Iraq bỏ qua lời khuyên của Mỹ, tuyên bố tẩy chay người Sunni

18/06/2014 06:43
Nguyễn Hường
(GDVN) - Chính phủ Iraq tuyên bố tẩy chay các khối chính trị của người Sunni tại nước này và cáo buộc Ả Rập Saudi hỗ trợ chiến binh Sunni thúc đẩy "diệt chủng".

Theo Reuters ngày 17/6, nhà lãnh đạo người Shiite của Iraq, bất chấp kêu gọi của phương Tây tiếp cận với người Sunni để xoa dịu cuộc nổi dậy ở phía bắc, đã tuyên bố tẩy chay các khối chính trị của người Sunni tại nước này và cáo buộc Ả Rập Saudi hỗ trợ chiến binh Sunni thúc đẩy "diệt chủng".

Trước đó, Washington đã nói rõ rằng Mỹ muốn Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki lôi kéo sự ủng hộ của các chính trị gia người Sunni để chống lại các mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIS) nổi loạn.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki.
 Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki.

Nhưng Thủ tướng người Shiite đã hành động theo hướng ngược lại khi công bố các biện pháp đàn áp các chính trị gia và quan chức ông coi là "kẻ phản bội" và chỉ trích láng giềng về việc hỗ trợ cho lực lượng nổi loạn ở Iraq.

Mục tiêu mới nhất của cơn giận dữ của chính phủ Iraq là Ả Rập Saudi, một quốc gia người Sunni chiếm đa số mạnh mẽ trong khu vực đã công khai hỗ trợ các chiến binh nổi dậy người Sunni ở Syria, nhưng phủ nhận đứng sau ISIS.

Maliki cho rằng Ả Rập Saudi đã hỗ trợ tài chính cho ISIS để gây ra cuộc đổ máu tại Iraq cũng như phá hủy các di tích lịch sử, tôn giáo của quốc gia này. Trước đây ông cũng đã từng đổ lỗi cho Ả Rập Saudi hỗ trợ các chiến binh Hồi giáo cực đoan, nhưng chưa từng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ như lần này.

Maliki cũng đổ lỗi cho chủ nghĩa bè phái ở Baghdad là nguyên nhân thúc đẩy bạo lực. 

Các chiến binh ISIS đã chiếm hai thành phố lớn của Iraq và đang đe dọa tới cả thủ đô Baghdad. Lực lượng ly khai người Kurd cũng tranh thủ tình hình hỗn loạn chiếm một thành phố cảng và kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này.

ISIS xem tất cả những người Shiite là dị giáo và cần bị tiêu diệt. Chúng tự hào về các hành động bạo lực của mình và đã ra tay tàn sát hàng trăm binh sĩ Iraq đầu hàng. Hầu hết người Sunni căm ghét những hành động bạo lực như vậy, tuy nhiên cuộc nổi dậy của ISIS có sự tham gia của nhiều nhóm người Sunni cực đoan khác, bao gồm cả các cựu thành viên đảng Baath của Saddam Hussein và thành viên các bộ lạc không hài lòng với chính phủ Maliki.

Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đã thúc giục ông Maliki tiếp cận với người Sunni để xây dựng lại đoàn kết dân tộc như một cách duy nhất để ngăn chặn sự chia cắt của Iraq. Nhưng ông có vẻ nghiêng về ý lập trường của các thành viên của liên minh cầm quyền Iraq muốn tẩy chay người Sunni hơn. 

Nguyễn Hường