Kẻ bán nước không thể vô can

19/10/2019 07:08
Trần Phương
(GDVN) - Nhờ kẻ xả dầu trộm mà dân ta mới biết rất nhiều thứ đã lãng quên và chỉ nhớ khi tự tay mình đi lấy từng bình nước miễn phí.

Sự việc Nhà máy nước sạch sông Đà bán nước sinh hoạt lẫn dầu thải khiến hàng vạn người dân phía Tây Hà Nội khốn khổ suốt hàng chục ngày qua.

Hình ảnh người dân mang bình, chai, xô, chậu... xếp hàng dài để được nhận nước cứu trợ miễn phí từ cơ quan chức năng gợi cho nhiều người nhớ về hình ảnh khổ cực thời bao cấp.

Thật trớ trêu, nhiều chiếc bình người dân cầm đi lấy nước miễn phí có dòng chữ “La Vie” – (Tạm dịch trong tiếng Pháp là Cuộc sống) có hàm ý gợi đến những điều tốt đẹp, nhưng ở vào hoàn cảnh này thì dường như cuộc sống của người dân phía Tây Thủ đô Hà Nội đang hoàn toàn ngược lại.

Tốt đẹp làm sao được, vui vẻ làm sao được khi mà đến một nhu cầu thiết yếu đơn giản nhất là "nước sinh hoạt" (phải trả tiền) cũng bị nhiễm bẩn nặng.

Các khu vực người dân phản ánh nước sinh hoạt có mùi hóa chất nồng nặc là ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Hoài Đức, Thanh Trì…

Ngày 17/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự. [1]

Vụ án đã được khởi tố, thủ phạm không sớm thì muộn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi hành vi vô nhân tính của mình.

Hai trong 3 kẻ tình nghi ngay sau đó đã bị phát hiện và công an đã tạm giữ những kẻ này.

Và, người dân cũng mong rằng, không chỉ những kẻ đổ trộm dầu thải bị xử lý, mà ngay cả những cá nhân khác có liên quan tại nhà máy nước sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm cho sự cố này, nếu họ biết mà không báo cáo, biết mà không ngăn chặn, mặc kệ nước bẩn đến với dân.

"Cơn khát" nước sạch đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân Thủ đô. Ảnh: TTXVN
"Cơn khát" nước sạch đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 15/10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung đã nói: "Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy.

Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường.

Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định, đó là liên quan đến chất styen cao hơn từ 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường". [2]

Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân
Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân

Như vậy, một phần trách nhiệm khiến người dân phải sống trong sợ hãi khi nước có mùi lạ, khiến cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.

Vì sao công ty Cổ phần nước sạch sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, không có hành động để ngăn chặn, do đó dầu chảy vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước?

Càng khủng khiếp hơn khi công ty này cũng không có bất cứ hành động nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân. [3]

Vết dầu thải trên bám vào khiến cỏ cháy xém . Ảnh: TTXVN
Vết dầu thải  trên bám vào khiến cỏ cháy xém  . Ảnh: TTXVN

Các quy định trong thông tư số 41/2018/TTBYT của Bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt liệu có bị bỏ qua không?

Phải đặt ra câu hỏi này bởi vì từ sự cố nước sinh hoạt lẫn dầu thải từ Nhà máy nước Sông Đà cho thấy quy trình lỏng lẻo trong hoạt động sản xuất, cấp nước sinh hoạt và người dân thì chỉ biết trả tiền rồi nhận nước, chứ không hay biết quy trình lọc ra sao, có được tận mắt nhìn thấy những gì nhà máy này đang làm?

Bên cạnh đó, hẳn là người dân Thủ đô cũng mong muốn đây là dịp mà lãnh đạo Thành phố ráo riết chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tổng thể quy trình khai thác nước và quy trình lọc nước ở tất cả các nhà máy. Nếu nhà máy nào không đạt yêu cầu phải lập tức dừng cấp nước và tìm nguồn khác thay thế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch trong các hoạt động kiểm tra, tức là phải được công khai, cho phép người dân (nếu muốn) được đăng ký tham gia cùng các đoàn kiểm tra.

Và, có lẽ cũng đã đến lúc Thành phố Hà Nội cần ra lệnh: Bất cứ khi nào người dân muốn vào tìm hiểu quy trình khai thác, lọc nước tại các nhà máy thì các nhà máy bắt buộc phải đáp ứng, không được phép thoái thác. Nếu các nhà máy làm ăn đàng hoàng thì chẳng có việc gì mà phải che giấu.

Cũng từ vụ nước lẫn dầu thải này, một lần nữa một câu hỏi lớn về văn hóa chịu trách nhiệm của các cơ quan chức năng kiểm soát an toàn nước nguồn nước sinh hoạt cho người dân một lần nữa được đặt ra.

Nhờ vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước, người dân mới giật mình nhận ra công tác đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt vô cùng quan trọng nhưng hiện tại đang kiểm soát quá mong manh.

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm nước nhiễm dầu thải
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm nước nhiễm dầu thải

Mọi thứ sẽ thật tồi tệ nếu nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.
Bát cơm, nước uống giữa Thủ đô sao mà mong manh, dễ mất an toàn đến thế.

Khi sự cố xảy ra,  thứ văn hóa xấu xí, văn hóa "đổi lỗi, chối tội, thanh minh" lại một lần nữa lên ngôi.

Có một sự giống nhau đến kỳ lạ về thái độ ứng xử của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trước sự cố về nước sinh hoạt khiến cả ngàn hộ dân thủ đô phải sống trong "vật vã" những ngày qua.

Trong buổi họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/10,khi được hỏi về trách nhiệm của đơn vị trong việc để xảy ra sự cố nêu trên, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) chỉ nói "sắp tới công ty sẽ họp và nếu sai thì xin lỗi".

Thật kỳ lạ!

Lạ hơn nữa khi một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô đang lên cơn khát vật vã chỉ vì kẻ nào đó đổ dầu thải trộm vào nước ăn của gia đình họ.

Một hình ảnh thật lạ đang diễn ra ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, đang từng bước hiện đại nhưng người dân phải xách từng can nước để duy trì sự sống.

Thật xót xa!

Cay đắng thay khi người dân đang dường như bất lực, phải trả tiền mua nước mà không được đối xử tử tế.

Sau phiên đổ trộm ấy ý thức của người dân về an toàn bữa ăn của gia đình mình chắc chắn sẽ được nâng cao dần lên.

Và đặc biệt, nhận thức về an ninh nguồn nước của các cơ quan chức năng phải thay đổi.

Sau vụ đổ trộm dầu thải ấy, cả một hệ thống cơ quan chức năng phải vận động vào cuộc để đảm bảo an toàn cho bữa cơm, nước uống của người dân.

Nói một cách hài hước thì phải cảm ơn kẻ đổ trộm dầu thải, vì từ hành vi sai trái ấy sẽ làm cho nhiều người dân "sáng mắt" và nhiều vị lãnh đạo cũng nhận thức được rằng nước bẩn vô cùng nguy hiểm bởi nó âm thầm xâm nhập vào đời sống của hàng vạn, hàng triệu người dân, mang theo những mầm bệnh nguy hiểm.

Tổ chức Y tế thế giới đã tổng kết và xếp Việt Nam ở nhóm các quốc gia có tỷ lệ bệnh ung thư cao nhất thế giới và nếu không giải quyết được ô nhiễm khói bụi, mất an toàn thực phẩm và nước sinh hoạt bẩn thì rồi đất nước sẽ sớm phải đối diện với thảm họa về sức khỏe.

* Tài liệu tham khảo:

1. https://kiemsat.vn/khoi-to-vu-an-hinh-su-ve-toi-gay-o-nhiem-moi-truong-tai-khu-vuc-nha-may-nuoc-song-da-55707.html

2. https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nuoc-ha-noi-co-mui-chu-tich-chung-chi-thang-nguyen-nhan-3389500/

3. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/ha-noi-khuyen-cao-dan-khong-uong-nau-an-bang-nuoc-song-da-577538.html

Trần Phương