“Gánh” cơm, “gánh” chữ, “gánh” tình lên Kim Bon

19/11/2011 08:00
Ngọc Khánh
(GDVN) - “Ai cũng muốn nhàn, nhưng nếu vì thế mà mình không đi lên đây thì lấy ai để dạy học, đồng bào mình muôn đời vẫn lạc hậu thôi”.
Đường dẫn vào trung tâm xã Kim Bon (Phù Yên, Sơn La) cách đường lớn chỉ gần 10 cây số nhưng gập ghềnh sỏi đá cùng những con dốc vắt lưng chừng núi khiến cho nhiều người không khỏi “thót tim”. Hành trình mang “con chữ của Bác Hồ” của các thầy cô giáo đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều gian nan, khó khăn.
Phần lớn các điểm trường lẻ ở Kim Bon còn tạm bợ, thiếu thốn trăm bề
Phần lớn các điểm trường lẻ ở Kim Bon còn tạm bợ, thiếu thốn trăm bề
Trong chuyến công tác lên vùng cao Kim Bon, chúng tôi mới thấu được nỗi khổ của những giáo viên, đặc biệt là những cô giáo mầm non nơi đây. Con đường từ UBND xã cho tới điểm chính của trường Mầm non chưa đầy 1km là liên tiếp những con dốc với những đoạn ổ voi, mặt đất sụt lún. Trên đường vào trường, tôi ngồi sau xe của một “cua – rơ” nữ người nhỏ nhắn. 

Chị là giáo viên dạy ở điểm trường lẻ cách khoảng 15 cây số. Được tin đoàn từ thiện của Báo GDVN tới thăm, chị cùng đồng nghiệp ở các điểm trường lẻ về gặp mặt, chia vui.

Đoạn đường dốc đất lồi lõm, nhão nhoét khiến không ít pha phải rồ ga mới lên được dốc. Thấy tôi có vẻ run, chị trấn tĩnh bằng câu nói dí dỏm “em cứ yên tâm, ngày trước chị cứ 1 tuần đo đất 3 lần, rồi thành quen hết. Bây giờ xuống Hà Nội có thể gia nhập được đội đua xe được đấy”, nói đoạn chị cười tươi, tôi cũng phì cười. 

Trường Mầm non Kim Bon có 11 điểm trường rải đều 11 bản của xã. Có những bản cách trung tâm xã gần 30km đường rừng như bản Suối Lẹt, Suối On… Hiện nay, cơ sở vật chất của các điểm trường ở Kim Bon còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồ dùng dạy học, bàn ghế, đồ chơi… Ngoài 2 điểm trường được xây kiên cố, 9 điểm còn lại đều phải nhờ các nhà văn hóa bản dựng bằng các tấm gỗ cũ kỹ.

Quay về Ủy ban, muốn được bước đi trên con đường gập ghềnh, tôi đã đi cùng cô giáo Lường Thị Phong và cô Lê Thị Loan, Hiệu phó trường Mầm non. Những câu chuyện dọc đường khiến tôi không khỏi suy nghĩ miên man về sự nghiệp giáo dục nơi đây. Quả thực, cuộc sống khổ cực của người dân hiện rõ qua con đường và những nếp nhà ẩn mình trong sương núi.
Cô giáo Phong là người dân tộc Thái, mới chuyển đến Kim Bon làm Hiệu trưởng trường Mầm non từ năm học trước. Nói vui với chúng tôi, cô Phong bảo “bỏ” chồng và 2 con ở dưới thị trấn Phù Yên lên đây “gá nghĩa” với dân bản.
Cô Phong (bìa phải) cùng đồng nghiệp bên những đóa hoa trạng nguyên. Ảnh: Ngọc Khánh
Cô Phong (bìa phải) cùng đồng nghiệp bên những đóa hoa trạng nguyên. Ảnh: Ngọc Khánh
Phần lớn, các em học sinh là người dân tộc Dao và H’Mông. Mặc dù trình độ nhận thức của người dân còn thấp nhưng mọi người không muốn cho con cái ở nhà vì đưa đến lớp được cô giáo dạy hát, múa, lại có người trông nom cho đi làm nương. Là người dân tộc thiểu số nên cô Phong hiểu được những khó khăn của đồng bào mình nơi núi cao vực thẳm Phù Yên. 

Hầu hết những giáo viên đến đây đều phải ở nhờ nhà người dân. Cứ cuối tuần lại về nhà mang thực phẩm lên Kim Bon để tiếp tục hành trình “gieo chữ”.

Mùa đông, sương phủ trắng các đỉnh núi, giáp mặt nhau chỉ nhìn thấy mờ mờ. Những hôm trời đổ mưa, con đường đến trường nhão nhoét, các cô giáo phải đi ủng men theo hàng rào của nhà người dân để đi, có những đoạn bùn đất ngập tới đầu gối. Tới trường, cả cô và trò rét run lại ngồi quây quần đốt lõi ngô sưởi ấm, hơ tay. Các em cứ thế mà lớn lên.

Cuộc sống, đường sá đã khổ, công việc dạy dỗ học trò của các cô giáo mầm non Kim Bon còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Khi tôi hỏi lý do lựa chọn lên Kim Bon, cô giáo Lê Thị Loan tâm sự “ai cũng muốn nhàn, nhưng nếu vì thế mà mình không đi lên đây thì lấy ai để dạy học, đồng bào mình muôn đời vẫn lạc hậu thôi”.

Giọng trầm trầm, cô Phong cho biết, hầu như bố mẹ các em ở đây không có nổi 6 nghìn VNĐ/ tháng tiền đóng các khoản, các cô giáo lại góp tiền mua đồ dạy học cho các bé. “Các em ở đây khổ lắm, chị đã từng chứng kiến có em học tiểu học ra ngoài đồng bắt cua rồi về nấu với nước lã, cho ít muối vào rồi lấy nước ăn, cua để lại cho bữa sau ăn tiếp. Có gia đình đi làm nương mang theo cơm trắng, đến bữa bỏ ra chan với nước suối ăn cho no bụng”.

Khi tôi thắc mắc các em bé mặc những bộ áo váy xúng xính rất đẹp mà chân đi đất, hai cô cho biết những bộ váy, áo quần đó là đồ đẹp nhất, chỉ dám mặc vào ngày lễ tết, có khách quý. Do hoàn cảnh nhà khó khăn nên mới chỉ sắm được váy mà không có dép nên chịu đi chân đất.

Nghe những câu chuyện như vậy, lòng tôi trĩu nặng. Nghĩ tới những bữa cơm (dù chỉ bình dân) ở Hà thành, tôi ước có thể mang nó tới với đồng bào Kim Bon. Có đi mới thấu được nỗi khổ của cuộc đời! Nhiều thành viên trong đoàn thiện nguyện muốn được làm nhiều hơn nữa để tấm lòng Việt Nam đến được với nhiều người hơn.
"Những đứa con trong gia đình, thật hạnh phúc!". Ảnh: Ngọc Khánh
"Những đứa con trong gia đình, thật hạnh phúc!". Ảnh: Ngọc Khánh
Cô giáo Anh Thơ (giảng viên ĐH đã về hưu) chia sẻ: Trước khi đến với Kim Bon, cô tìm trên mạng những thông tin về nơi này nhưng chỉ có một ít thông tin từ trang web của Ủy ban dân tộc miền Núi. Đúng là có đi mới biết hết nỗi khó khăn, vất vả của những giáo viên vùng cao.

Sự nghiệp giáo dục mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện còn nhiều khó khăn. Ngày 20/11 sắp tới gần, hy vọng những thầy cô nơi rẻo cao Kim Bon gian khổ giữ vững nhiệt huyết để “ươm mầm xanh” cho mảnh đất này. Xin gửi lời tri ân tới những người gieo chữ trên non.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Ngọc Khánh