Không có phản động đứng sau người ứng cử Đại biểu Quốc hội

13/04/2016 07:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc–Tổng thư ký Quốc hội: "Thông tin phản động đứng sau người ứng cử Đại biểu Quốc hội không phải là ý kiến của Hội đồng bầu cử Quốc gia".

Ông có đánh giá gì về các đại biểu tự ứng cử vào Quốc hội khóa 13 không thuộc các tổ chức giới thiệu?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội khóa 13 đã có nhiều đại biểu tự ứng cử và đã trúng cử. Rất tiếc là tại khóa 13 đã xảy ra 2 trường hợp đại biểu tự ứng cử đều là đại diện của doanh nghiệp đã có vi phạm pháp luật và Quốc hội đã miễn nhiệm.

Qua hoạt động của Quốc hội khóa 13, dù là đại biểu tự ứng cử hay do các tổ chức đề cử thì chúng tôi thấy rằng đều có những phát biểu rất chân thành, không có điều gì để phân biệt.

Tôi nghĩ rằng trước khi ứng cử thì đại biểu đã được cử tri đánh giá, lựa chọn và giới thiệu, trải qua nhiều vòng bỏ phiếu, cử tri là những người sáng suốt lựa chọn ra đại biểu xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thông tin có phản động đứng sau người ứng cử Đại biểu Quốc hội không phải là quan điểm chính thức của Hội đồng bầu cử Quốc gia, cũng không phải quan điểm của Tiểu ban an ninh - quốc phòng. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thông tin có phản động đứng sau người ứng cử Đại biểu Quốc hội không phải là quan điểm chính thức của Hội đồng bầu cử Quốc gia, cũng không phải quan điểm của Tiểu ban an ninh - quốc phòng. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV đang có rất nhiều đại biểu tự ứng cử, ông có đánh giá gì trước thông tin này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi nghĩ rằng điều đó phản ánh nhiều người yêu quý Quốc hội và mong muốn được tham gia diễn đàn này. Chúng tôi thấy điều đó rất đáng mừng và rất đáng hoan nghênh. Đơn cử là tại Hà Nội thì qua vòng Hiệp thương thứ 2 đang có 48 đại biểu tự ứng cử, tuy nhiên kết quả bầu cử thế nào phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri.

Thưa ông, thời gian vừa rồi có thông tin đứng sau một số người tự ứng cử có tổ chức phản động, vì vậy cần phải làm rõ và công khai, tránh gây điều tiếng xấu cho công tác bầu cử. Đến nay, vấn đề này đã được làm rõ chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vừa rồi tôi nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A và đã có trả lời về vấn đề này. Chúng tôi nói rõ thông tin này không phải là ý kiến của Hội đồng bầu cử Quốc gia và không phải ý kiến của Tiểu ban an ninh quốc phòng. Tôi cũng nói ngay là không có việc đó.

Đối với vấn đề thông tin mà những người tự ứng cử đưa lên mạng xã hội, tôi nghĩ rằng đó là quyền của họ, chúng ta không cấm cản. Đây mới là quá trình hiệp thương cho nên chưa biết chính xác ai sẽ được vào danh sách chính thức.

Tuy nhiên, sau này khi đã vào danh sách chính thức sau hiệp thương thì phải thực hiện theo quy định của Hiến pháp để đảm bảo công bằng, cho dù người đó tự ứng cử hay do tổ chức giới thiệu.

Kết quả đánh giá tại nơi người ứng cử sinh sống có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo quy định thì phải lấy ý kiến của người dân nơi đại biểu cư trú, vì họ hiểu rất rõ cá nhân người đó thế nào, gia đình thế nào, quan hệ với cộng đồng dân cư thế nào.

Nếu người tham gia ứng cử mà tốt thì nhân dân sẽ đánh giá tốt, nhưng nếu không tốt thì cũng sẽ bị đánh giá không tốt.

Đó là những việc công khai, rất rõ ràng. Theo quy định nếu không vượt quá 50% số phiếu tán thành thì không đạt yêu cầu.

Chúng tôi ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng vậy. Cũng phải đọc một bản trích ngang lý lịch trước bà con nơi cư trú, sau đó thì người dân sẽ phát biểu và yêu cầu làm rõ thêm, hỏi thêm về gia đình, vợ con, tài sản, nghĩa vụ ở nơi cư trú.

Cuối cùng đánh giá của bà con nơi cư trú bằng hình thức biểu quyết chính là thước đo rõ ràng nhất đối với người ứng cử.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang