"Im lặng là đồng lõa với Bắc Kinh, ngây thơ mới hy vọng vào Trung Quốc"

25/06/2015 06:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngoảnh mặt làm ngơ sự leo thang bành trướng hung hăng của Trung Quốc với hy vọng sẽ được Bắc Kinh giúp đỡ lại trong tương lai là ngây thơ.
Tiến sĩ Van Jackson, ảnh: The Diplomat.
Tiến sĩ Van Jackson, ảnh: The Diplomat.

The Diplomat ngày 24/6 đăng bài bình luận của Tiến sĩ Van Jackon, giáo sư thỉnh giảng Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ và Hội đồng Chính sách đối ngoại quốc tế Mỹ cho rằng, Biển Đông cần Hàn Quốc, và Hàn Quốc không thể mãi đứng ngoài cục diện Biển Đông. Một quan chức cấp cao của Mỹ gần đây đã kêu gọi Hàn Quốc đóng vai trò tích cực hơn, phê phán các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, chống cưỡng chế, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Theo Van Jackson, với một lịch sử lâu dài là nạn nhân của cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, Hàn Quốc thấy mình như một con tốt trên bàn cờ chính trị giữa các cường quốc. Điều này khiến người Hàn có câu ngạn ngữ nổi tiếng, nôm na là "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" và nó đã trở thành một phần thế giới quan định dạng văn hóa chiến lược của quốc gia này. Sau này Hàn Quốc tìm cách tránh bất cứ "nhiễu loạn" lớn nào trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Bắc Kinh và Washington.

Khi Trung Quốc đề xuất ý tưởng thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), ban đầu Hàn Quốc im lặng và chỉ tham gia sau khi có một làn sóng hỗ trợ ý tưởng này trong khu vực. Bắc Kinh kêu gọi Seoul chống lại Hiệp định phòng thủ tên lửa THAAD mà Tư lệnh Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc James Thurman công khai kêu gọi. Hàn Quốc nổi giận kêu gọi Trung Quốc chớ xen vào chuyện này, nhưng đồng thời cũng không có câu trả lời rõ ràng nào về THAAD mặc dù hệ thống này chủ yếu nhằm vòa Bắc Triều Tiên, không phải Trung Quốc.

Bất cứ lúc nào Trung Quốc và Hoa Kỳ cạnh tranh, Hàn Quốc đều bị kẹt ở giữa. Lịch sử Hàn Quốc bị đè nặng bởi văn hóa chiến lược này. Bất cứ điều gì được xem là một sự lựa chọn cho chính sách đối ngoại cũng có nguy cơ trở thành một quyết định gây tranh cãi sôi nổi, căng thẳng, và cuối cùng sẽ bị tê liệt

Hàn Quốc không thể đứng ngoài cục diện Biển Đông

Tuy nhiên Van Jackson cho rằng, Hàn Quốc ngày nay không thể tiếp tục là người ngoài cuộc trong các vấn đề địa chính trị châu Á. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel gần đâu kêu gọi Hàn Quốc đóng vai trò đúng với vị thế của mình bằng cách không tiếp tục im lặng trước căng thẳng trên Biển Đông. Ông Russel đã đúng khi làm như vậy, mặc dù Hàn Quốc không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính điều này sẽ giúp Seoul trở thành một bên trung gian trung thực.

Trong số các quốc gia có ảnh hưởng ở châu Á, chỉ có Hàn Quốc được coi là có khả năng nghiêng về quan điểm của phía Bắc Kinh khiến tiếng nói của Seoul quan trọng hơn. Hơn thế nữa, lựa chọn chiến lược của Hàn Quốc là một chỉ số hàng đầu định hướng tương lai trật tự khu vực. Khi Hàn Quốc vẫn đứng ngoài các vấn đề khu vực, sự đồng thuận sẽ luôn bị đứt gẫy. Quan điểm của Hàn Quốc là chìa khóa đánh giá về hành vi, quá trình (Bắc Kinh leo thang ở Biển Đông) có hợp pháp hay không, mọi người có chấp nhận được hay không. Im lặng được xem như đồng ý (đồng lõa với Bắc Kinh).

Đó là lý do tại sao vai trò của Hàn Quốc ở Biển Đông không chỉ là tình trạng hay trách nhiệm của nước này, mà chính là một vấn đề của Seoul khi nhận ra lợi ích của mình trong việc tránh lặp lại lịch sử. Hàn Quốc chưa từng được hưởng lợi từ một trật tự khu vực trong đó cái đúng luôn thuộc về kẻ mạnh, nơi cưỡng chế là phương tiện có thể được chấp nhận để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên nếu các quốc gia đoàn kết chống lại cưỡng chế ở Biển Đông và lên án nó nếu nó xảy ra, một trật tự chắc chắn sẽ xuất hiện. 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã công khai kêu gọi Hàn Quốc phản đối, lên án hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Philstar.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã công khai kêu gọi Hàn Quốc phản đối, lên án hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Philstar.

Một trật tự khu vực mà Trung Quốc đang được cho phép đe dọa người khác cuối cùng sẽ trở lại ám ảnh Hàn Quốc. Seoul có một nhu cầu lâu dài đối với hỗ trợ của quốc tế lên án và cô lập Bắc Triều Tiên. Trong trường hợp xung đột hoặc có biến ở Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ thấy chính mình tuyệt vọng trong lúc cần hỗ trợ từ khu vực nhất. Đến lúc đó Úc, Philippines, Singapore và những nước khác có thể ít thấy cần thiết trợ giúp Hàn Quốc, quốc gia đã đứng ngoài cộng đồng an ninh châu Á và không làm gì hỗ trợ bạn bè, đối tác khi họ phải đối mặt với sự bành trướng, xâm lược của Trung Quốc.

Hy vọng vào Bắc Kinh là ngây thơ

Hàn Quốc tin rằng họ cần có sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong bất cứ tình huống nào liên quan đến Bắc Triều Tiên. Nhưng ngoảnh mặt làm ngơ sự leo thang bành trướng hung hăng của Trung Quốc với hy vọng sẽ được Bắc Kinh giúp đỡ lại trong tương lai là ngây thơ. Bắc Kinh luôn luôn hành động theo lợi ích của riêng họ, và tính toán lợi ích của Bắc Kinh sẽ không thay đổi đơn giản chỉ vì Hàn Quốc đã im lặng khi Trung Quốc thách thức, gây hấn với các nước láng giềng khác.

Mặc dù có những thách thức riêng biệt mà Bắc Triều Tiên đặt ra, Hàn Quốc có nhiều điểm chung với phần còn lại của châu Á. Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, đồng thời cũng phụ thuộc vào sự hiện diện đáng tin cậy của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu tuyến hàng hải chiến lược qua Biển Đông bị đứt gãy vì xung đột. Và cũng giống như phần còn lại của khu vực, Hàn Quốc có lợi ích đối với một khu vực ổn định, bị chi phối bởi sự đồng thuận, trật tự và không cưỡng bức.

Seoul có thể làm gì?

Chi tiêu quân sự của Hàn Quốc bị hạn chế và chủ yếu tập trung vào Bắc Triều Tiên. Thậm chí Hàn Quốc còn có những hạn chế hiến định về hoạt động quân sự ở nước ngoài. Hải quân Hàn Quốc không phải một lực lượng mạnh có thể hoạt động xa bờ, nên việc triển khai hoạt động ở Biển Đông là không thực tế.

Ngoảnh mặt làm ngơ Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông hy vọng có được sự hỗ trợ từ Trung Nam Hải khi Triều Tiên có biến là ngây thơ. Ảnh: Yahoo News Taiwan.
Ngoảnh mặt làm ngơ Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông hy vọng có được sự hỗ trợ từ Trung Nam Hải khi Triều Tiên có biến là ngây thơ. Ảnh: Yahoo News Taiwan.

Mặt khác cũng không ai muốn Hàn Quốc bắt đầu một cuộc xung đột với Trung Quốc ở vùng lãnh thổ không liên quan trực tiếp. Nhưng theo Van Jackson, có ít nhất 3 điều Hàn Quốc có thể làm cho cộng đồng khu vực, thúc đẩy sự ổn định và phù hợp với tình trạng sức mạnh còn non trẻ của mình.

Đầu tiên Hàn Quốc có thể tham gia hoặc tổ chức diễn tập song phương và đa phương, nâng cao năng lực phòng thủ bờ biển cho các nước ASEAN. Lực lượng ven biển ít đối kháng so với các lực lượng quân sự tấn công khác. Tuy nhiên hầu hết các nước ASEAN thiếu  khả năng bảo vệ ranh giới chủ quyền của họ.

Thứ hai, Hàn Quốc có thể tham gia giống như các bên khác gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ bán, chuyển nhượng, cho thuê trang thiết bị giúp cải thiện tình huống, nâng cao nhận thức hàng hải cho ASEAN. Tàu tuần tra trên biển, các nền tảng trinh sát giám sát tình báo (ISR), hệ thống radar có thể là một lựa chọn.

Thứ ba, Hàn Quốc có thể thêm tiếng nói đa phương lên án ác hành vi xâm lược nào của Trung Quốc nếu nó xảy ra. Hàn Quốc thường xuyên tham gia vào các cuộc họp đa phương trong cấu trúc khu vực ASEAN nhưng không thấy Seoul lên tiếng những lúc xảy ra căng thẳng, vi phạm ở Biển Đông mặc dù Mỹ, Nhật Bản, Úc đã lên tiếng.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dã công khai hỗ trợ đàm phán ký kết một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thì bất cứ vi phạm nào chống lại COC, Hàn Quốc nên thể hiện mối quan tâm lo ngại của mình.

Biển Đông đang là trung tâm mô hình mới của các hành vi an ninh mới nổi ở châu Á - Thái BÌnh Dương. Những rủi ro khu vực đang di chuyển theo hướng bất lợi cho lợi ích của Hàn Quốc nếu Seoul tiếp tục vẫn chỉ ngồi trên băng ghế dự bị. Hàn Quốc có thể đứng trong một trật tự tự do ổn định ở châu Á với chi phí hoặc rủi ro cho bản thân rất ít nếu có một tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Hồng Thủy