Học giả Philippines: Không có bất kỳ thỏa hiệp Việt-Trung nào ở vụ 981

12/08/2014 14:05
Hồng Thủy
(GDVN) - không có bất cứ một sự thỏa hiệp hay mặc cả nào giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc Bắc Kinh rút giàn khoan 981.
Việc Trung Quốc bất ngờ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam rồi lại bất ngờ rút đặt ra nhiều dấu hỏi về ý đồ thực sự của Bắc Kinh là gì.
Việc Trung Quốc bất ngờ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam rồi lại bất ngờ rút đặt ra nhiều dấu hỏi về ý đồ thực sự của Bắc Kinh là gì.

Richard Javad Heydarian, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại đại học Anteneo De Manila ngày 12/8 bình luận trên tờ National Interest, không có bất cứ một sự thỏa hiệp hay mặc cả nào giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc Bắc Kinh rút giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vừa qua.

Trong những tuần gần đây, các chuyên gia về Biển Đông như Alexander Vuving và Zachary Abuza đã nêu quan điểm cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan 981 trước thời hạn thông báo 1 tháng có thể là do đã có 1 sự mặc cả ngoại giao đằng sau hậu trường giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo 2 học giả này, để đổi lấy việc rút giàn khoan tạm thời từ phía Trung Quốc, Việt Nam phải xem lại việc thắt chặt quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và từ bỏ kế hoạch khởi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.

Căn cứ vào những cuộc nói chuyện với các quan chức Việt Nam, Richard Javad Heydarian khẳng định chắc chắn rằng ông không thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự thỏa hiệp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam. Người Việt đã không có sự lựa chọn nào khác, đặc biệt liên quan đến sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc phòng với các cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga.

Về việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa, sẽ tốt hơn cho Việt Nam để thúc đẩy giải pháp trọng tài pháp lý và cẩn thận quan sát rút ra bài học từ kết quả vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông mà Philippines đang tiến hành. Chưa kể đến việc để có thể đưa ra 1 phương án khởi kiện tốn khá nhiều thời gian và sức lực để làm công tác chuẩn bị cũng như lựa chọn nội dung, các cơ quan tài phán thích hợp để xử lý những tuyên bố và hành động (bạo ngược) của Trung Quốc.

Trong khi chiến thuật cắt lát xúc xích và ngoại giao pháo hạm ở Biển Đông được cho rằng khá thành công, người ta cũng phải xem xét một thực tế rằng Bắc Kinh không hoàn toàn miễn dịch với những cái giá phải trả về mặt ngoại giao khi theo đuổi yêu sách lãnh thổ của mình. Bên cạnh những khó khăn về hậu cần trong việc duy trì các hoạt động quân sự, bán quân sự trên Biển Đông rộng lớn, Bắc Kinh cũng đang lo lắng về chiến lược phát triển đồng bộ của các quốc gia đối thủ ở Biển Đông, cụ thể là Việt Nam, Philippines và Malaysia đang chào đón nồng nhiệt sự hiện diện chiến lược của Mỹ.

Richard Javad Heydarian.
Richard Javad Heydarian.

Trên thực tế ngay cả ASEAN dưới sự chủ trì của Myanmar, một đồng minh lịch sử của Trung Quốc, cả khối cũng đã nhiều lần bày tỏ lo ngại nghiêm trọng của mình về các căng thẳng diễn ra trên Biển Đông. Trong hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa kết thúc, các hành viên đã ủng hộ một cách rõ ràng 1 nghị quyết về nguyên tắc giải quyết tranh chấp, thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết COC và chấm dứt các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng.

Tất cả những nội dung này là một lời chỉ trích ẩn danh nhằm vào các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn đối với Bắc Kinh, hành động của họ cũng đã khuyến khích Nhật Bản tái cấu trúc tầm nhìn chiến lược của mình, tập trung tăng cường khả năng phòng thủ và thu hút mạnh mẽ các quốc gia Đông Nam Á cũng như khu vực Thái Bình Dương như Úc, Ấn Độ bằng cách tung ra các dự án hợp tác quốc phòng.

Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc tiếp tục tận dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình đối với đồng minh hiếu chiến Bắc Triều Tiên và cung cấp các thỏa thuận thương mại, đầu tư quy mô lớn để quyến rũ Hàn Quốc và Úc, vẫn có những dấu hiệu ngày càng tăng cho thấy các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực quyết tâm tự đề phòng trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trở lại giữa năm 2011, Bắc Kinh đã tìm cách giảm căng thẳng ở Biển Đông với các nước láng giềng bằng cách đột nhiên thể hiện sự quan tâm nhiều hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp cho Biển Đông, đổi lại điều đó đòi hỏi phải đi kèm với 1 cam kết song phương cấp cao với các quốc gia yêu sách khác, chẳng hạn như Việt Nam. Trong nhiều cách, đây là một biện pháp hiệu chỉnh để làm dịu lo ngại của các nước láng giềng và đối phó với hoạt động triển khai trục chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama.

Khi Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài trong lúc vai trò chiến lược trong khu vực đang xấu đi, họ lại đang xem xét lặp lại thủ đoạn tương tự thể hiện qua vụ rút sớm giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng hơn ai hết, Việt Nam vẫn thấy rõ nguy cơ Trung Quốc có thể kéo giàn khoan quay trở lại bất cứ lúc nào, thậm chí với quy mô lớn hơn.

Hồng Thủy