Theo diễn biến mới nhất vụ sự cố đổ trộm dầu thải ở nguồn nước đầu vào nhà máy nước sạch sông Đà nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khiến một khu vực lớn của Hà Nội phải dùng nước có mùi khét chứa chất Styren vượt mức giới hạn cho phép, ngày 16/10 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Quochoi.vn |
An ninh nguồn nước cho người dân Thủ đô là một vấn đề lớn và cực kỳ quan trọng, nhưng qua vụ việc này cho thấy, các cơ quan liên quan lại phối hợp chưa đảm bảo chặt chẽ.
Từ sự cố này cũng phải thẳng thắn đặt ra câu hỏi: Các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt tới nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có thực hiện đúng theo yêu cầu trong Thông tư 41/2018/TT-BYT có hiệu lực từ 15/6/2019? (Xem thông tư Tại đây)
Rất nhiều khu vực tại Hà Nội trong những năm gần đây đã xảy ra các sự cố nước bẩn, vậy cho đến nay liệu có nhà máy nào vẫn đang thu tiền thật, bán nước bẩn cho dân không?
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Hà Nội cần phải đi đầu, tiến hành rà soát tổng thể tất cả các nhà máy trên địa bàn, nếu đơn vị nào không đáp ứng được quy chuẩn phải dừng hoạt động ngay lập tức để bảo vệ sức khoẻ nhân dân; đồng thời phải tính đến nguồn nước thay thế đảm bảo (sạch thật sự).
Đây là vấn đề rất lớn, cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ để giải quyết toàn diện, bởi có liên quan tới sức khoẻ của hàng triệu học sinh, các thế hệ tương lai của đất nước.
Bán nước lẫn dầu nhớt cho dân, phải xem xét yếu tố hình sự |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, vụ việc nguồn nước bị nhiễm dầu thải vừa qua theo luật thì đó là một sự cố môi trường.
“Nhưng có vẻ các cơ quan ban ngành chấp hành Luật Bảo vệ môi trường chưa thấu đáo, nhận thức về sự cố môi trường không đến nơi đến chốn cho nên sự phối kết hợp từ Trung ương đến địa phương và giữa các tỉnh có lưu vực sông là Hà Nội và Hòa Bình lỏng lẻo. Cuối cùng là người dân phải gánh chịu sự bất an”, Đại biểu Quốc Khánh nói.
Về vấn đề quản lý an toàn nước đầu nguồn, theo Đại biểu Quốc Khánh, rõ ràng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hòa Bình phải làm rõ về trách nhiệm quản lý an toàn nguồn nước sông Đà.
Đặc biệt Bộ Xây dựng - đơn vị theo Luật quy định là chịu trách nhiệm về cung cấp nước sạch. Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng vẫn chưa lên tiếng.
Một sự cố như thế, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế phải vào cuộc ngay. Như thế nó mới là sự vào cuộc một cách có hệ thống để ứng phó với sự cố môi trường.
“Các Bộ phải vào cuộc ngay chứ không thể để một mình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xử lý sự cố môi trường này”, Đại biểu Khánh nhận định.
Đến hiện tại thì người dân vẫn đang phải đến các điểm hỗ trợ của Công ty nước sạch Hà Nội để lấy nước về ăn uống, do nguồn nước cấp từ Công ty nước Sông Đà chưa được khẳng định đảm bảo an toàn tuyệt đối. ảnh: ND |
Liên quan đến thông tin ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết tại họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/10 là phát hiện có dầu thải đổ vào nguồn nước lúc 12h trưa (8/10) và có báo cơ quan chức năng nhưng đến sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống.
Như vậy, phải mất khoảng hơn chục tiếng sự việc này không được cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình xử lý.
Đại biểu Trần Quốc Khánh cho rằng, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm với thông tin công ty báo cáo với địa phương.
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Thu tiền thật, bán nước bẩn là không có đạo đức |
“Nếu đúng như vậy thì lẽ ra Hòa Bình phải có chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Hòa Bình vào cuộc ngay trong tình huống này.
Hòa Bình phải nhận thức được đây là vấn đề rất nguy hiểm, tác động đến hàng triệu người dân Thủ đô.
Vì vậy, nếu đúng như ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà nói, cơ quan chức năng Hòa Bình giữ im lặng suốt hơn chục tiếng đồng hồ thì cần phải có cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc này.
Bởi vậy, cần điều tra để làm rõ nguồn dầu thải từ đâu, ai đổ trộm và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, các ban ngành chức năng.
Để công ty tự xử lý nên hậu quả là nước sạch đến tay người dân có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép 1-3 lần”, bà Khánh nêu quan điểm.
Uỷ viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng phải làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, xử lý triệt để, vì đây là sức khoẻ của hàng vạn người dân.
Liên quan đến sự việc này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, dư luận vô cùng bức xúc khi một số cán bộ nhà máy nước sông Đà phát hiện có dầu thải nhưng mặc kệ, dẫn tới nước sinh hoạt lẫn dầu thải bơm tới hàng vạn hộ dân có mùi khét và hàm lượng styren cao hơn mức cho phép 1-3 lần. Đây là vấn đề đạo đức cần phải lên án và rất cần làm rõ để xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân có liên quan.
Kinh doanh nước sạch là lĩnh vực đặc thù phải đặt nền tảng đạo đức lên trên hết, không thể vì lợi nhuận mà coi thường sức khoẻ của nhân dân, trong đó có hàng triệu học sinh.