Học giả Jeff M. Smith. Ảnh: eastwestcenter.org |
Jeff M. Smith, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á thuộc Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ ngày 24/6 bình luận trên The Diplomat, Biển Đông đang ngày càng trở thành vấn đề trọng tâm trong quan hệ tổng thể giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trước đó hôm 18/6 Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã khiến cánh báo chí ngạc nhiên khi ông phát biểu ngay trước thềm Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung năm nay rằng, Biển Đông cũng quan trọng, nhưng không phải là vấn đề cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi từ lâu Washington đã tìm cách tránh vướng vào tranh chấp lãnh thổ phức tạp ở Biển Đông, người Mỹ đã có khá nhiều vấn đề với hành vi của Trung Quốc ở đây.
Hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) "đã sắp hoàn thành" gây nên mối quan ngại mới của Mỹ về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, có nguy cơ lôi Washington vào cuộc khủng hoảng ở vùng biển này hơn bao giờ hết.
Chỗ đứng quân sự mới là mục tiêu số một của Bắc Kinh ở Biển Đông
Những hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc trên 8 bãi đá, rặng san hô ở Biển Đông không thể được giải thích đơn thuần bởi động cơ kinh tế bởi dự trữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông là không đáng kể.
Mặt khác chi phí thăm dò khai thác năng lượng ở vùng nước sâu với đầy rẫy rủi ro chính trị ở Biển Đông khiến hoạt động khai thác tài nguyên ở đây không phải phương án có lợi. Hơn nữa, đại đa số nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông lại nằm ngoài khu vực bị ảnh hưởng bởi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp.
Thay vào đó, Trung Quốc mưu đồ củng cố yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ trên vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp, đồng thời củng cố chỗ đứng quân sự ở Biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh luôn ngụy biện rằng hoạt động xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập là để phục đích "yêu cầu cần thiết về quốc phòng". Cũng không phải tự nhiên vừa qua người ta nhìn thấy 2 khẩu pháo Trung Quốc kéo ra đảo nhân tạo và nhanh chóng được ngụy trang, che giấu.
Mặc dù dễ bị tấn công trong chiến tranh, nhưng những tiền đồn quân sự Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa vẫn cung cấp cho Bắc Kinh lợi thế chiến lược như một căn cứ, nền tảng để triển khai sức mạnh quân sự.
Các cầu cảng và đường băng ở đây sẽ mở rộng phạm vi, bán kính hoạt động của máy bay quân sự và tàu chiến Trung Quốc cũng như tạo ra căn cứ đồn trú mới cho "hạm đội tàu vỏ trắng" - Cảnh sát biển nước này.
Cuối cùng, các tiền đồn quân sự này sẽ tạo cho Trung Quốc một điểm cắm chân ở trung tâm của một trong những tuyến hàng hải quan trọng huyết mạch của quốc tế mang lại 5 tỉ USD kim ngạch thương mại mỗi năm.
Hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam vẫn đang tiếp tục. |
Bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Trường Sa là bất hợp pháp
Bằng việc nạo vét, bơm cát lên đỉnh các bãi đá và rặng san hô nằm dưới mực nước biển ở Trường Sa, trong năm qua Trung Quốc đã tạo ra 8 hòn đảo nhân tạo mới ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc không phải nước đầu tiên bồi lấp ở Trường Sa, nhưng quy mô bồi lấp và xây dựng lớn chưa từng có.
Hơn nữa, cộng với bản chất biến đổi hoàn toàn cấu trúc thực thể từ bãi đá, rặng san hô dưới mực nước biển khi thủy triều lên thành đảo nổi nhân tạo rõ ràng Bắc Kinh đã vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002.
DOC quy định các bên yêu sách ở Biển Đông kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình, leo thang tranh chấp và de dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Đến tháng 6 năm nay Trung Quốc đã bồi lấp hơn 2000 mẫu Anh, hơn rất nhiều tổng diện tích mở rộng của tất cả các bên yêu sách trong khu vực cộng lại.
Để chắc chắn, Việt Nam và Đài Loan cũng có những hoạt động bồi lấp, cải tạo được tiến hành. Nhưng một mặt quy mô các hoạt động này nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc, mặt khác quan trọng hơn nữa là hoạt động bồi lấp này chỉ để củng cố và mở rộng các đảo nổi hiện có chứ không phải tạo ra một thực thể nhân tạo hoàn toàn mới như Trung Quốc làm.
Học giả Jeff M. Smith khẳng định, hoạt động bồi lấp củng cố mở rộng các đảo tự nhiên hiện có không bị cấm theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhưng những gì Trung Quốc đã và đang làm lại là một sự vi phạm trắng trợn.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã quy định cụ thể về quy chế lãnh hải 12 hải lý với các đảo nổi tự nhiên và 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế với các đảo lớn có người sinh sống, có đời sống kinh tế độc lập hoặc "quốc gia quần đảo".
Những bãi đá nổi trên mặt nước khi thủy triều lên nhưng không thể duy trì sự sống và hoạt động kinh tế trên đó thì được hưởng quy chế tối đa là 12 hải lý lãnh hải. Còn những bãi đá chìm hoặc rặng san hô hoàn toàn ngập dưới mặt nước biển khi thủy triều lên thì chỉ được hưởng quy chế 500 mét "vùng an toàn".
Trong số 8 vị trí Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa thì có 4 điểm là bãi đá và 4 điểm là rặng san hô ngập hoàn toàn dưới nước biển. Việc biến các thực thể này thành đảo nhân tạo cũng cho thấy Bắc Kinh có ý định đòi hỏi các quy chế đối với đảo, thậm chí là "quốc gia quần đảo" cho chúng. Nhưng rõ ràng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không cho phép điều đó.
Điều 60 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 quy định rõ: Các đảo nhân tạo, các cấu trúc do con người tạo ra không được hưởng các quy chế như đảo hình thành trong tự nhiên. Chúng không có lãnh hải của riêng mình.
Trung Quốc đe dọa trực tiếp lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở Biển Đông
Chiến lược mới của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Hậu quả của hoạt động bành trướng và diễn biến mới trong tranh chấp trên Biển Đông sẽ dai dẳng hơn bất kỳ hỗn loạn nào bao trùm các dự án bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo.
Phát biểu của Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/6 về việc "sắp bồi lấp xong" chỉ là thủ đoạn né tránh phản ứng của Mỹ trước Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung năm nay. |
Trung Quốc nằm trong khối thiểu số khoảng 20 quốc gia trong tổng số gần 200 nước lập luận rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 hỗ trợ quyền điều tiết của các quốc gia ven biển đối với các hoạt động của tàu khảo sát nước ngoài trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia ven biển đó.
Mỹ và phần lớn các nước trên thế giới bác bỏ điều này, đồng thời nhấn mạnh rằng, hoạt động của tàu khảo sát nước ngoài trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia ven biển không cần sự đồng ý hay cho phép của các nước ven biển ấy.
Học giả Raul Pedrozo đã phân tích trên Tạp chí Luật quốc tế Trung Quốc, theo Điều 19 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, quyền hạn chế của quốc gia ven biển đối với các hoạt động thu thập thông tin tình báo nước ngoài chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh hải của quốc gia đó trở vào bờ. Mọi hạn chế tương tự không xuất hiện trong phần V quy định về vùng đặc quyền kinh tế của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Từ năm 2001 đến nay, tàu và máy bay do thám Mỹ vẫn hoạt động trong khu vực Trung Quốc tuyên bố 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Đã có khoảng một chục cuộc chạm trán đã được xử lý một cách hòa bình, nhưng nó vẫn mang theo những nguy cơ leo thang.
Không có gì khó khăn để hình dung các vùng đặc quyền kinh tế mới mà Trung Quốc (sẽ) tuyên bố một cách tùy tiện, bất hợp pháp rải rác khắp Biển Đông có thể sẽ thổi bùng căng thẳng song phương với Hoa Kỳ và tăng nguy cơ tính toán sai lầm, thậm chí là xung đột.
Nếu Mỹ không hành động, Trung Quốc sẽ ra tay
Do đó chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng thách thức trực tiếp bất kỳ hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo nào bằng cách lệnh cho quân đội Mỹ điều máy bay, tàu quân sự tiến vào khu vực giới hạn pháp lý theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đối với các đảo nhân tạo này.
Kể từ năm 1979 Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do qua lại trên không, trên biển hàng năm để thách thức những yêu sách lãnh thổ nào Mỹ thấy quá đáng hoặc bất hợp pháp. Mặc dù không liên quan trực tiếp, nhưng có thể xem như một tiền lệ đã được Mỹ thiết lập khi thách thức lập tức tuyên bố đơn phương của Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông năm 2013.
Một trò chơi mèo vờn chuột giữa Washington và Bắc Kinh đã diễn ra quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (phi pháp) ở Trường Sa khi Mỹ công khai phóng sự trên đài CNN về hoạt động giám sát của Mỹ trên không phận quốc tế ở đây, tuy nhiên máy bay Mỹ vẫn chưa tiến vào phạm vi 12 hải lý.
Một bài kiểm tra thực sự sẽ diễn ra nếu các lực lượng Hoa Kỳ tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi đá, rặng san hô ngập dưới mặt nước biển bị Trung Quốc bồi lấp (phi pháp) ở Trường Sa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết, máy bay quân sự, tàu chiến Hoa Kỳ sẽ hoạt động ở bất kỳ đâu pháp luật quốc tế không cấm. |
Các quan chức quân sự Mỹ giấu tên đã bình luận rằng, động thái này sẽ là "bước tiếp theo hợp lý". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter gần đây đã nhiều lần khẳng định, quân đội Hoa Kỳ sẽ bay qua, di chuyển tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Tuy nhiên cho đến nay không có bất cứ hoạt động nào như trên đã được triển khai, đây là một tính toán sai lầm chiến lược. Washington chắc chắn hy vọng duy trì ổn định ở Biển Đông trước Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, nhưng người Mỹ sẽ sớm phải thất vọng nếu họ mong đợi một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược hàng hải của Trung Quốc.
Trong khi Mỹ còn chờ đợi để thách thức bất kỳ "tiền lệ mới" nào thì chắc chắn rằng nó (hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa) sẽ trở thành "tiền lệ". Sự chậm trễ hơn nữa trong phản ứng của Hoa Kỳ thực sự có thể làm tăng nguy cơ cho một cuộc xung đột và tạo cớ để Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai.
Trung Quốc sẽ ngụy biện rằng Mỹ đã "phá vỡ những gì đã nổi lên như một hiện trạng bình ổn mới" (tức bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa không bị ngăn chặn, phản đối thì mặc nhiên trở thành "hiện trạng mới" - PV).
Hơn nữa sự chậm trễ này cũng góp phần không lành mạnh vào nhận thức ngày càng tăng rằng, trục chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á là một sáng kiến "tượng trưng", "móm" hay "bất lực".
Thiếu vắng hành động của Mỹ đã gây ra sự lo lắng với các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Họ sẽ nhìn ông Obama như một Tổng thống yếu kém, thiếu quyết tâm trong giai đoạn "hoàng hôn" của sự nghiệp chính trị của mình.
Nhiều nhà phân tích từ Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN đã suy đoán rằng, 18 tháng sắp tới quốc tế và khu vực sẽ phải chứng kiến những đòn thử hung hăng hơn của Bắc Kinh, tạo ra khó khăn nhiều hơn cho bất kỳ ai kế nhiệm ông Obama làm chủ Nhà Trắng. Những đối tác này càng không nghi ngờ khi thấy bình luận "co rúm" của ông Daniel Russel rằng, Biển Đông không phải "vấn đề chính" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngược lại, Bắc Kinh tỏ ra họ biết rất chắc chắn về những gì Mỹ sẽ làm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng các hoạt động giám sát của Mỹ xung quanh "các đảo và rặng san hô" mà Bắc Kinh bồi lấp "rất có khả năng gây ra tính toán sai lầm hoặc sự cố bất lợi trên vùng biển, vùng trời ở Biển Đông" mà người Trung Quốc gọi là "rất nguy hiểm và vô trách nhiệm".
Thời báo Hoàn Cầu thậm chí tuyên bố, nếu Mỹ chạm giới hạn cuối cùng buộc Trung Quốc dừng hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Trường Sa, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Jeff M. Smith kết luận, một sự thật đau đớn rõ ràng rằng, nếu Hoa Kỳ không hành động trước Trung Quốc ở Biển Đông, chắc chắn Bắc Kinh sẽ ra tay bây giờ.