đề toàn cầu chính. Ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thông qua các chương trình ngoại giao toàn diện vẫn đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với Nga. Moscow sẽ không hành động chống lại Mỹ theo cách sẽ gây tổn hại đến lợi ích riêng của họ, Tạp chí Chính sách đối ngoại dẫn lời ông Daryl Kimbaall - Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí phi chính phủ cho biết.
Nguyễn Hường