Học giả Mỹ: Nên khuyến khích Nga dùng khí đốt kiềm chế Triều Tiên

02/05/2013 07:53
Hồng Thủy (Nguồn: The Korea Herald)
(GDVN) - Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế "sự hung hăng" của Bắc Triều Tiên thông qua con đường kinh tế, bằng cách thúc đẩy dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho 2 miền bán đảo Triều Tiên.
Học giả Mỹ Kent Calder
Học giả Mỹ Kent Calder
Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế "sự hung hăng" của Bắc Triều Tiên thông qua con đường kinh tế, bằng cách thúc đẩy dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho 2 miền bán đảo Triều Tiên, Kent Calder, một học giả và cựu cố vấn của chính phủ Mỹ cho biết. Calder, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á Reischauer của đại học John Hopkins lưu ý rằng, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Bình Nhưỡng muốn phát huy hiệu quả cũng phải gắn liền với các đòn kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với "tình trạng nghèo khổ" ở Bắc Triều Tiên. Một yếu tố mà cộng đồng quốc tế lâu nay đã không xem xét đầy đủ, theo học giả này là việc khuyến khích người Nga gây áp lực lớn hơn đối với Bình Nhưỡng bởi vì Triều Tiên luôn cố gắng để giữ quan hệ với Nga và Trung Quốc, ông nói với tờ The Korea Herald. Cộng đồng quốc tế gần đay đã đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Bắc Triều Tiên sau vụ quốc gia này thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên nếu Trung Quốc, người bảo trợ chính của Bình Nhưỡng không tham gia hoặc thực hiện lấy lệ, thì các biện pháp trừng phạt này rất ít ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên. Một đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến 2 miền Triều Tiên sẽ cung cấp nguồn năng lượng cho cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trong khi Nga có thể tạo ra đòn bẩy kinh tế cho vùng Viễn Đông, đồng thời tăng trọng lượng tiếng nói trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng. Trong năm 2008, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó ông Lee Myung-bak và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã nhất trí thúc đẩy một dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu sang Hàn Quốc 7,5 triệu tấn khí đốt mỗi năm trong 3 thập kỷ kể từ năm 2017, nhưng có rất ít tiến bộ trong dự án này do tình hình xấu đi trên bán đảo Triều Tiên. Nếu đường ông này được xây dựng, Bắc Triều Tiên không những được cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện và các ngành công nghiệp liên quan mà còn mang lại nguồn phí, lệ phí quá cảnh không nhỏ.
Hồng Thủy (Nguồn: The Korea Herald)