Ghê sợ những đoạn đường tử thần ở Hà Nam

19/02/2012 05:00
Cao Tuân
(GDVN) - Thiếu biển báo hiệu, ý thức kém chấp hành giao thông của người dân còn kém là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đường sắt.

Theo thống kê, Đường tàu chạy qua tỉnh Hà Nam gồm 39km ven đường Quốc lộ 1A kéo dài từ huyện Duy Tiên đến hết huyện Thanh Liêm. Trung bình cứ 100m đường sắt thì có 1 đường ngang, trong khi đó trung bình mỗi ngày có trên 30 chuyến tàu chạy qua địa phận tỉnh Hà Nam. Đáng ngại bời phần lớn các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ đều không có rào ngăn cách nên luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Những đường ngang giao cắt đường sắt luôn đông đúc người và phương tiện qua lại
Những đường ngang giao cắt đường sắt luôn đông đúc người và phương tiện qua lại

Hiện nay đoạn đường sắt đi qua TP.Phủ Lý, giao giữa quốc lộ 1A với đường Lê Lợi, Biên Hòa và Quốc lộ 21 có rất đông người qua lại và đặc biệt nguy hiểm mỗi khi có tàu chạy qua. Một điểm đen của TNGT đường sắt tại ngã ba giao nhau giữa quốc lộ 1A với đường vào xã Lam Hạ (TP Phủ Lý), tại đây rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra.

Tại ngã ba này ngành đường sắt đã dựng đèn và chuông báo hiệu khi có tàu đến nhưng tầm nhìn bị che khuất nên mỗi khi tàu đến rất khó quan sát.

Không rào chắn, không biến báo hiệu

Không rào chắn, không biến báo hiệu

Bác Nguyễn Văn An, một người dân địa phương cho biết: “Những chuyến tàu chạy qua đây rất hay xảy ra tai nạn, có vụ chết liền mấy người. Mới tháng trước đã xảy ra vụ va chạm giữa tàu và ôtô 4 chỗ ngồi, khiến người trên ô tô bị thương nặng.

Thương tâm hơn, cách đây vài hôm có một đám cưới đi qua điểm giao cắt này, do khuất tầm nhìn, lái xe chủ quan nên không quan sát đã va vào đoàn tàu chạy qua. Chú rể, mẹ chú rể và một người khác trong chuyến xe chết ngay tại chỗ. Nhìn mà thương tâm quá! Giờ nhiều khi nghe tiếng tàu chạy qua mà giật mình”.

Một nguyên nhân nữa cũng cần phải nói đến ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người dân địa phương, cũng như những người tham gia giao thông trên những tuyến đường nơi có đường ray. Sự lấn chiếm một cách bừa bãi, ngang nhiên buôn bán, họp chợ ngay trên đường ngang, bất chấp hiểm họa.

Nhiều chủ kinh doanh còn lợi dụng đường sắt chắc chắn nên dùng là nơi tập kết hàng hóa hoặc làm việc ngay trên đường ray tàu, chỉ khi có tàu sắp đi qua mới tránh ra.… Chính vì vậy tình trạng tai nạn giao thông đường sắt ở địa bàn Hà Nam vẫn liên tục tăng.

Làm việc, tập kết hàng hóa ngay trên đường tàu hỏa đi qua

Làm việc, tập kết hàng hóa ngay trên đường tàu hỏa đi qua

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết: Có tới 95% vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các khu vực đường ngang và thường là đường dân sinh không có gác. Cũng theo thống kê của C67, phần lớn tai nạn đường sắt xảy ra trên đoạn đường từ Hà Nam về Hà  Nội, nơi có nhiều đường ngang dân sinh.

Năm 2011, chỉ riêng điểm đen này đã xảy ra 9 vụ, làm chết 5 người, bị thương 9 người. Cả nước có trên 300 km đường rào hộ lan cần xây dựng, riêng ngành đường sắt được giao 53 km đã làm xong, còn lại vẫn chưa làm được do vướng mắc nhiều vấn đề, đặc biệt từ phía các địa phương.

Cũng theo báo cáo của tổng công ty đường sắt Việt Nam, Hà Nam là tỉnh có số vụ tai nạn cao, đứng thứ hai sau Hà Nội về số vụ tai nạn liên quan đến đường sắt.

Trên thực tế, những điểm đen tai nạn liên quan tới đường ngang dân sinh không có rào ngăn đường bộ đường sắt là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường này. Đây không còn là "cảnh báo" mà đặt ra yêu cầu cấp thiết sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành chức năng với những biện pháp hữu hiệu nhất.

Vụ va chạm nghiêm trọng khiến ba người chết tại huyện Bình Lục, Hà Nam vừa qua

Vụ va chạm nghiêm trọng khiến ba người chết tại huyện Bình Lục, Hà Nam vừa qua

Trước đó, khoảng 10h30 ngày 3/2/2012, tại Km 69 thuộc Bình Lục - Cầu Họ đường sắt Bắc - Nam thuộc địa phận tiểu khu Bình Giang, thị trấn Bình Mỹ, (Bình Lục - Hà Nam) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng làm 3 người trong đoàn đi đón dâu từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Thái Bình chết tại chỗ.

Các nạn nhân gồm: chú rể Nguyễn Quyết Tiến, (sinh năm 1986), mẹ chú rể và bác họ của chú rể đều trú tại Thái Bình. Nguyên nhân của vụ tai nạn do vào thời gian trên, chiếc xe khách 29 chỗ mang biển kiểm soát 17K  - 5671 trên đường đi đón dâu từ tỉnh Bắc Giang về Thái Bình đến tiểu khu Bình Giang, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục thì dừng lại để cho mọi người đi vệ sinh ở bên kia đường tàu.

Sau khi anh Tiến, bà Ngần và ông Hưng đi vệ sinh xong quay sang đường thì tàu khách Thống nhất số hiệu SE 13 số đầu máy 921 chạy hướng Hà Nội - Hồ Chí Minh tông thẳng khiến cả ba người này tử vong ngay tại chỗ.
 

Cao Tuân