Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Nga và Mỹ trên nền tảng khủng hoảng Ukraine đã chuyển từ ván cờ vua sang ván bài poker nguy hiểm, tờ II Giornale của Italia mô tả hôm 27/4.
II Giornale bình luận, "2 người chơi đang không cân sức". Ông Vladimir Putin đang nắm giữ những lá bài tốt, trong khi ông Barack Obama thì ngược lại.
"Kỳ phùng địch thủ" Barack Obama và Vladimir Putin. |
Putin giành chiến thắng trong mọi cuộc đấu xảy ra vài tháng qua giữa Nga và Mỹ, từ việc cung cấp tị nạn chính trị cho Edward Snowden đến giải trừ vũ khí hóa học Syria, sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
Trong khi đó, mọi nỗ lực của Tổng thống Obama đều trở thành thất bại, thậm chí cả đàm phán về quan hệ thương mại với Nhật Bản cũng không thành công, thiếu động lực trong các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel...
Kết quả của phong trào ly khai tại Đông Ukraine, nơi những người biểu tình chống chính phủ Kiev tiến hành trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 11/5 tới đây sẽ quyết định "ván bài" giữa hai Tổng thống.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk trong cuộc họp tại Rome với Giáo Hoàng và sau đó là Thủ tướng Ý Matteo Renzi, đã không bỏ lỡ cơ hội để buộc tội Moscow chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng ngay trong ngày hôm đó, thông tin Kiev hạn chế cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Crimea được công bố trên khắp thế giới.
Đặc biệt, Tổng thống Obama khó có thể xem Yatsenuk là đối tác tin cậy. Khi Kiev đẩy mạnh hoạt động đặc biệt chống lại người ly khai Đông Ukraine, quan hệ Mỹ và châu Âu với Nga có nguy cơ trở thành thù địch hơn nữa. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã nhận thức được nguy cơ leo thang rằng một khi Kiev dùng bạo lực, Nga sẽ có quyền can thiệp quân sự ở phía Đông Ukraine, và sau đó Donetsk sẽ nhanh chóng rời tách khỏi Ukraine.
Không hành động quân sự, Obama chỉ có thể tiếp tục con đường chiến tranh kinh tế, dù đây không phải là cách tốt nhất, Il Giornale nhận định.
Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào hệ thống ngân hàng và thống tài chính của Nga đã gây lo ngại cho nhiều nước châu Âu, mà Liên bang Nga là một trong những đối tác kinh tế chính của họ.
Ngoài ra lệnh trừng phạt mới có thể cản trở đáng kể khả năng lực lượng ly khai ở Slaviansk sẽ trả tự do cho các quan sát viên quốc tế của tổ chức OSCE mà Bộ Ngoại giao Đức đã kêu gọi Moscow giúp đỡ giải phóng họ./.
Nguyễn Hường