Hải Phòng: Khánh thành tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

14/10/2020 06:20
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được khánh thành đúng dịp khai mạc đại hội đảng bộ thành phố.

Ngày 13/10, Ủy ban nhân dân thành phố tổ Hải Phòng tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Lễ Khánh thành tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ diễn ra đúng vào ngày khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương tới dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành công trình tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) (Ảnh: CTV)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành công trình tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) (Ảnh: CTV)

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, đầu tháng 10/2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã phát hiện những dấu hiệu về một bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ.

Tiếp đó, nhân dân ở các xã lân cận cũng đã phát hiện được những dấu hiệu về một số bãi cọc mới.

Rất khẩn trương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã triển khai các biện pháp để khoanh vùng, bảo vệ và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu khai quật.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại lễ khánh thành (Ảnh: CTV)

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại lễ khánh thành (Ảnh: CTV)

Ngày 22/11/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định giao Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Ngày 18/12/2019, Viện Khảo cổ học đã có báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, trong đó nhận định: Di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa cọc liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Ngày 21/12/2019, thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật.

Tại Hội nghị, các nhà sử học, các nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu của đất nước đều thống nhất đánh giá đây là một trong những phát hiện khảo cổ học quan trọng nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần làm sáng tỏ và chứng minh nhiều vấn đề về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Ngày 28/2/2020, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 02 thông qua Đề án Khoanh vùng quản lý, lập quy hoạch để bảo tồn các khu vực liên quan đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng; Nghị quyết số 03 quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Ngày 3/5/2020, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thành phố đã tổ chức Lễ khởi công dự án.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trao Bằng xếp hạng Di tích thành phố đối với Di tích khảo cổ - lịch sử Bãi cọc Cao Quỳ. (Ảnh: CTV)Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trao Bằng xếp hạng Di tích thành phố đối với Di tích khảo cổ - lịch sử Bãi cọc Cao Quỳ. (Ảnh: CTV)

“Sau gần 6 tháng tiến hành thi công khẩn trương, hôm nay, toàn bộ dự án xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ đã được hoàn thành theo đúng quy hoạch và thiết kế giai đoạn 1.

Như vậy, chỉ chưa đầy 1 năm kể từ ngày người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện những dấu hiệu về một bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, chúng ta đã hoàn thành xây dựng công trình với rất nhiều bước quy trình khoa học, từ khảo cổ học, tới quy hoạch, chủ trương đầu tư và xây dựng công trình.

Qua đó đã thể hiện sự trân trọng và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản lịch sử văn hóa của dân tộc ta”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh.

Khu bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. (ảnh: CTV)

Khu bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. (ảnh: CTV)

Dự án xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc tại thôn Cao Quỳ được chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên hoàn thành sau 5 tháng thi công, có chiều dài 3,488 km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng 18 đến 22 m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè rộng 3-5 m, lát đá tự nhiên.

Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát. Riêng Khu bảo tồn bãi cọc có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm các hạng mục: cổng chính; hệ thống tường bao; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che và hệ thống đường dẫn. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 362 tỷ đồng.

Mặc dù có tổng mức đầu tư không lớn, nhưng đây vẫn được xác định là Dự án, công trình trọng điểm của thành phố trong năm 2020; là một trong 10 dự án, công trình được tổ chức khởi công, động thổ và khánh thành trong dịp này để chào mừng Đại hội 16 Đảng bộ thành phố và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Khu bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. (ảnh: Lã Tiến)

Khu bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. (ảnh: Lã Tiến)

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của huyện Thủy Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành thuộc thành phố, cùng tinh thần lao động tích cực, vượt qua mọi khó khăn của các nhà thầu, đơn vị tư vấn để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền xã Lưu Kỳ, xã Liên Khê, biểu dương và bày tỏ lòng cảm ơn đối với 285 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng, tự giác bàn giao gần 14 ha đất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng cảm ơn các nhà khoa học, các nhà sử học, các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học, Hội khảo cổ học đã làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (Ảnh: CTV)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (Ảnh: CTV)

“Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang mãi trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống trường tồn cùng dân tộc và trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Vì vậy, sau Lễ khánh thành, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao, huyện Thủy Nguyên cùng Sở Du lịch và các cơ quan liên quan triển khai công tác thông tin truyền thông để quảng bá khu di tích một cách rộng rãi.

Đồng thời xây dựng các quy định về quản lý Khu di tích, bảo đảm thực hiện đúng theo các quy định cùa pháp luật, đặc biệt là gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh, sạch, đẹp phục vụ việc nghiên cứu, học tập, thăm quan của du khách và các tầng lớp Nhân dân.

Nhân dịp này, thành phố Hải Phòng trân trọng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp với thành phố Hải Phòng để tổ chức nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ các khu vực liên quan, làm rõ thêm về trận địa cọc rộng lớn trên sông Bạch Đằng của cha ông chúng ta”, ông Lê Văn Thành nói.

LÃ TIẾN