Hiệu trưởng không được phép tự ý đốn hạ cây xanh trường học

29/05/2020 11:45
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liên tiếp xảy ra tình trạng cây xanh ngã đổ, bị bật gốc, nhất là bên trong trường học đã hé lộ ra chuyện quản lý cây xanh trong nhà trường.

Sau cơn mưa lớn ở quận 9 chiều ngày 28/5, một cây phượng sát bên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã bất ngờ bật gốc.

Liên tiếp xảy ra chuyện cây xanh ngã đổ

Ngày 28/5/2020, sau cơn mưa lớn vào buổi chiều cùng ngày, một cây phượng vĩ lại tiếp tục bật gốc, đổ ngã sát bên cạnh Trường Đại học Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh ở quận 9.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, lúc đó trời mưa rất to, sinh viên của nhà trường vẫn đang học trong trường, cây lại bật gốc, đổ ngã sát bên cạnh nhà trường, nên hoàn toàn không có xảy ra thương vong về người.

Cây phượng sát bên Trường Đại học Văn hóa bất ngờ bật gốc (ảnh: Cộng tác viên)

Cây phượng sát bên Trường Đại học Văn hóa bất ngờ bật gốc (ảnh: Cộng tác viên)

Một xe tải đang đậu gần đó đã bị cây va trúng, bị hư hỏng nhẹ. Nhiều người dân địa phương nhìn thấy, sau khi cây phượng này bật gốc thì thấy rằng bộ rễ của cây này đã bị mục.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, cây phượng cổ thụ bên trong sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng bất ngờ bật gốc và ngã.

Thế nhưng, vào thời điểm này, sinh viên vẫn chưa đến trường, nên không gây ra thiệt hại gì về người.

Trong khi đó, cách đây 3 ngày, vào lúc 6h22 ngày 26/5, cây phượng vĩ có tuổi đời hàng chục năm bên trong sân trường trung học cơ sở Bạch Đằng (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã ngã đổ.

Sự cố này đã gây ra thương vong cho 18 học sinh của hai lớp 6/7, 6/8 của trường, khi các em đang ngồi chơi, ăn sáng trên sân, trước khi vào lớp học.

Tai nạn đáng tiếc này cũng đã gây ra cho một học sinh khối 6 của trường tử vong.

Hé lộ chuyện quản lý cây xanh trong trường học

Tại buổi họp báo về vấn đề cây phượng đổ trong trường Bạch Đằng sáng ngày 26/5, đại diện Sở Xây Dựng thành phố Hồ Chí Minh tham dự, và đã cho biết cây xanh nằm trong trường học, thì trách nhiệm chính trong việc quản lý, chăm sóc là thuộc về trường đó.

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, Sở Xây Dựng và các cơ quan có thẩm quyền nên có quy định trách nhiệm cụ thể của từng bên, từng cơ quan trong việc quản lý cây xanh trồng trong nhà trường, nhất là với những cây xanh lâu năm.

Hiện trường vụ cây phượng đổ ở trường Bạch Đằng (ảnh: P.H)

Hiện trường vụ cây phượng đổ ở trường Bạch Đằng (ảnh: P.H)

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nếu nói nhà trường có trách nhiệm, thì có ở mức nào, chứ nhà trường không thể nào đủ chuyên môn, nghiệp vụ, mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp của cơ quan có chuyên môn.

Khi mới xây trường, việc trồng cây nào sẽ nằm trong quy định của giấy phép xây dựng. Những cây có tuổi đời lâu năm, muốn đốn đều phải đi xin phép. Các cây trên 10 mét muốn đốn đều phải có ý kiến của cơ quan chức năng quản lý về cây xanh.

“Hiệu trưởng không được quyết định đốn cây hay không, mà chỉ có thể làm văn bản gửi cơ quan chức năng thẩm định để đảm bảo an toàn. Việc tỉa cành, mé nhánh các trường đều thực hiện hàng năm, bởi các đơn vị có chuyên môn” – ông Lê Hoài Nam cho biết.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, phượng vĩ là 1 trong 3 loại cây chiếm tỷ lệ cao nhất về các sự cố như ngã đổ, gãy nhánh, chỉ đứng sau cây lim sét, sao đen.

Nguyên nhân của việc cây gãy đổ thì có nhiều, nhưng chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu thất thường, mưa to kèm theo giông lốc cục bộ.

Việt Dũng