Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm từ 1/1/2012

10/12/2011 16:58
Xuân Tùng/Vnmedia
“Thành phố sẽ thực hiện điều chình làm việc từ tháng 1/1/2012 theo thống nhất của đại biểu HĐND",Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
Sáng 10/12, HĐND Hà Nội đã họp phiên bế mạc. Phát biểu tại buổi làm việc, sau khi chỉ ra hàng loạt yếu kém của thành phố là những nguyên nhân dẫn đến việc Thủ đô mỗi ngày một ùn tắc, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đưa ra nhiều giải pháp để “cứu” giao thông Thủ đô.



“ Thành phố sẽ thực hiện điều chình làm việc từ tháng 1/1/2012 theo thống nhất của đại biểu HĐND. Đẩy mạnh nếp sống văn minh đô thị, văn hóa khi tham gia giao thông. Tập trung xử phạt nặng các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông…để giải quyết từng bước vấn đề ùn tắc giao thông”, ông Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 11 của Đảng và 15 của Đảng bộ thành phố. Mặc dù, có nhiều khó khăn thách thức nhưng kinh tế Thủ đô đã đạt được một thành tựu nổi bật. 
Thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc, có hiệu quả, sáng tạo Nghị quyết của Chính phủ về kìm chế lạm phát, đảm bảo an sinh và ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế Thủ đô có bước tăng trưởng khá, tăng 10,13%, cao hơn 1,7 lần bình quân chung của cả nước. An sinh, xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân được cải thiện. Công tác xây dựng nông thôn được đảm bảo, giữ vững an ninh trật tự… 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn những hạn chế, yếu kém, Ủy ban Nhân dân thành phố nhận xét sâu sắc rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ quan là chính. Đó là sự thiếu quyết liệt, sâu sát, phối hợp kém hiệu quả ở một số công việc; sự buông lỏng quản lý trách nhiệm ở một số cơ quan, đơn vị, công chức… Đây là những vấn đề UBND thành phố sẽ khắc phục và chỉnh đốn trong năm 2012 tới đây. 
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2012, ông Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên kìm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng cạnh tranh nền kinh tế; cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự đô thị.
Tập trung vào xây dựng các công trình hạ tầng khung cho phát triển đô thị bền vững, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, thể thao. Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Tập trung cao độ vào khắc phục những vấn đề bức xúc hiện nay trên địa bàn thành phố: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. 
Đề cập đến vấn đề giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, ông Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết,  thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ những năm gần đây mặc dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông nhưng hiện nay đây vẫn là vấn đề nóng của thành phố. Nguy cơ ùn tắc ngày càng cao, nhiều đại biểu chất vấn, cử tri cũng rất quan tâm; trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, yếu kém. 
Hệ thống mạng lưới về hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và hoàn chỉnh, nhu cầu về đầu tư nguồn lực rất khó khăn. Phương tiện cá nhân tăng nhanh, bình quân 15% năm. Toàn thành phố có hơn 4 triệu xe các loại. Các tuyến phố trung tâm còn thiếu chỗ đỗ xe, dẫn đến dừng đỗ bừa bãi. Loại hình công cộng thì bão hòa, tuy chất lượng được cải thiện nhưng chưa cao gây bức xúc dư luận.
Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn ở Thủ đô vào các giờ cao điểm. Ảnh: Xuân Tùng
Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn ở Thủ đô vào các giờ cao điểm. Ảnh: Xuân Tùng
  
Sự phối hợp giữa các cấp các ngành về giải quyết các vấn đề đảm bảo về an toàn giao thông giữa các ngành chưa đồng bộ. Việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán còn xảy ra phức tạp. Việc di dời các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện còn nhiều bất cập.
Các dự án trọng điểm về giao thông, các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm trong các đô thị còn chậm tiến độ. Mức xử phạt vi phạm còn thấp là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn và ùn tắc giao thông còn thấp chưa đủ sức răn đe…
Ông Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung vào các công trình giao thông trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thiết kế đường vành đai 2 và 3.
Hoàn thành các đoạn còn lại của các trục hướng tâm. Sẽ mở rộng các quy hoạch trục chính các đô thị, đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị, nghiên cứu mô hình vận tải moto ray. Triển khai ngay việc lắp đặt cầu vượt bằng kết cấu thép, trọng tải nhẹ, sử dụng cho ô tô con, xe máy tại một số nút giao có mật độ phương tiện qua lại cao: Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Chùa Bộc- Tây Sơn, Láng – Lê Văn Lương…
Xây dựng bãi đỗ xe ngầm, đỗ xe trên cao để hỗ trợ quản lý vỉa hè lòng đường. Xây dựng thêm 15 cầu vượt cho người đi bộ. Tăng cường vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải taxi. 
Tiếp tục mở rộng phân làn, phân luồng trên các tuyến phố có đủ điều kiện. Tổ chức các tuyến phố đi bộ kết hợp với du lịch, thương mại. Cấm đỗ dừng phương tiện tại một số tuyến phố có lưu lượng tham gia giao thông cao tại nội đô. Tổ chức một số tuyến phố hạn chế phương tiện lưu thông: hạn chế hoàn toàn, hạn chế phương tiện và thời gian… 
Xuân Tùng/Vnmedia