GS Đặng Hùng Võ: Dự thảo Luật đất đai chưa có gì đổi mới đáng kể

28/11/2013 15:48
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có một số đổi mới nhất định, nhưng những điểm nóng nhất được các đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm gồm đổi mới cơ chế nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế Nhà nước định giá đất lại gần như chưa có gì đổi mới đáng kể so với pháp luật đất đai hiện hành", chuyên gia Đặng Hùng Võ cho biết.
Chia sẻ quan điểm cá nhân về Nghị quyết Trung ương 19 trên tờ VnExpress, chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, dự thảo đưa ra trước cuộc thảo luận Quốc hội ngày 6/11 có thể nói là chưa đạt yêu cầu, trước hết là Dự thảo Luật chưa thể hiện đủ đường lối chính trị của Đảng trong Nghị quyết số 19-NQ/TW thông qua Hội nghị Ban Chấp hành TW lần thứ 6, khoá XI. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra các ý kiến rất xác đáng trong hai buổi thảo luận về Luật Đất đai.

Ông Võ cho rằng có khoảng 60% ý kiến thảo luận tập trung vào các chính sách lớn về đất đai như cơ chế Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nhà nước quy định và quyết định giá đất, quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cả chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; 40% ý kiến thảo luận tập trung vào khía cạnh kỹ thuật còn thiếu sót như các khoảng trống, khoảng chồng chéo tồn tại trong Dự thảo Luật.


Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật cần giải quyết bài toán "hài hoà lợi ích" thì mới cắt được nguyên nhân sinh ra khiếu nại, kiện tụng. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật cần giải quyết bài toán "hài hoà lợi ích" thì mới cắt được nguyên nhân sinh ra khiếu nại, kiện tụng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Nhận định về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Võ cho biết,  Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có một số đổi mới nhất định, nhưng những điểm nóng nhất được các đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm gồm đổi mới cơ chế nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế Nhà nước định giá đất lại gần như chưa có gì đổi mới đáng kể so với pháp luật đất đai hiện hành.

Về các điểm nóng nhất này, Dự thảo trình ra Quốc hội mới làm được việc cộng gộp Luật Đất đai 2003 và một số quy định của các Nghị định hướng dẫn thi hành. Khi các điều luật đã được "chốt" thành khung vẫn như hiện hành thì có xoay trở mấy trong xây dựng Nghị định cũng khó tạo được hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, chuyên gia Đặng Hùng Võ đưa ra những sáng kiến để giải quyết vấn đề "tham nhũng" và "khiếu kiện" trong lĩnh vực đất đai như sau: Trong quản lý đất đai, môi trường này cần được xác lập thật cụ thể khi Nhà nước thực hiện thẩm quyền thu hồi đất và giao đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển kinh tế. Sau đó, giá trị đất đai tăng lên khi chuyển mục đích sử dụng cần được chia sẻ công bằng và có lý giữa Nhà nước, nhà đầu tư và những người bị thu hồi đất. Mọi phương án đưa ra đều không thể bắt người có đất nhận tiền bồi thường rồi thì chỉ được đứng ngoài hàng rào của dự án đầu tư. Người bị thu hồi đất cần được bồi thường bằng đất gắn với dự án đầu tư để tìm sinh kế mới gắn với dự án đầu tư.


Đảng chịu trách nhiệm trước dân

Chia sẻ trên tờ Vietnamnet bên hành lang QH ngay sau khi dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được thông qua, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng: "Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội qua các quyết định của mình, nếu quyết định không đúng, ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm", ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Bản Hiến pháp này cũng chính là một quá trình thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng và chịu sự lãnh đạo của Đảng về mục tiêu, quan điểm, định hướng. "Đảng đã gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng bản HP này, để như Chủ tịch UB sửa đổi Hiến pháp nói: Đây là bản Hiến pháp kết tinh ý Đảng lòng dân".

Đối với các quy định trong HP về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, ông Uông Chu Lưu nhận định: "Các quyền về tự do, dân chủ, lập hội, biểu tình, đã được quy định không chỉ trong HP lần này mà ở cả các bản HP trước. Để triển khai thì tới đây phải ban hành luật, quy định rõ điều kiện, thủ tục, trình tự để công dân thực hiện các quyền hiến định đó".

Về thể chế kinh tế, Phó Chủ tịch QH chỉ ra ngay chương III, điều 51 đã khẳng định nhất quán mục tiêu, mô hình kinh tế của nhà nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và được đối xử bình đẳng trước pháp luật.

"Điểm quan trọng là chương này cũng nói rõ các thành phần kinh tế đều được nhà nước bảo hộ, nhà nước không quốc hữu hóa các tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, kinh doanh. Đây là một thông điệp rất quan trọng", ông Uông Chu Lưu nói. "Hiến pháp cũng khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, các chủ thể, kể cả cá nhân đều được nhà nước tôn trọng, bảo đảm, là quyền thiêng liêng của họ".

Về việc triển khai chủ trương lớn kiểm soát quyền lực, Phó Chủ tịch QH dẫn điều 2 Hiến pháp ghi rõ quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, có hiệu lực hiệu quả.

"Ta không đưa được Hội đồng Hiến pháp vào ngay bây giờ nhưng trong các chương điều khác cũng đã thể hiện nguyên tắc đó: quyền lập pháp thuộc về QH, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về cơ quan xét xử là tòa án, phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Chính sự phân công đó cũng là để tạo điều kiện cho việc kiểm soát quyền lực", ông Uông Chu Lưu phân tích./.

Hồng Anh (Tổng hợp)