"Khi xem bóng đá, tôi thà tắt tiếng tivi đi chứ không nghe bình luận"

15/06/2012 06:22
Độc giả Trần Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội)
(GDVN) - "Tôi thà bật kênh thể thao nước ngoài để xem bóng đá còn hơn là nghe các BLV ở trong nước bình luận như...đấm vào tai. Vì cách bình luận ở nước ngoài rất phong phú và hấp dẫn người xem, rất khách quan và có cá tính, ví dụ như những blv hò hét, cười đùa thoải mái và ko áp đặt...", độc giả Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Ngay sau thực hiện loạt bài viết về “thảm họa” bình luận bóng đá và thực trạng BLV bóng đá Việt Nam hiện nay, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều các ý kiến trái chiều của độc giả. Một trong những ý kiến đó là của độc giả Trần Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) với nội dung đưa ra những ý kiến đánh giá về các bình luận viên, cách bình luận hiện nay của Việt Nam. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:  Câu chuyện xung quanh trình độ, cách thể hiện, lời bình luận của các bình luận viên bóng đá của truyền hình Việt Nam VTV  không phải bây giờ mới được nhắc tới mà đã từ nhiều năm nay, không ít người trong đó có tôi đã cảm thấy vô cùng khó chịu và thậm chí là "dị ứng" về họ.
Hình ảnh chế của cư dân mạng về BLV Tạ Biên Cương của VTV.
Hình ảnh chế của cư dân mạng về BLV Tạ Biên Cương của VTV.

Những người hâm mộ trái bóng tròn như chúng ta đều biết rõ, các trận đấu của những giải đấu có tên tuổi như Ngoại hạng Anh, Champions Leangue, Euro... thường lệch giờ và diễn ra vào lúc nửa đêm, về sáng. Vào cái thời điểm 23 giờ đếm, 1 giờ, 2 giờ sáng,  người hâm mộ thường muốn được nghe những bình luận hấp dẫn, không 'sến', không tự dưng la hét ầm ĩ. Nhưng đáp lại, với giọng đọc đều đều tẻ nhạt, phần trích dẫn sai số liệu, việc gọi tên cầu thủ bừa bãi không nhất quán, những nhận định đôi khi rất phiến diện, ví von bừa bãi... tất cả đã khiến cho khán giả dường như chỉ muốn tắt tivi đi. Xưa nay trong tâm trí rất nhiều người, cụm từ “truyền hình quốc gia VTV” thường đồng nghĩa với tính chuẩn mực và nghiêm túc. Như một điều hiển nhiên, những ai đã, đang và sẽ xuất hiện trên truyền hình với tư cách “người nhà đài” (phát thanh viên, biên tập viên, người dẫn chương trình…) cũng phải có hai đặc tính như vậy... Nhưng với những bình luận viên bóng đá của đài "truyền hình quốc gia" thì, nếu không nói về nhóm máu, hoàn cảnh gia đình của cầu thủ và trọng tài, họ cũng sẽ ru ngủ người hâm mộ rồi thỉnh thoảng "đánh thức" bằng cách hét toáng "Rất nguy hiểm", "Vào... không vào rồi... quá đáng tiếc!" hay "Messiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii" Rồi khi ngồi trước micro bình luận, không ít anh bình luận viên lại thường kể lể dông dài về những thông tin thống kê bên lề nhiều hơn là bám theo diễn biến trận đấu.  Đã rất nhiều lần, khi cầu thủ đã dắt bóng đến sát cầu môn đối phương và sút thì anh ta còn đang ề à chậm rãi tuôn ra những câu hết sức… ngô nghê như “D. là một cầu thủ tiền đạo cánh trái, một cầu thủ có xu hướng tấn công rất là tốt” - ô hay, tiền đạo không tấn công thì làm gì, bắt gôn chăng? Anh ta cũng nhận định về các tình huống trên sân bằng những cụm từ trịnh trọng nhưng vô thưởng vô phạt... Hơn thế, có những bình luận viên khi vào trận lại thao thao bất tuyệt những điều "bất hủ" nhưng quá "sáo rỗng". Đáng chú ý nhất là tình huống Lewandowski mở tỷ số 1-0 cho Ba Lan trong trận khai mạc Euro 2012, bình luận viên của VTV đã thao thao những câu: "Có một điều đáng chú ý ở Lewandowski là anh sinh ra trong một gia đình thể thao, bố anh ấy là VĐV Judo, mẹ anh ấy là VĐV bóng chuyền, người ta nói rằng sở dĩ tiền đạo số 9 này mang tên Lewandowski vì những người sinh thành ra anh muốn đặt cho anh cái tên dễ nhớ và dễ gọi nên đã đặt tên anh là Lewandowski. Nhưng bây giờ chúng tôi không cần đọc bởi vì anh đã quá nổi tiếng và vì trong trận thi đấu mở màn này anh đã tạo ra những dấu ấn để người ta có thể khắc ghi ngay vào trong đầu mình cái tên Lewandowski."
Khán giả VTV rất nhớ những BLV gạo cội như Quang Huy, Quang Tùng.
Khán giả VTV rất nhớ những BLV gạo cội như Quang Huy, Quang Tùng.
Những chuyện bình luận viên VTV nhiều khi chỉ lợi dụng để tranh thủ khoe những hiểu biết của mình về bóng đá và cầu thủ nhiều hơn là bình luận trực tiếp vào trận cầu đang diễn ra cho khán giả như ở trên nhiều khi làm tôi có cảm giác xem bóng đá mà giống như một buổi hoc về lịch sử bóng đá vậy. Không ít anh BLV "trung ương" nhưng chỉ với trình độ ngoại ngữ bằng A "cũng không xong", lại cộng thêm chất giọng địa phương ngang phè và một tốc độ nói rề rà..., thế mà lại thường xuyên gọi đầy đủ cả họ cả tên cầu thủ đến ngứa cả tai, ví dụ như Muller (Mu-lơ hay Miu-lơ), Robben (Rốp-bừn hay Ro-ben), Micheal (Mai-cô hay Mi-xeo)... đã làm không ít người xem phải "bò lăn ra cười". Quan trọng nhất là không ít những "bình loạn viên" của đài truyền hình này đã tra tấn tôi cùng nhiều người khác bằng tất cả những thứ kinh khủng kể trên ít nhất 90 phút/ngày Thực sự, tôi thà bật các kênh thể thao của nước ngoài hoặc xem tắt tiếng đi để theo dõi các trận bóng đá còn hơn là phải nghe các bình luận viên của VTV bình luận chẳng khác nào như tra tấn hai cái lỗ tai. Bởi vì, theo dõi các kênh thể thao nước ngoài, tôi thấy rõ ràng, cách bình luận của bình luận viên ở nước ngoài rất phong phú và hấp dẫn người xem. Họ bình luận thực sự rất khách quan và có cá tính, ví dụ như những bình luận viên hò hét rất thoải mái.....cười đùa thoải mái và ko áp đặt. Đồng thời họ có sự hiểu biết, kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ bóng đá rất cao. Bình luận không phải để "đấm vào tai" khán giả mà là để cùng vui, hò reo, tạo cảm giác thoải mái cho khán giả khi xem nhưng với những kiểu bình luận "sáo rỗng" của các bình luận viên như đã kể ở trên thì, khi xem bóng đá, tôi thà tắt tiếng tivi đi chứ không nghe bình luận.Mọi ý kiến xin bạn đọc vui lòng gửi về:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Trần Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội)