Indonesia cắt bỏ yêu sách “lưỡi bò” như thế nào?

23/06/2016 16:34
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Tổng thống Joko Widodo cũng là nhà lãnh đạo tiên phong trong khu vực ASEAN tuyên chiến với đường “lưỡi bò”.

LTS: Gần đây Indonesia có những động thái hết sức quyết liệt trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước này ở khu vực quần đảo Natuna, phía Nam Biển Đông trước sự xâm nhập trái phép, có tổ chức của ngư dân Trung Quốc.

Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về biên giới lãnh thổ và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) cũng như luật biển Việt Nam, đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Theo báo chí Singapore và Indonesia, hôm nay 23/6 Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới Natuna và tổ chức họp với bộ phận tham mưu, gồm một số Bộ trưởng trong Nội các và chỉ huy quân sự ngay trên một chiến hạm, bàn cách bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia ở vùng biển phía Bắc nhóm đảo Natuna trước sự xâm phạm ngày càng gia tăng và nguy hiểm của Trung Quốc.

Động thái này diễn ra sau một loạt tuyên bố và hành động cứng rắn của các quan chức Indonesia, từ Ngoại trưởng, Tư lệnh các Lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải cho tới Chỉ huy quân sự các địa phương liên quan.

Động thái này phản ánh chính quyền Indonesia đang rất lo ngại hành vi leo thang đến mức báo động từ phía Trung Quốc trong việc hiện thực hóa yêu sách bành trướng phi lý đường “ lưỡi bò”, còn gọi là đường 9 đoạn, đường chữ U ở Biển Đông.

Indonesia là một trong những nước của khu vực đi đầu xây dựng và bảo vệ UNCLOS 1982

Là người nghiên cứu UNCLOS 1982 và trực tiếp tham gia đàm phán hoạch định biển  giữa Việt Nam với các nước láng giềng, cá nhân tôi có may mắn được tiếp xúc nhiều lần với các học giả Indonesia.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do ông cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do ông cung cấp.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với các chuyên gia pháp lý của đất nước vạn đảo, là họ quá am hiểu UNCLOS 1982, từng đường tơ kẽ tóc. Bởi lẽ ngay từ những ngày đầu xây dựng Công ước, đội ngũ các nhà nghiên cứu pháp lý và học giả Indonesia đã rất tích cực tham gia.

Ngày nay trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy Indonesia là quốc gia đứng đầu về đội ngũ chuyên gia am hiểu Luật Biển, UNCLOS 1982.  Trong số đó phải kể đến ngài Đại sứ Hasim Jalan, một chuyên gia Luật Biển hàng đầu của khu vực và quốc tế.

Ông đã có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng UNCLOS 1982, ông  là Chủ tịch đầu tiên của Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương.  

Không những tham gia soạn thảo, xây dựng nên bộ luật được mệnh danh là “Hiến chương xanh” của Liên Hợp Quốc, Jakarta còn có vai trò và tiếng nói hết sức quan trọng trong việc áp dụng và bảo vệ UNCLOS 1982, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc leo thang bành trướng trên Biển Đông, đang tìm mọi cách hiện thực hóa đường “lưỡi bò”:

Thứ nhất, Indonesia là quốc gia đầu tiên công khai yêu cầu Trung Quốc làm rõ căn cứ pháp lý của đường “lưỡi bò”. Jakarta khẳng định, đường “lưỡi bò” này không có bất kỳ căn cứ nào trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. 

Tổng thống Joko Widodo cũng là nhà lãnh đạo tiên phong trong khu vực ASEAN tuyên chiến với đường “lưỡi bò”.

Ông không chỉ yêu cầu Bắc Kinh phải làm rõ, phải giải trình trước dư luận khu vực và quốc tế về yêu sách phi lý này, mà còn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động chống lại mọi vi phạm từ Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía Bắc Natuna đang  bị cái "lưỡi bò" này la liếm.

Mới nhất ngày hôm qua, Ngoại trưởng Indonesia bà Retno Marsudi khẳng định: "Lập trường của chúng tôi là rất rõ ràng, các tuyên bố chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối với Indonesia, chúng tôi không có chồng lấn dưới bất kỳ hình thức nào với Trung Quốc trên biển".

Thứ hai, Indonesia là nước rất tích cực, chủ động tuyên truyền và giải thích UNCLOS 1982 trong khối, làm thu hẹp đáng kể bất đồng trong nhận thức về áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Ví dụ điển hình là sau thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 tại Phnom Penh, Campuchia, vì không ra được tuyên bố chung về Biển Đông, Ngoại trưởng Indonesia khi đó, ngài Marty Natalegawa, đã phải tiến hành các chuyến ngoại giao con thoi vận động, tuyên truyền, giải thích cho các thành viên ASEAN để sau đó ASEAN ra tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông.

Phải thừa nhận rằng, nếu không có sự nhiệt tình, trách nhiệm và am hiểu luật pháp quốc tế của Indonesia được thể hiện qua ngài Ngoại trưởng Marty Natalegawa, thì sẽ không có nguyên tắc chung 6 điểm về Biển Đông.

Xa hơn nữa, ASEAN cũng rất khó có thể đạt được những bước tiến, những đồng thuận mới trong nhận thức về các tranh chấp ở Biển Đông và các cơ chế pháp lý để giải quyết chúng như hiện nay.

Trung Quốc vẫn làm xiếc với UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế, đánh bạc với uy tín danh dự của chính mình

Trái ngược với những hành xử rất đẹp, rất chuẩn mực theo đúng quy định của luật pháp quốc tế hiện đại mà Indonesia thể hiện, Trung Quốc lại đang tỏ ra cố tình làm xiếc với UNCLOS 1982, đánh bạc bằng uy tín, danh dự của một nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Indonesia cắt bỏ yêu sách “lưỡi bò” như thế nào? ảnh 2

Đừng trách Hun Sen, hãy tiếp tục ủng hộ PCA ra phán quyết hủy "lưỡi bò"

(GDVN) - Trung Quốc lo sợ nhất, muốn tìm cách lôi kéo, chia rẽ và phân hóa nhất trong vấn đề Biển Đông, xung quanh vụ kiện của Philippines chính là Việt Nam.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một quốc gia đã từng là thành viên tích cực tham gia xây dựng UNCLOS 1982, có khá nhiều chuyên gia Luật Biển có tiếng tăm, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vậy nhưng chính phủ Trung Quốc đang chống lại UNCLOS 1982 vì những tham vọng vĩ cuồng, phi pháp, ích kỷ, hẹp hòi của họ.

Rõ nhất là việc Bắc Kinh tìm mọi cách chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện nước này áp dụng và giải thích sai  UNCLOS 1982 ở Biển Đông (dự kiến sẽ có vào đầu tháng Bảy tới) với những lập luận không giống ai, theo kiểu “ông nói gà bà nói vịt”.

Xin lưu ý, Trung Quốc không chỉ là một thành viên UNCLOS 1982, mà còn là một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có trách nhiệm và nghĩa vụ gương mẫu chấp hành, bảo vệ công lý, công pháp quốc tế, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Những hành vi “làm xiếc” của Trung Quốc còn được thể hiện qua một loạt động thái mới gần đây của Bắc Kinh:

Một là, trong tuyên bố mới nhất của bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua 22/6, đã đòi đàm phán song phương giữa các bên liên quan trực tiếp để giải quyết cả “tranh chấp lợi ích trên biển”, bao gồm tranh chấp về việc áp dụng và giải thích UNCLOS 1982, tranh chấp vi phạm UNCLOS 1982... trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, căn cứ vào luật pháp quốc tế… 

Hai là, dường như Trung Quốc đang manh nha ý đồ đe dọa ASEAN rằng sẽ rút khỏi UNCLOS 1982 nếu PCA ra phán quyết hủy đường “lưỡi bò”. Thông tin này có vẻ được củng cố khi bà Oánh dẫn tuyên bố chung Trung Quốc - Serbia gần đây nói:

Trung Quốc và Serbia nhất trí cho rằng: Trong vấn đề Biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi hàng hải một cách hòa bình thông qua đàm phán hiệp thương hữu nghị giữa các nước liên quan trực tiếp, trên cơ sở các hiệp định song phương và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Ba là từ chối tham gia phiên tòa, phủ nhận vai trò của PCA, từ chối quyền lựa chọn 2 trong số 5 thẩm phán của Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ án, nhưng lại phản đối và bài xích thẩm phán do PCA lựa chọn.

Ngay từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc tháng Giêng năm 2013 theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982, mỗi bên được quyền lựa chọn 2 thẩm phán, thẩm phán thứ 5 sẽ do Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) chỉ định.

Tuy nhiên Trung Quốc từ chối chọn thẩm phán, từ chối tham gia phiên tòa.

Nhưng khi PCA lựa chọn thẩm phán Shunji Yanai người Nhật Bản tham gia Hội đồng Trọng tài 5 thành viên thụ lý vụ kiện thì Bắc Kinh lại giãy nảy vì vấn đề quốc tịch của một vị thẩm phán.

Ngày 11/5/2016, xã luận Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cố tình nêu lại vấn đề “quốc tịch” này. Ngày 8/6, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, Xie Feng viết bài đăng trên The Jakarta Post phản đối địa vị của Thẩm phán Shunji Yanai, với “lý sự cùn” rằng vị thẩm phán này mang quốc tịch Nhật Bản (?).

Những động thái vừa nêu cho thấy Trung Quốc thực sự đang quá coi thường luật pháp quốc tế. Cho dù Bắc Kinh có tuyên bố đơn phương rút khỏi UNCLOS 1982 cũng chẳng ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA, mà chỉ làm mất uy tín, danh dự của nước này trong mắt cộng đồng quốc tế.

Một mình Trung Quốc không đại diện cho nhân loại, không thay thế được phần còn lại của nhân loại. Trong khi UNCLOS 1982 là tài sản và trí tuệ của cả nhân loại văn minh, không thể vì Trung Quốc mà chấp nhận đổ vỡ.

Ngay cả Hoa Kỳ mặc dù do những nguyên nhân nội bộ, Thượng viện chưa chính thức thông qua việc phê chuẩn Công ước, cũng kêu gọi tuân thủ UNCLOS 1982, thúc đẩy việc bảo vệ UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Nại ra chiêu trò "lý lịch, quốc tịch" một lần nữa cho thấy sự lúng túng, nếu chưa muốn nói là sự thất bại, của Trung Quốc trong chiến dịch vận động nhằm ngăn cản PCA đưa ra phán quyết cuối cùng.

Cho đến thời điểm này, người ta vẫn còn chưa biết nội dung cụ thể của phán quyết này cụ thể sẽ ra sao, nhưng thẩm phán Shunji Yanai cùng với 4 vị thẩm phán khác được lựa chọn và bổ nhiệm đã là sự thật hoàn toàn phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý hiện hành.

Indonesia cắt bỏ yêu sách “lưỡi bò” như thế nào? ảnh 3

Bắc Kinh cố đấm ăn xôi và những tiếng nói phản đối từ nội bộ

(GDVN) - Giáo sư Xu Xiaobing cho biết: "Chính phủ nên ngừng coi các học giả như nô bộc và tập trung xung quanh mình những người chỉ biết gật đầu..

Bản thân thẩm phán Shunji Yanai đã chứng minh mình là người công tâm và đủ năng lực thụ lý những vụ việc tương tự. Tư duy “lý lịch” khi xem xét đánh giá phẩm chất của một con người có lẽ không còn thích hợp trong một xã hội văn minh, hiện đại, mặc dù ở đâu đó tư duy này vẫn còn phổ biến, tồn tại.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người gốc Hoa, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III là người gốc Hoa nhưng đâu vì thế mà họ ủng hộ lập trường đường “lưỡi bò” của Trung Quốc?

Hơn nữa, cho dù tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của PCA, không tham dự các phiên tòa, nhưng trong thực tế,Trung Quốc vẫn tìm cách nhúng tay, chen chân vào.

Có lẽ điều đó khiến cho dư luận, đặc biệt là  các chuyên gia luật biển, các học giả Trung Quốc, không thể không ngạc nhiên và bất bình.

Hành động của Indonesia và bài học cho Việt Nam

The Manila Times ngày 18/6 cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường vũ trang và huấn luyện cho "hạm đội tàu cá" để lùa xuống Biển Đông hòng hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò”.

Ngoài việc xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc còn đang vận động ngư dân của mình mạo hiểm kéo xuống Biển Đông hòng "phủ sóng" khắp phạm vi đường lưỡi bò.

Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, trong đó có Indonesia và Việt Nam.

Những năm gần đây, Trung Quốc tổ chức lực lượng “ngư dân” ào ạt tiến xuống Biển Đông thành từng nhóm, được huấn luyện bài bản, được trang bị các vũ khí hạng nhẹ và máy định vị vệ tinh để liên lạc với các tàu Hải giám nước này, sẵn sàng can thiệp khi bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ.

Chính phủ Trung Quốc bồi dưỡng, hỗ trợ cho các “ngư dân” này bằng nhiều phương thức khác nhau nhằm nâng cao năng lực “ứng xử” trên biển,  chủ yếu tập trung nâng cao kiến thức về mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp; dành các khoản trợ cấp đặc biệt và ưu đãi để cho các “ngư dân” có đủ điều kiện và khả năng “tác chiến” khi cần thiết.

Như vậy có thể thấy, những hành động và thủ đoạn của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông và hiện thực hóa đường lưỡi bò là rất đa dạng, nguy hiểm và đối phó không dễ.

Không chỉ có các pháo đài quân sự và vũ khí tối tân trên các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa mới nguy hiểm, mà ngay cả lực lượng “ngư dân” trá hình này cũng là một mối đe dọa nguy hiểm không kém.

Phản ứng của chính phủ Indonesia chống nạn xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna cho chúng ta bài học:

Đầu tiên và quan trọng nhất theo cá nhân tôi là, cần phải nghiên cứu và nắm rõ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng, để tuyên truyền phổ biến cho ngư dân Việt Nam, đồng thời cũng để giải thích, thuyết phục, vận động, tuyên truyền cho các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt là những nước không liên quan trực tiếp, thiếu thông tin chính xác và chỉ nghe được thông tin một chiều từ phía Trung Quốc như những tuyên bố vừa qua của Nga, Campuchia…

Chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền giải thích, hoặc thông qua các thành viên ASEAN có tiếng nói, có trình độ pháp lý như Indonesia và Singapore giải thích là việc làm vô cùng quan trọng.

ASEAN có tăng thêm đoàn kết trong vấn đề Biển Đông hay không phụ thuộc vào việc này. Chúng ta có tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận trong nước, khu vực và quốc tế hay không cũng phụ thuộc vào việc này.

Chúng ta có đủ tự tin về căn cứ pháp lý để đấu tranh không khoan nhượng với hành vi vi phạm của Trung Quốc hay không cũng phụ thuộc vào nhận thức này.

Tổng thống Joko Widodo là người đi tiên phong chống lại đường lưỡi bò phi pháp, ảnh: Reuters.
Tổng thống Joko Widodo là người đi tiên phong chống lại đường lưỡi bò phi pháp, ảnh: Reuters.

Với tư cách là người trong cuộc, chúng ta phải biết ngoài chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì những quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên Biển Đông đến đâu, gồm những gì, có gì chung với các nước trong khu vực như Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia...hay trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ...

Bài học quan trọng thứ hai là các biện pháp thực thi pháp luật và bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của mình đang bị đe dọa bởi đường “lưỡi bò”.

Cũng như các biện pháp bảo vệ tính mạng và tài sản ngư dân Việt Nam khi đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế trên Biển Đông đang bị Trung Quốc uy hiếp.

Muốn làm tốt công việc này, hiểu rõ các căn cứ pháp lý quốc tế và luật pháp Việt Nam, luật pháp và chính sách các nước có vai trò quan trọng để rút tỉa những bài học hữu ích cho mình từ Indonesia, nhưng đồng thời cũng tránh được những phiền phức không đáng có chỉ vì chúng ta nhận thức chưa tới, chưa đúng.

Cá nhân tôi xin lưu ý hai điều, một là hành động tăng cường lực lượng quân đội chủ yếu là nhằm hỗ trợ cho các lực lượng chấp pháp thực thi, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna.

Đối tượng mà lực lượng chức năng Indonesia nhằm vào là tất cả các tàu vi phạm của các quốc gia có liên quan, chứ không riêng gì Trung Quốc.

Vì vậy, chúng ta cũng phải có những đối sách thích hợp nhằm bảo vệ cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư dân Việt Nam: Đúng thì đấu tranh, bảo vệ đến cùng, sai thì phải thiện chí hợp tác để xử lý có lý có tình, không khoan nhượng, theo đúng phương châm “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.

Hai là mỗi chúng ta cần nhận thức rõ, phân biệt các hành động thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mình, chống lại các hành vi vi phạm của Trung Quốc và các nước khác là phải trên cơ sở  Luật Biển quốc tế hiện hành, công khai và công bằng.

Chúng ta không nên thiên về cách xử lý theo cảm tính, mang nặng màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan như đòi hỏi Việt Nam phải "giống Indonesia", phải bắt tàu Trung Quốc, đánh chìm tàu như Indonesia đã làm để thỏa mãn cảm xúc.

Chúng ta hoan nghênh Indonesia đã ra tay làm mạnh tay với Trung Quốc ngoài thực địa trong khuôn khổ phải thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Điều này không đồng nghĩa với việc ta ủng hộ cả những hành xử không theo đúng thủ tục pháp lý theo quy định của UNCLOS 1982, như việc đánh chìm, tiêu hủy các tàu cá của ngư dân trước khi xét xử thông qua thủ tục tài phán.

Do đó, đấu tranh trên cơ sở pháp lý quốc tế, thông qua các giải pháp pháp lý, thậm chí là cơ quan tài phán quốc tế, nên là điều chúng ta cần nắm chắc, hiểu rõ và sẵn sàng trong mọi trường hợp, tiến hành đồng thời với các giải pháp khác. Nhưng dù là chính trị, ngoại giao hay gì đi nữa, cũng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, mới mong có hiệu quả và lâu dài./.

Ts Trần Công Trục