Hàn Quốc kiên trì chiến lược chống đảo ngược tình thế trên bán đảo Triều Tiên

02/06/2019 07:38
Thanh Bình
(GDVN) - Câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên là tại sao Chính phủ Hàn Quốc lại theo đuổi tuyên bố hòa bình một cách mạnh mẽ như vậy khi đó chỉ là một biện pháp nửa vời?

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Nhà Trắng đã lên tiếng xác nhận về kế hoạch tới Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Chuyến công du này diễn ra sát thời điểm ông Donald Trump tới Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 28-29/6/2019.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, lãnh đạo Mỹ-Hàn dự kiến sẽ thảo luận về các cách thức thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên thông qua quá trình phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng được" của Bình Nhưỡng cũng như tăng cường liên minh song phương.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự một sự kiện ở Thế vận hội Pyeongchang 2018 (Ảnh: nknews).
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự một sự kiện ở Thế vận hội Pyeongchang 2018 (Ảnh: nknews).

Chính phủ Hàn Quốc đã hăng hái làm việc để đạt được tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến sự trên bán đảo này.

Sau các cuộc thử tên lửa hạt nhân ầm ĩ năm 2017 của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã tận dụng Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào đầu năm 2018 để tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi cấp cao với các quan chức Triều Tiên.

Tháng 3/2018, Tổng thống Moon Jae-in đã nỗ lực thuyết phục Tổng thống Donald Trump cam kết gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim lần đầu tiên đã diễn ra ngày 12/6/2018 tại Singapore mang nặng tính nghi lễ và hình ảnh, chỉ đưa ra được một tuyên bố chung không rõ ràng về việc phi hạt nhân hóa.

Khi các cuộc đàm phán Mỹ-Triều về việc thực hiện tuyên bố Singapore dường như đã chững lại vào cuối năm 2018 khi Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc một lần nữa đã can thiệp với cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 để tránh phá vỡ đà ngoại giao và thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 tại Hà Nội vào tháng 2/2019.

Tuyên bố hòa bình mà Hàn Quốc tìm kiếm không đủ rõ ràng với tư cách một khái niệm. Tổng thống Moon Jae-in mong muốn phải đạt được mục tiêu này trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Hàn Quốc kiên trì chiến lược chống đảo ngược tình thế trên bán đảo Triều Tiên ảnh 2Thách thức đối với vai trò hòa giải của Tổng thống Moon Jae-in

Thực tế, chính quyền của ông cũng đã có những bước đi để thực hiện mong muốn này như mở văn phòng liên lạc ở Kaesong, Triều Tiên và khởi động các dự án đường sắt liên Triều.

Câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên là tại sao chính phủ Hàn Quốc lại theo đuổi tuyên bố hòa bình một cách mạnh mẽ như vậy trong khi đó chỉ là một biện pháp nửa vời.

Bởi lẽ, về cơ bản nó sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự và cùng với đó sẽ không giải trừ mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Thứ nhất, chính phủ Hàn Quốc không muốn quay trở lại tình trạng buộc tội lẫn nhau như lời đe dọa lửa và cơn thịnh nộ của Tổng thống Donald Trump năm 2017 khi Seoul dường như đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến Mỹ-Triều.

Kim Jong-un đã tiến hành 20 vụ thử tên lửa đạn đạo và một vụ thử bom hydro trong 12 tháng đầu ông Donald Trump lên cầm quyền.

Đáp trả lại, Tổng thống Donald Trump ra lệnh tăng cường tập trận và chuyển các tài sản chiến lược và đạn dược tới khu vực này.

Thời điểm đó, tại Washington, chưa bao giờ người ta nghe nói về chiến tranh nhiều đến thế trong suốt 30 năm làm chính sách.

Với Hàn Quốc, một cuộc chiến khác trên bán đảo Triều Tiên sẽ khiến cho nước này rơi vào tình cảnh rất tồi tệ.

Do đó, họ tiếp tục thúc giục mạnh mẽ để tránh làm mất đi động lực được tạo ra từ Thế vận hội Pyeongchang 2018, cũng như hai cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore và Hà Nội.

Việc tránh quay trở lại tình trạng buộc tội và đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau như năm 2017 sẽ là điều khôn ngoan với tất cả các bên.

Khi Mỹ cân nhắc về một cuộc tấn công quân sự hạn chế Triều Tiên năm 2017, tình căng thẳng tới mức mà giới chuyên gia cho biết nhiều lần Tổng thống Donald Trump định đề nghị những bên lệ thuộc vào Mỹ cần phải bắt đầu rời khỏi chiến trường.

Tổng thống Moon Jae-in mong muốn phải đạt được mục tiêu hoàn bình bán đảo Triều Tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Moon Jae-in mong muốn phải đạt được mục tiêu hoàn bình bán đảo Triều Tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông (Ảnh: Reuters)

Đối với những ai đã quen với trật tự chiến đấu và các kế hoạch tác chiến trên bán đảo, hành động như vậy rất dễ châm ngòi cho một cuộc chiến.

Thứ hai, nền chính trị trong nước đã thúc đẩy Tổng thống Moon Jae-in hướng tới một tuyên bố hòa bình.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 12/2016, chính quyền của ông cho rằng các chính sách theo hướng can dự đối với Triều Tiên thực sự đại diện cho ý chí người dân.

Hơn nữa, những người cấp tiến trong Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cảm thấy như thể họ đang bù đắp cho khoảng thời gian 9 năm của chính phủ bảo thủ cầm quyền ở Hàn Quốc và 8 năm theo đuổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Tổng thống Obama.

Theo đó, gần như cả Mỹ và Hàn Quốc đều không xúc tiến được gì để giải quyết tình trạng nhức nhối với Triều Tiên và cuối cùng dẫn đến cuộc khủng hoảng chiến tranh trong 12 tháng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump.

Do đó, Seoul cần phải lên kế hoạch điều chỉnh lộ trình thực hiện các bước đi hướng đến một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Không ai phản đối hòa bình, thoát khỏi tình trạng chiến sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một diễn biến đáng hoan nghênh và mang tính lịch sử đối với cả hai miền Triều Tiên cũng như Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/be-tac-voi-trieu-tien-ong-trump-quyet-den-han-hop- thuong-dinh-532039.html

2. https://en.yna.co.kr/view/AEN20190529004900325?section=nk/nk

3. https://www.nknews.org/2019/04/why-moon-jae-ins-north-korea-policy-isnt-working/

4. Tài liệu tham khảo đặc biệt 108-TTX ngày 06/5/2019

Thanh Bình