Hungary triển lãm xác ướp thiền sư, Trung Quốc lên tiếng đòi tượng cổ

23/03/2015 15:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Các di tích lịch sử, văn hóa Trung Quốc đã bị cướp phá bởi quân đội Anh và Pháp trong thời kỳ Chiến tranh Thuốc phiện năm 1860.
Bức tượng cổ được cho là có 1000 năm tuổi mang xác ướp thiền sư Trung Quốc tại bảo tàng Hungary.
Bức tượng cổ được cho là có 1000 năm tuổi mang xác ướp thiền sư Trung Quốc tại bảo tàng Hungary.

South China Morning Post ngày 23/3 đưa tin, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đang tìm cách đòi lại một pho tượng cổ 1000 năm tuổi trong đó an táng xác ướp của một thiền sư mà tỉnh này nói rằng đã bị đánh cắp 20 năm về trước, bây giờ "bỗng nhiên xuất hiện" tại một cuộc triển lãm ở Hungary.

Bức tượng cổ chứa hài cốt của một thiền sư được trưng bày tại Triển lãm quốc tế Mummy tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên Budapest, Hungary cùng với 28 bộ xác ướp đến từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Một người phát ngôn của Sở Văn hóa tỉnh Phúc Kiến nói với Tân Hoa Xã, bức tượng này đã bị đánh cắp từ một ngôi chùa ở làng Dương Xuân tỉnh này.

Phúc Kiến cho rằng đây chính là bức tượng cổ có từ thế kỷ 12 đã bị đánh cắp khỏi ngôi chùa làng Dương Xuân năm 1995. Lâm Vĩnh Đoàn, một người nông dân làng Dương Xuân nói với tờ China Daily hôm nay: "Khi vừa nhìn thấy hình ảnh trên bản tin thời sự, ngay lập tức tôi nhớ đến bức tượng của chùa làng tôi bị đánh cắp".

Hôm nay bảo tàng Lịch sử tự nhiên Budapest đã ra thông báo, bức tượng đã được chủ sở hữu đòi lại. Bức tượng này thuộc quyền sở hữu của một nhà sưu tập tư nhân người Hà Lan và được mua một cách hợp pháp vào năm 1996.

Sự việc là trường hợp mới nhất của các cổ vật Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp và lại xuất hiện ở nước ngoài. Các di tích lịch sử, văn hóa Trung Quốc đã bị cướp phá bởi quân đội Anh và Pháp trong thời kỳ Chiến tranh Thuốc phiện năm 1860, sự kiện người Trung Quốc xem như nỗi nhục quốc gia bị rơi vào tay quân đội phương Tây.

Bắc Kinh ước tính có ít nhất 1,5 triệu cổ vật Trung Quốc đã bị đánh cắp trong thời điểm đó. Tỷ phú người Pháp Francois Henri Pinault cách đây 2 năm trưng bày một cổ vật được bán đấu giá năm 2009 đã khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.

Hồng Thủy