"Không phải mọi dịch vụ ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đều chặt chém, lừa đảo"

07/07/2012 06:38
Độc giả Nguyễn Anh Quân
(GDVN) - "Tôi không phải bênh cho các dịch vụ ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đâu nhưng tôi thấy đâu phải tất cả dịch vụ ở đó đều tồi như vậy và nếu ai đã quay lại bãi biển trong thời gian gần đây sẽ thấy, mọi thứ đã và đang có sự thay đổi tích cực hơn...", độc giả Nguyễn Anh Quân chia sẻ.
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các ý kiến xung quanh câu chuyện "chặt chém" dịch vụ cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Một trong số ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Anh Quân cho rằng, không phải tất cả các dịch vụ, những chủ nhà hàng và người dân buôn bán ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đều như vậy và thực sự, trong thời gian gần đây, bãi biển này đã có sự thay đổi thực sự về tất cả dịch vụ, cung cách phục vụ đã bắt đầu tốt hơn lên... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ ý kiến này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Câu chuyện xung quanh cung cách, thái độ phục vụ "chặt chém", thiếu tôn trọng khách hàng ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đã thực sự trở thành một chủ đề nóng, với rất nhiều những ý kiến khác nhau của dư luận xã hội.
Cá nhân tôi cũng đã theo dõi rất kỹ các thông tin cũng như ý kiến xung quanh câu chuyện này. Bởi chính bản thân tôi, cũng đã từng lâm vào tình cảnh bị "chặt chém", cũng như gặp phải những cảnh đối xử thiếu tôn trọng của các chủ nhà hàng khi đến du lịch ở Sầm Sơn này.
Độc giả cho rằng, không phải tất cả ở Sầm Sơn đều xấu cả (Ảnh: Internet).
Độc giả cho rằng, không phải tất cả ở Sầm Sơn đều xấu cả (Ảnh: Internet).

Quả thực, đây đúng là thực trạng hết sức đáng phê phán, lên án bởi nó đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một bãi biển đẹp có tiếng của tỉnh Thanh Hóa trong mắt du khách.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, tôi không phải là người Thanh Hóa, cũng càng không phải có ý muốn bênh cho Sầm Sơn, Thanh Hóa nhưng tôi muốn nói rằng, chúng ta nên có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, bởi không phải tất cả mọi thứ ở bãi biển này cũng đều xấu cả. Như chúng ta đã biết, trong xã hội thì cũng có người này, người kia và thực tế khi đi đến các điểm du lịch khác chứ không riêng Sầm Sơn cũng có cảnh nhiều người buôn bán, chủ hàng dùng mọi thủ đoạn để đua nhau "chặt chém" các dịch vụ, đối xử thiếu tôn trọng khách. Nhưng cũng có không ít người dân, kinh doanh vẫn giữ được cái tâm, cái đức trong kinh doanh, phục vụ rất chu đáo, thân thiện với du khách. Chính bản thân tôi trong lần đi du lịch Sầm Sơn vào cuối năm 2004, cũng đã được không ít người dân ở đây chỉ dẫn rất tận tình về các địa điểm du lịch thú vị, đường đi, cũng như những chỗ ăn uống, nghỉ, mua hàng chuẩn, rẻ... Và tuy vẫn có những người lái xích lô, xe ôm... chỉ nhăm nhăm kiếm tiền của khách nhưng thực sự, khi quay lại đây năm 2011, tôi cũng đã phải rối rít cảm ơn một bác đạp xích lô ở đây, vì không chỉ lấy giá rất phải chăng chỉ 40.000 đồng cho một vòng thăm thú, mà bác còn trả lại ví tiền cùng giấy tờ bên trong cho tôi mà không hề đòi hỏi cũng không hề "rút lõi" một chút nào... Nhiều người phê bình về chất lượng phục vụ ở đây nhưng chính anh chị tôi, trong năm 2011 khi đi chơi ở đây, chiếc váy cưới mang theo trong lúc chụp ảnh bị dính đầy bùn, cát. Khi đi về khách sạn, nhờ nhân viên giặt giúp anh, chị tôi đã thực sự choáng khi họ chỉ lấy đúng 20.000 đồng, mức giá này còn rẻ hơn rất nhiều so với ở Hà Nội. Anh tôi sau đó cũng đã phải thốt lên: "Không phải tất cả những người làm dịch vụ ở Sầm Sơn, Thanh Hóa này đều như nhau cả mà vẫn còn nhiều người tốt và làm ăn có uy tín lắm..."

Bãi biển Sầm Sơn (Ảnh: Internet)
Bãi biển Sầm Sơn (Ảnh: Internet)

Nhiều người những năm trước đây thường phàn nàn về nạn "chặt chém" ở các dịch vụ ăn uống ở các ki-ốt gần bãi biển Sầm Sơn nhưng có một thực tế như báo chí đã từng phản ánh, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng là do các chủ ki - ốt đã phải trả mức phí đấu giá quá cao.  Tôi còn nhớ, cho biết trên một tờ báo vào dịp mùa du lịch năm 2011, một chủ ki-ốt ở bãi B (giấu tên) cho biết, ông đã phải đấu thầu ki- ốt với giá 230 triệu đồng/3 năm, đóng một lần. Đây được coi như khoản tiền xây dựng ki-ốt. Ngoài ra mỗi một mùa, ki-ốt này còn phải đóng thêm 35 triệu đồng tiền vệ sinh, an ninh trật tự; 5 triệu đồng phí quản lý; 15 triệu đồng phí bến bãi; 74 triệu đồng tiền thuế; 3 triệu đồng tiền hỗ trợ... khai trương hè. Tổng cộng các khoản trên lên tới 132 triệu đồng/mùa. Với giá thuê đắt đỏ như vậy trong khi mùa du lịch ở Sầm Sơn chỉ tập trung trong khoảng 50 ngày khiến nhu cầu "hoàn vốn" trở thành vấn đề nóng bỏng đối với các chủ ki-ốt. Và có lẽ, ngoài việc tâm lý “mài dao chặt chém” đã thành thói quen của một số người ở Sầm Sơn thì việc địa phương thu các khoản thuế, phí quá cao cũng là một nguyên nhân khiến du khách phải chịu đựng giá cả đắt đỏ. Một thực tế, dù là khu du lịch với bãi biển đẹp nhưng sau những cuộc trò chuyện với một vài chủ các   ki-ốt bán hàng, những người bán dạo, đi xe ôm, xích lô đến thậm chí một vài chủ nhà hàng lớn ở đây vào những năm 2008, tôi nhận thấy đa phần họ đều là những dân đi biển, làng chài, không được đào tạo dù là đào tạo cơ bản... Trình độ nghiệp vụ làm du lịch có hạn chế lại thêm một đặc điểm như một nhà văn đã nhận định là cái mặt trái của căn tính nông dân, cùng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng khi đó cũng có lẽ đã khiến cho tình trạng làm ăn "chụp giật" vẫn còn cơ hoành hành. Tuy nhiên, Sầm Sơn trong năm 2011 và gần đây nhất, khi tôi quay trở lại cách đây gần một tháng đã có những thay đổi tích cực hơn, dù rằng vẫn còn những "con sâu bỏ rầu nồi canh".  Địa phương đã bắt đầu tổ chức quản lý quy củ hơn. Một điều mà tôi thấy rõ nhất là thay đổi trên bãi biển, khi mà đã có lực lượng thu gom rác thường xuyên, có cứu hộ. Một số dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, xe cộ giá cả chấp nhận được và không còn cảnh chặt chém. Đặc biệt, tôi thấy một điểm rất đáng chú ý mà nhiều nơi chưa có, đó là hệ thống truyền thanh địa phương liên tục đọc các mức giá về phòng nghỉ, ăn uống, các sản phẩm, dịch vụ bán tại Sầm Sơn. Điều này đã giúp cho du khách biết và cũng hạn chế được tình trạng chặt chém.  Như chính ông Vũ Đình Quế, Chủ tịch UBND TX Sầm Sơn khi trả lời báo chí về mùa du lịch 2012 đã nói, với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị văn minh, kỷ cương, thân thiện, đổi mới việc quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch , Sầm Sơn tập trung khắc phục những yếu kém trong mùa du lịch 2011. Để phục vụ tốt cho mùa du lịch Sầm Sơn 2012, thị xã đã chú trọng và lên phương án quản lí các dịch vụ du lịch trên địa bàn; xử lý bán hàng rong trên khuôn viên bãi biển, núi Trường Lệ; quản lý xe đẩy, dịch vụ xe đạp đôi, xích lô trẻ em; sắp xếp dịch vụ thương mại; quản lý vận chuyển hành khách bằng xe xích lô; tổ chức giao thông tuyến đường Hồ Xuân Hương. “Tại 3 phường nội thị gồm Bắc Sơn, Trường Sơn, Trung Sơn, chúng tôi đã tăng cường các đội quản lý an ninh trật tự ở bãi tắm, cương quyết không để diễn ra tình trạng ăn xin, bói toán, bán hàng rong”, ông Quế nhấn mạnh. Như tôi đã nói ở trên, tôi không có ý bênh Sầm Sơn, Thanh Hóa nhưng thực tế như những gì đã thấy, được chứng kiến thì cá nhân tôi cho rằng, chúng ta nên có những cái nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn. Hay nói cách khác, tôi thấy rằng, không phải tất cả mọi thứ ở Sầm Sơn này đều xấu cả...*/ Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Nguyễn Anh Quân