Gặp người hết “điên”, khỏi mù, thoát trầm cảm nhờ thuật thôi miên

13/04/2012 05:24
Ngọc Khánh
(GDVN) - Bệnh trầm cảm ngày một thuyên giảm, không còn có ý định tự tử như trước, anh T. đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Cuộc đời tươi đẹp dần trở lại!
Gặp anh Lê Thanh T. (Bến Bính, Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng), ít ai có thể nghĩ rằng người đàn ông 26 tuổi rất thân thiện, khỏe mạnh như vậy từng có thời gian u uất, hoảng loạn bởi chứng bệnh trầm cảm trầm trọng suốt một thời gian dài. Bản thân anh cũng không tin vào những thay đổi kỳ diệu khi kể lại một ký ức phủ đầy đau khổ, bi quan.

Tự tử trong hoảng loạn

Có lẽ, năm 2008 là cái mốc thời gian mà T. không thể nào quên bởi đây chính là điểm khởi đầu hành trình bệnh tật của anh. Căng thẳng, khó ngủ, hay cáu giận..., mặc dù cảm nhận được những thay đổi bất thường về mặt tinh thần đó nhưng anh không hề biết đó là dấu hiệu của chứng bệnh trầm cảm. 
Chỉ tới khi những điều ấy làm xáo trộn toàn bộ cuộc sống thì T. được bố đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp. Bác sĩ kết luận anh T. bị rối loạn thần kinh thực vật. Hơn nửa tháng trời uống thuốc nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm, thần kinh căng thẳng càng khiến anh ức chế, khó chịu hơn. Mất ngủ thường xuyên, tinh thần hoảng loạn, sợ ánh sáng, T. dần sống khép mình trong căn phòng nhỏ.

Trong thời đại công nghiệp hiện nay, chứng trầm cảm ngày càng nhiều, nếu không được phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị sẽ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet.
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, chứng trầm cảm ngày càng nhiều, nếu không được phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị sẽ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, bố con anh T. đã đến nhiều nơi với mong muốn gặp đúng thầy, tìm đúng thuốc để chữa cho dứt bệnh, ổn định cuộc sống. Hơn 1 năm điều trị và uống thuốc ròng rã tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, T. và gia đình hy vọng sẽ chấm dứt được sự tồi tệ của thể trạng và tinh thần đang ngày càng đi xuống. 
Là người có cơ địa thường bị dị ứng với thuốc, T. không ngờ những loại thuốc đang dùng chữa trầm cảm lại là “con dao hai lưỡi”, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Do tích tụ những hoạt chất trong loại thuốc từng uống nên T. bị viêm loét mắt, miệng, mũi, thị lực giảm dần. Anh bị hội chứng khô ở mắt trái, loét giác mạc ở mắt phải và nhập viện ngay sau đó. Tập trung chữa mắt nên anh không được uống thuốc chữa bệnh trầm cảm, điều này khiến anh càng thêm mệt mỏi, bi quan. 

Chuỗi ngày sau đó, anh như sống trong một “nhà tù” của chính mình theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Sự hoảng loạn, bế tắc tột độ bủa vây trong từng suy nghĩ, anh T. sống giam mình trong phòng riêng, không tiếp xúc với ai. Sợ ánh sáng, sợ cả trẻ con, cảm giác mọi thứ chênh vênh như trên mặt nước. “Chỉ cần nghe tiếng còi tàu, xe dù nhỏ cũng khiến tôi cảm thấy đinh tai, nhức óc. Tôi cảm nhận được thể chất và tinh thần của mình bị rối loạn trầm trọng và muốn tìm đủ mọi cách để thuyên giảm nhưng càng tìm càng bất lực khiến tôi ức chế hơn”, anh T. chia sẻ.
Năm 2010, anh lập gia đình. Chứng trầm cảm không cho T. một giờ thảnh thơi để có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc lứa đôi giản dị với góc độ một người chồng. “Tôi sống trong sợ hãi, lo lắng rất nhiều. Mọi sinh hoạt gần như là ngưng trệ, đặc biệt là giao tiếp với mọi người xung quanh. Những cảm xúc đan xen, mâu thuẫn nhau tới mức lúc tuyệt vọng về những gì đang diễn ra, có lúc muốn quyên sinh để tìm sự giải thoát nhưng cũng có lúc cố gắng vượt qua bệnh tật khi nghĩ tới tình nghĩa vợ chồng, chữ hiếu với bố mẹ ”, anh T. không thể quên được những ngày tháng tồi tệ như thế.
Cáu bẳn, hoài nghi, giận hờn vô cớ, ít giao tiếp, T. cảm thấy mình là người vô ích khi mắt kém, bệnh trầm cảm nặng hơn. Những kỷ niệm buồn dội về, gặp ác mộng trong giấc ngủ, mỗi lần ngủ dậy là tim đập mạnh, vã mồ hôi...cuộc sống tinh thần như vậy khiến T. càng cảm thấy áp lực trong lòng không được giải tỏa. Thậm chí, anh đã từng nhiều lần lập kế hoạch tự tử như thắt cổ, uống thuốc ngủ, đập đầu vào tường, cắt tay, rất may, những điều đó chưa kịp thực hiện thì hi vọng đến với anh.
Nước mắt người bố
Trong quá trình tiếp xúc, chúng tôi được biết mẹ T. cũng đã bị hỏng hai mắt do dị ứng thuốc cách đây hơn 10 năm, mọi việc trong nhà đều do bố T. là chú Lê Văn Tân cáng đáng. Chú Tân đã từng rất đau khổ, nhiều đêm khóc ròng khi nhìn đứa con trai vốn khỏe mạnh, thông minh bỗng dưng hóa bệnh. “Tôi xót lòng lắm, nếu như phải bán nhà đi tôi cũng sẽ quyết tâm bán chỉ mong sao con mình khỏe mạnh. Một lần có người mách về phương pháp chữa bệnh của bác sỹ Nguyễn Mạnh Quân ở Hà Nội, chúng tôi đã lên mạng tìm kiếm thông tin. Sau khi đọc những bài báo nói về phương pháp này, T. thấy có nhiều nét rất tương đồng và khao khát được gặp bác sỹ Quân”, chú Tân cho biết.
Mong muốn T. mau khỏi bệnh, mọi người trong gia đình đã nhiều lần gửi thư tay, thư điện tử tới Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể - Tâm - Trí. Thậm chí, biết bác sỹ Quân đang công tác bên Cộng hòa Liên bang Đức, chú Tân còn liên lạc nhờ người bạn của vợ đang công tác bên Đức tìm đến cơ quan đó để gặp và cầu cứu.

Bố của T. đã khóc khi gặp bác sỹ Nguyễn Mạnh Quân và một lần nữa lại khóc khi hạnh phúc mỉm cười với gia đình ông. Ảnh: Ngọc Khánh
Bố của T. đã khóc khi gặp bác sỹ Nguyễn Mạnh Quân và một lần nữa lại khóc khi hạnh phúc mỉm cười với gia đình ông. Ảnh: Ngọc Khánh

Tháng 5/2011, khi bệnh trầm cảm và tổn thương vùng mắt lên đỉnh điểm, anh T. nhập Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị. Theo con đi chữa bệnh, chú Tân mang chiếc xe máy đi cùng để vừa cơ động, vừa tiết kiệm chi phí đi lại. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chú âm thầm đến Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể - Tâm - Trí ở ngõ 189, An Dương, Tây Hồ với mong mỏi được gặp bác sỹ Mạnh Quân. 
Một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày...những ngày sau đó, chú vẫn đi nhưng chỉ gặp được bác bảo vệ và cô thư ký tên là Huyền bởi bác sỹ Quân lúc đi nước ngoài, khi đi họp, công việc rất bận rộn. Không bỏ cuộc, những ngày sau đó chú Tân sau khi cho T. ăn trưa xong lại đi xe đến đây như một công việc quan trọng phải làm hàng ngày. Dường như ông trời không phụ lòng người, cái duyên kỳ ngộ đã cho chú Tân gặp bác sỹ Quân nơi cổng Trung tâm. Sau phút trải lòng là những giọt nước mắt của một người bố kiên trì tìm thầy, tìm thuốc để cứu con. 
“Lúc ấy, tôi xúc động quá, không thể kìm nén được cảm xúc. Bác sỹ Quân có nói với tôi rằng: Một người bố mà khóc vì hoàn cảnh của con như vậy khiến tôi cũng phải xúc động. Bác cứ về đi, em sẽ lưu tâm đến trường hợp này. Sau câu nói và cái nắm tay thật chặt, tôi cảm nhận được một sự chân thành, đồng cảm mà bác sỹ Mạnh Quân đã truyền tới tôi”, chú Tân bồi hồi nhớ lại.
Và con tim đã vui trở lại!
Anh T. rất vui khi biết chuyện bố đã gặp được bác sĩ Quân, niềm hy vọng dần hồi sinh trong anh. Niềm vui ấy vỡ òa khi anh nhận được tin thông báo việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Quân đã hẹn lịch chữa bệnh cho T. 
“Lần gặp đầu tiên ấy lại đúng vào ngày Lễ Giáng sinh. Sau một hồi trò chuyện làm quen, bác sỹ Quân bảo tôi nằm xuống. Bác sỹ gọi tôi là “em” tạo cảm giác rất gần gũi, tình cảm. Vẫn là trò chuyện nhưng với giọng điệu lúc trầm lúc bổng, lúc hào sảng lúc nhẹ nhàng, bác sỹ Quân nói những câu chuyện rất hay, những điều tốt đẹp, ý nghĩa để khơi gợi trong tâm tưởng tôi điều đẹp đẽ, tích cực, đưa tôi vào trạng thái thư giãn sâu”, anh T. chia sẻ.
Anh T. được bác sỹ Quân điều trị bằng liệu pháp thôi miên trước đông đảo các thành viên trong lớp học.
Anh T. được bác sỹ Quân điều trị bằng liệu pháp thôi miên trước đông đảo các thành viên trong lớp học.

Dường như, “thầy phù thủy” Mạnh Quân đang “làm tươi” bộ não của người bệnh, đánh thức dần những giác quan, cảm giác trong cơ thể người bệnh tưởng chừng như dần tê liệt trong một không gian ngập tràn ánh sáng, hương thơm. “Ngay sau lần đầu tiên gặp bác sỹ Quân, tôi thấy nó về bệnh viện đã bắt đầu trò chuyện với những bệnh nhân khác. Điều này hoàn toàn không hề xảy ra trước đây. Cả nhà tôi ai cũng khấp khởi vui mừng”, chú Tân lấy khăn lau nước mắt.


Chúng tôi cảm nhận được những giọt nước mắt lăn trên những nếp nhăn già nua kia chính là niềm vui, hạnh phúc đang lan tỏa trong lòng người đàn ông quyết hy sinh tất cả vì hạnh phúc, tương lai của con cái. 
Những giọt nước mắt ấy không chỉ là sự hồi sinh của hy vọng mà còn là tấm lòng cảm kích, xúc động về một vị lương y tận tâm. Được biết, 4 lần bác sỹ Quân – bệnh nhân T. gặp nhau đều là tranh thủ vào những ngày nghỉ lễ như Noel, ngày ông Công ông Táo, Tết Dương lịch và hoàn toàn không vì mục đích kinh tế. "Mới hôm nọ đọc báo, tôi thấy nói lớp học thôi miên của bác sỹ Quân có giá "khủng" nhưng thực tình nếu anh Quân vì tiền thì gia đình tôi không bao giờ có niềm vui như ngày hôm nay. Mặc dù đi nước ngoài công tác rất bận rộn nhưng bác sỹ vẫn thi thoảng gọi điện về hỏi thăm tình hình của T. và cử những người trong lớp học tiếp xúc với nó. Có lẽ, anh Quân là người đã thắp sáng niềm tin vào cuộc sống cho những người trong gia đình tôi", chú T. nghẹn lời.

So với thời điểm trước, tinh thần anh T. thoải mái và cởi mở hơn với mọi người rất nhiều. Anh có thể giúp vợ chăm sóc con gái. Ảnh: Ngọc Khánh
So với thời điểm trước, tinh thần anh T. thoải mái và cởi mở hơn với mọi người rất nhiều. Anh có thể giúp vợ chăm sóc con gái. Ảnh: Ngọc Khánh

Anh T. chia sẻ: "Trải qua 4 lần tiếp xúc, những cái bắt tay, câu chuyện, giọng nói của bác sỹ Quân, tôi cảm thấy thư giãn và suy nghĩ những điều tốt đẹp. Lúc ấy, trong người tôi như có một luồng sinh khí mới. Ngồi nói chuyện cởi mở như bây giờ, tinh thần tôi đã khá hơn đến gần 90% so với thời gian tồi tệ trước đó. Bây giờ bố đã mắng tôi rồi đó, điều mà bố không dám làm thời gian trước. Thực sự, bác sỹ Quân là một ân nhân đã cứu cuộc đời tôi!".

Hiện tại, vợ chồng T. đã có cô con gái xinh xắn vừa tròn một tuổi. T. đang chữa mắt cho khỏi hẳn và mong muốn tinh thần ổn định lại để tiếp tục công việc. Trong niềm vui chan hòa ấy, T. không quên nhắc đến tình yêu thương, chở che của những người thân trong gia đình anh, đặc biệt là sự chân thành mà người vợ dành cho anh. “Cô ấy không hề ca thán nửa lời, luôn quan tâm tới bệnh tình của chồng mọi lúc, mọi nơi. Nếu không có sức mạnh ấy, có lẽ niềm vui đã không bao giờ trở lại”, anh T. khẳng định.

Ngọc Khánh