Hoàn Cầu nói gì về chuyến thăm Ấn Độ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

20/11/2013 08:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính tham vọng lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông được tờ Thời báo Hoàn Cầu cổ súy mới là động lực đằng sau những suy đoán phiến diện và nhận định chụp mũ về các hoạt động đối ngoại bình thường của Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 20/11 có bài nhận xét, truyền thông Ấn Độ đã nhân cơ hội Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ đồng loạt đề cập đến vấn đề khai thác (dầu khí) trên Biển Đông. "Cảm ơn Ấn Độ đã phát huy vai trò xây dựng ở Biển Đông" là câu đầu tiên Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo giới Ấn Độ. Tờ báo này còn lưu ý thêm, trong chuyến thăm của Tổng bí thư, truyền thông Việt Nam hầu như chỉ đề cập đến hợp tác kinh tế Việt - Ấn trong khi báo giới Ấn Độ "nhân cơ hội này tuyên truyền hợp tác Việt - Ấn khai thác (dầu khí) ở Biển Đông." Dẫn nguồn truyền thông Việt Nam, Thời báo Hoàn Cầu cho biết trong ngày 19/11 rời Hà Nội đi thăm Ấn Độ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết chuyến thăm này sẽ nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược giữa 2 nước lên một tầm cao mới. 9 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,94 tỉ USD, dự kiến đến năm 2015 sẽ đạt 7 tỉ USD. The Times of India được Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn cho biết, Việt Nam rất cảm ơn vai trò xây dựng của Ấn Độ ở Biển Đông trong khi tờ The Hindu nói rằng các dự án hợp tác Việt - Ấn ở Biển Đông đang thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt. Hoàn Cầu tiếp tục trích dẫn bình luận của truyền thông Ấn Độ, tờ Telegraph India cho rằng chuyến thăm Ấn Độ lần này của phái đoàn cấp cao Việt Nam là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ "để ứng phó với các áp lực từ Trung Quốc"?! Tờ Thời báo Hoàn Cầu đang tìm mọi cách chứng minh rằng trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đang tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Việc Việt Nam hợp tác với Ấn Độ hay bất cứ quốc gia nào thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa của mình là quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam được quốc tế công nhận. Chính tham vọng lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông được tờ Thời báo Hoàn Cầu cổ súy mới là động lực đằng sau những suy đoán phiến diện và nhận định chụp mũ về các hoạt động đối ngoại bình thường của Việt Nam. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cấp cao Việt Nam là minh chứng rõ nét cho quan hệ hợp tác chiến lược song phương, dù Thời báo Hoàn Cầu có tìm cách chia rẽ hay bôi nhọ chỉ càng khiến cộng đồng khu vực và quốc tế nhận rõ hơn động cơ phi pháp, tham vọng bành trướng lãnh thổ của truyền thông Bắc Kinh trên Biển Đông mà thôi.

Hồng Thủy