Khủng hoảng nhà họ Lý và vấn đề đặt ra cho nền quản trị Singapore

20/06/2017 19:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây không chỉ là câu chuyện của nội bộ một gia đình, và nó cũng không phải xảy ra trong một sớm, một chiều, mà là cái “quả” tất yếu mà cái “nhân” đã được gieo.

7 giờ 30 phút tối qua 19/6 giờ Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trên truyền hình về những tranh cãi giữa 3 anh em ông, xung quanh cách xử lý ngôi nhà tại số 38 đường Oxley mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại.

Ông xin lỗi người dân Singapore, vì những tranh cãi giữa 3 anh em trong tuần qua đã làm tổn hại danh dự quốc gia và niềm tin của người dân với Chính phủ quốc đảo Sư tử.

Là con trai trưởng nhà họ Lý, để xảy ra tranh cãi không ngừng giữa 3 anh em khiến ông rất đau lòng. [1]

"Trận động đất" từ nhà họ Lý

Trước hôm thứ Tư 14/6, không có bất kỳ dấu hiệu nào từ gia đình họ Lý cho thấy "một trận động đất có thể sẽ phun trào". 

2 giờ sáng 14/6, trong khi hầu hết dân chúng quốc đảo Sư tử còn đang ngủ say, hai người em ruột của Thủ tướng Lý Hiển Long ra một tuyên bố 6 trang với tựa đề: "Điều gì đã xảy ra với di sản của Lý Quang Diệu?" [2]

Bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương, hai người em Thủ tướng Lý Hiển Long đã đăng tài liệu này lên tài khoản mạng xã hội Facebook của họ với tuyên bố:

2 chị em không còn tin tưởng vào anh cả, cũng như với vai trò Thủ tướng của ông Lý Hiển Long.

Bà Linh và ông Dương cáo buộc anh trai mình lạm dụng vị trí, ảnh hưởng đối với Chính phủ Singapore và các cơ quan công quyền, để thực hiện ý đồ chính trị riêng.

Hai người này nói rằng, họ có cảm giác bị đe dọa bởi việc lạm dụng quyền lực của anh trai.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: Reuters.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: Reuters.

Trung tâm của tranh cãi là cách thức xử lý ngôi nhà tại số 38 đường Oxley mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại.

Phiên bản cuối cùng của di chúc cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói rằng, ông muốn phá bỏ ngôi nhà này sau khi qua đời.

2 người em Thủ tướng Lý Hiển Long cáo buộc anh trai ngăn cản việc thực hiện di nguyện của cha, khi Chính phủ Singapore muốn giữ lại ngôi nhà này như một di tích lịch sử về người lập quốc.

"Trận động đất" nổ ra khi ông Lý Hiển Long và gia đình đang đi nghỉ ở nước ngoài, ông dự định khi về nước sẽ xử lý. 

Tuy nhiên ngay hôm sau, 15/5 ông Long thông qua luật sư của mình đã công bố một bản tóm tắt những nội dung trong tờ tường trình của mình trước một Ủy ban các Bộ trưởng được thành lập, để xác minh về ý định của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu với căn nhà số 38 Oxley. [3]

Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 19/6, ông Lý Hiển Dương nói rằng:

"Chúng tôi lên tiếng với cái giá cá nhân phải trả rất lớn, bởi vì chúng tôi đặc biệt lo cho đất nước Singapore mà cha chúng tôi đã dày công xây dựng.".

Ông Dương khiến dư luận Singapore "sốc" khi nói rằng, có thể ông phải ra nước ngoài sinh sống để tránh sự "quấy rối" từ cơ quan nhà nước:

"Chúng tôi tin rằng mình đã bị theo dõi. Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ đã làm cho chúng tôi cảm thấy không an toàn.

Một vài trong số các cuộc tấn công mà chúng tôi đã phải một mình đối mặt bây giờ đã được công khai: tố cáo sai sự thật, ám sát, toàn bộ hệ thống báo chí Singapore chống lại chúng tôi.

Chúng tôi đã phải mất nhiều thời gian để bảo vệ mình khỏi bộ máy của Chính phủ kể từ khi ông Lý Quang Diệu qua đời.".

Tuy nhiên ông Lý Hiển Dương không cung cấp thêm chi tiết và bằng chứng về sự "quấy rối" này. Thông tin ông Dương nói với South China Morning Post không thể kiểm chứng.

Mâu thuẫn về di nguyện của người cha

Theo nhà báo Bhavan Jaipragas, South Chian Morning Post ngày 19/6, sinh thời ông Lý Quang Diệu từng nhiều lần nói rằng:

Ông muốn sau khi mình qua đời, ngôi nhà số 38 Oxley được phá hủy, để tránh xảy ra tệ nạn sùng bái cá nhân trên đất nước này.

Lần cuối 3 anh em họ Lý xuất hiện công khai cùng nhau là trong đám tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: AP.
Lần cuối 3 anh em họ Lý xuất hiện công khai cùng nhau là trong đám tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: AP.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng nói điều này với Nội các Singapore.

Trong suốt cuộc đời mình, nơi duy nhất Lý Quang Diệu đồng ý được mang tên ông là một tổ chức giáo dục: Trường Chính sách công Lý Quang Diệu.

Điều này còn xuất phát từ thực tế, đó là ông đã nhìn thấy những ngôi nhà xung quanh số 38 Oxley đang hư hỏng theo thời gian.

Vợ chồng ông thông cảm với láng giềng nên phải phá ngôi nhà này, bởi chừng nào nó còn, thì những nhà lân cận không được xây cao hơn để đảm bảo an ninh.

Nguyện vọng này được Lý Quang Diệu thể hiện trong bản di chúc đầu tiên và trong bản cuối cùng. 

Tuy nhiên Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng, sau khi các đồng nghiệp trong Nội các giải thích quan điểm của họ, Lý Quang Diệu đã đổi ý, bỏ nội dung phá dỡ ngôi nhà số 38 Oxley (khỏi di chúc). [4]

South China Morning Post cho rằng, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã từng nói, làm con, ông cũng muốn tuân theo di nguyện của cha, nhưng ông buộc phải để Chính phủ quyết định về số phận ngôi nhà, vì đó là lợi ích công.

Lập trường của ông về ngôi nhà số 38 Oxley là, Chính phủ phải đi xa hơn bản di chúc cuối cùng của cha mình để xác định ý định của ông về số phận ngôi nhà, sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời. [5]

Theo The Straits Times ngày 17/6, năm ngoái cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống đã giải thích cho ông Lý Hiển Dương về việc xử lý ngôi nhà số 38 đường Oxley.

Việc này đã được giao cho một Ủy ban các Bộ trưởng nghiên cứu các phương án.

Tuy nhiên ông Dương vẫn không hài lòng vì ngôi nhà này chậm được phá dỡ theo di nguyện của cha mình.

Phó Thủ tướng Trương Chí Hiền đã nói chuyện với cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống về một số phương án xử lý ngôi nhà này. Ông Ngô Tác Đống cho hay:

Khủng hoảng nhà họ Lý và vấn đề đặt ra cho nền quản trị Singapore ảnh 3

Châu Á có các "liên minh mới" chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông?

"Tôi khuyên ông ấy phải tôn trọng nguyện vọng của Lý Quang Diệu, nhưng đồng ý với ông rằng:

Sẽ là thiếu tôn trọng một di sản của chúng ta nếu chỉ phá hủy ngôi nhà rồi xây lên một trung tâm thương mại hay nhà riêng.

Tôi ủng hộ sự thận trọng, trong đó Chính phủ xử lý vấn đề này với mối liên hệ đến lợi ích công.

Ông ấy (Trương Chí Hiền) đã đúng khi tránh một sự lựa chọn nhị phân, hoặc giữ lại hoặc là phá hủy.".  [6]

Phó Thủ tướng Trương Chí Hiền tuyên bố, Ủy ban đang nghiên cứu nhiều lựa chọn "trung gian" khác nhau, chẳng hạn như phá dỡ ngôi nhà nhưng vẫn giữ lại phòng ăn tầng hầm, nơi có nhiều cuộc họp lịch sử quan trọng từng diễn ra, với một trung tâm di sản phù hợp kèm theo.

Cựu Thủ tướng Singapore Ngô Tác Đống viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm thứ Bảy 17/6:

"Không đáng để xé nát tình cảm gia đình đã được vun đắp suốt cuộc đời chỉ vì những khác biệt này, nhưng vấn đề thực sự nghiêm trọng.

Đây không phải là di sản gia đình mà cha họ muốn để lại. 

Người dân Singapore hãy thúc giục họ đóng cửa bảo nhau, hoặc giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán một cách kín đáo.". [6]

Bóng dáng mâu thuẫn chị em dâu?

Theo South China Morning Post ngày 19/6, mặc dù nhìn bề ngoài thì đây là những tranh cãi giữa 3 anh chị em ruột, 3 người con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, nhưng dường như đằng sau còn có bóng dáng của 2 chị em dâu.

Những cáo buộc từ bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương đều xem chị dâu cả, bà Hà Tinh là "cùng âm mưu" với anh trai mình.

Ngược lại, những lập luận phản bác của ông Lý Hiển Long tập trung vào người em dâu, bà Lâm Học Phần.

6 trong số 9 câu hỏi ông đặt ra trong bản kê khai với Ủy ban các Bộ trưởng được thành lập để xử lý ngôi nhà số 38 Oxley, đều liên quan đến bà Lâm Học Phần.

Lúc ông Lý Quang Diệu còn sống, hai nàng dâu này tuy không thân thiết, nhưng cũng không phải kẻ thù của nhau, một nguồn tin quen cả hai người nói với South China Morning Post.

Cả hai bà, Hà Tinh và Lâm Học Phần đều là những phụ nữ năng động, mạnh mẽ và được biết đến ở đỉnh cao sự nghiệp cá nhân họ.

Bà Hà Tinh là Giám đốc điều hành của công ty quốc doanh Temasek Holdings. Còn bà Lâm Học Phần là một luật sư, sáng lập công ty luật Stamford.

Hai người em chồng năm ngoái từng chỉ trích chị dâu cả Hà Tinh thậm chí còn nặng lời hơn cả những tranh cãi hiện nay.

Họ nói rằng:

"Singapore không xem vợ Thủ tướng là Đệ nhất phu nhân.".

Họ lấy ví dụ chính người mẹ của mình, chỉ đóng vai trò là vợ của Thủ tướng giai đoạn 1959-1990:

Khủng hoảng nhà họ Lý và vấn đề đặt ra cho nền quản trị Singapore ảnh 4

"Biển Đông tắc, Singapore chết"

"Bà sống kín đáo và sống đời sống thanh cao trong nghĩa vụ của một người vợ đối với người chồng là Thủ tướng.

Bà không bao giờ chỉ đạo thư ký của chồng hay các quan chức cấp cao.

Sự tương phản giữa bà và Hà Tinh là một trời một vực.

Trong khi Hà Tinh không có chức vụ nào được bầu chính thức hay một ghế trong Chính phủ, nhưng ảnh hưởng của bà ấy là rất phổ biến, vượt ra ngoài phạm vi công việc của bà ấy.". [4]

Năm nay, hai chị em Lý Vỹ Linh, Lý Hiển Dương lại cáo buộc anh cả và chị dâu muốn giữ lại ngôi nhà 38 Oxley làm “vốn liếng chính trị” cho con trai cả, Lý Hồng Nghị.

Người em con chú con bác với Lý Hồng Nghị, Lý Thằng Vũ - con trai cả của Lý Hiển Dương, hôm thứ Sáu 16/6 cũng tham gia cuộc cãi vã khi nói rằng anh sẽ không bao giờ tham gia chính trị:

"Tôi tin rằng sẽ là điều xấu cho Singapore nếu thế hệ thứ 3 nhà họ Lý tham gia chính trị.

Đất nước này phải lớn hơn một gia đình.".

Lý Thằng Vũ tốt nghiệp Đại học Oxford, lấy bằng Tiến sĩ Đại học Stanford và bây giờ đang là một nhà nghiên cứu kinh tế của Đại học Harvard. [4]

Còn Lý Hồng Nghị sinh năm 1987, tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts và có một thời gian làm việc tại Google trước khi về nước làm việc tại Cơ quan Phát triển truyền thông quốc gia.

Bình luận về những cãi vã trong gia đình, Lý Hồng Nghị chỉ để lại một dòng trạng thái duy nhất trên Facebook tuần qua:

"Tôi không chắc lắm, tôi thực sự không quan tâm đến chính trị.". [4]

Chỉ là chuyện nội bộ trong nhà, anh em bất hòa hay những vấn đề đặt ra cho nền quản trị?
 
Sở dĩ đặt vấn đề như vậy là vì, những tranh cãi giữa 3 người con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu không còn đơn thuần là chuyện nội bộ gia đình.

Chuyện này liên quan trực tiếp đến Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, cũng như cách ứng xử với di sản và tâm nguyện của người lập quốc.

Phát biểu trên truyền hình trước quốc dân Singapore tối qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết:

"Tôi đã từng nghĩ mọi cách để tránh cục diện như ngày hôm nay.

Trong bản di chúc khi cha tôi còn sống, ông chia đều tài sản nhà đất cho 3 đứa con, trong đó căn nhà số 38 đường Oxley ông để lại cho tôi.

Mâu thuẫn giữa 3 anh em họ Lý đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Singapore và truyền thông quốc tế. Ảnh: Reuters / Edgar Su.
Mâu thuẫn giữa 3 anh em họ Lý đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Singapore và truyền thông quốc tế. Ảnh: Reuters / Edgar Su.

Tôi nghĩ rằng điều này có thể khiến hai em mình bất mãn.

Tôi đã thử âm thầm hóa giải những bất mãn này. Tôi đề nghị chuyển quyền sở hữu căn nhà này cho em gái, chỉ yêu cầu cô nộp 1 đô la (Singapore) tượng trưng phí chuyển đổi.

Bất hạnh ở chỗ hai em tôi không đồng ý.

Sau này, tôi đành phải bán lại căn nhà cho em trai út theo giá thị trường, và dùng toàn bộ số tiền này làm từ thiện.

Tôi vốn hy vọng việc này có thể xoa dịu những bất mãn của hai em, chấm dứt mọi tranh chấp.

Vì sau khi chuyển quyền sở hữu, tôi không còn là chủ căn nhà này, và cũng không tham gia vào bất cứ quyết định nào của Chính phủ về căn nhà ấy.

Không ngờ nay hai em tôi công khai chuyện này và đưa ra những cáo buộc rất nghiêm trọng.

Ví dụ, họ chỉ trích tôi lạm dụng chức quyền, gây ảnh hưởng lên Ủy ban các Bộ trưởng xem xét di sản này do Phó Thủ tướng Trương Chí Hiền lãnh đạo. 

Đây không còn là chuyện riêng trong nhà nữa, mà nó đã liên quan đến uy tín của Chính phủ trong việc sử dụng quyền lực Thủ tướng.

Tôi rất muốn gác lại tất cả, chỉ nhìn về phía trước, ngăn chặn những tác động quấy rầy từ các tranh cãi này đến xã hội.

Tuy nhiên, những chỉ trích này là hoàn toàn vô căn cứ.

Chính phủ không thể nhắm mắt làm ngơ. Chúng tôi sẽ xử lý công khai việc này và có phản ứng chính thức.

Ngày 3/7 tới Quốc hội họp, tôi sẽ báo cáo với tư cách Thủ tướng, đồng thời trả lời mọi chất vấn.

Các nghị sĩ xin cứ thoải mái đặt câu hỏi, và cũng nên làm như vậy với trách nhiệm thay mặt cử tri.

Tôi đề nghị các nghị sĩ, kể cả trong và ngoài đảng Nhân dân Hành động, hãy nghiên cứu kỹ những tranh cãi này và đặt câu hỏi thẳng thắn với tôi cùng Nội các.

Tôi hy vọng thông qua tranh biện, chất vấn và trả lời chất vấn công khai một cách triệt để này, có thể xóa tan mọi nghi ngờ từ sự việc này, đồng thời cũng để nhân dân củng cố lòng tin vào chể chế và bộ máy Chính phủ.

Tôi cam kết trước toàn thể nhân dân, tôi tuyệt đối không để chuyện này ảnh hưởng tới cá nhân mình cũng như Nội các trong việc coi trọng các sự vụ trọng yếu của quốc gia, đồng thời phải xử lý tốt các vấn đề quan trọng của đất nước, bao gồm các thách thức về kinh tế và chủ nghĩa khủng bố hiện nay.

Thân là công bộc của dân, chúng tôi xin thề mãi mãi bảo vệ danh dự của Chính phủ này, của thể chế chúng ta, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, công tư rõ ràng.

Chúng tôi quyết tâm sẽ nỗ lực bù đắp những tổn hại mà sự việc này gây ra cho Singapore. Như bấy lâu nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tận lực phục vụ nhân dân và đất nước.". [1] 

Ông Lý Hiển Dương, ảnh: SCMP.
Ông Lý Hiển Dương, ảnh: SCMP.

Còn em trai ông, Lý Hiển Dương phát biểu trên tờ South China Morning Post:

"Nói thẳng ra, quy ước xã hội Singapore dưới thời Lý Quang Diệu là, tự do dân sự có thể bị cắt giảm, nhưng bù lại là Chính phủ của các bạn sẽ tôn trọng các nguyên tắc luật pháp và hoàn toàn không ai được phép chỉ trích.".

Ông Dương nói rằng, quy ước xã hội này bây giờ đã bị phá vỡ và cáo buộc anh cả của mình đã không ngại sử dụng sức mạnh công quyền để đạt được mục đích cá nhân.

Lý Hiển Dương cho rằng, việc một Ủy ban các Bộ trưởng được thành lập để xem xét phương án xử lý ngôi nhà số 38 Oxley là ví dụ chứng minh điều ông cáo buộc:

"Khi một Thủ tướng sử dụng Chính phủ để nắm bắt những gì ông ấy muốn, điều này không còn là câu chuyện nội bộ gia đình nữa.

Chúng tôi (Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương) không được gì khi ngôi nhà số 38 Oxley bị phá ngoài việc chúng tôi đã thực hiện được ước nguyện cuối cùng của cha mình.

Chúng tôi được gì khi công bố chuyện này, hay là nó chỉ khiến chúng tôi phải rời khỏi quê hương mình để tị nạn chính trị?

Không một lợi ích cá nhân nào có thể "lại" được điều đó.". [5] 

Anh em nên lấy chữ “hòa” làm trọng

Cá nhân người viết cho rằng, anh em Thủ tướng Lý Hiển Long nên lấy chữ “hòa” làm trọng, như những gì cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống đã khuyên.

Đây không chỉ là câu chuyện của nội bộ một gia đình, và nó cũng không phải xảy ra trong một sớm, một chiều, mà là cái “quả” tất yếu mà cái “nhân” đã được gieo trồng, tưới tẩm từ lâu.

Phát biểu của con trai út cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trên South China Morning Post đã gợi lên nhiều suy nghĩ về tương lai của quốc đảo Sư tử:

"Nói thẳng ra, quy ước xã hội Singapore dưới thời Lý Quang Diệu là, tự do dân sự có thể bị cắt giảm, nhưng bù lại là Chính phủ của các bạn sẽ tôn trọng các nguyên tắc luật pháp và hoàn toàn không ai được phép chỉ trích.".

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người khai sơn phá thạch, thành lập Cộng hòa Singapore trong điều kiện vô vàn khó khăn và thách thức.

Cũng chính ông đã biến quốc đảo bé nhỏ từ một vùng thuộc địa không tài nguyên, mâu thuẫn xã hội phức tạp, thành một cường quốc về kinh tế, thương mại và các dịch vụ pháp lý được cả thế giới nể trọng.

Quá trình gian nan ấy, ông đã phải lựa chọn những giải pháp cứng rắn để đất nước "trật tự và phát triển", từ đó mới có được ngày hôm nay, cho dù có thể điều đó khiến cho một nhóm người không thoải mái, trong đó có con trai út của mình.

Vì vậy, câu chuyện xử lý ngôi nhà số 38 Oxley có lẽ cũng chính là cơ hội để Thủ tướng Lý Hiển Long và cộng sự đánh giá lại tầm nhìn, chính sách và hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho quốc gia mình trong tình hình mới.

Đặc biệt là với bối cảnh hiện nay, Singapore đang trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng từ 2 siêu cường Trung - Mỹ.

Khủng hoảng nhà họ Lý và vấn đề đặt ra cho nền quản trị Singapore ảnh 7

Khi lãnh tụ thuộc về nhân dân

Áp lực từ Bắc Kinh lên quốc đảo Sư tử rất lớn, khi Thủ tướng Lý Hiển Long công khai bảo vệ luật pháp và trật tự khu vực dựa trên luật pháp, đặc biệt là Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông 12/7/2016.

Khi gia đình họ Lý xảy chuyện, Thời báo Hoàn Cầu cũng đã lập tức có một bài xã luận ngày 15/6: “Lý gia nội loạn, hay mâu thuẫn Singapore vỡ lở?” [7]

Tờ báo vẫn giữ lời ngợi ca người cha lập quốc là bậc hùng tài đại lược, có tầm nhìn xa, để rồi công kích người con, vị Thủ tướng đương nhiệm.

South China Morning Post hôm 15/6 cũng ghi nhận, những người theo đuổi chủ nghĩa dân túy Trung Quốc đã có dịp hả hê trước những rạn nứt, tranh cãi trong "gia đình số 1 Singapore".

Facebook bị cấm tại Trung Quốc. Nhưng chuyện nội bộ nhà họ Lý vẫn được Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã, Nhân Dân nhật báo đưa tin.

Nhiều bình luận hả hê với chuyện này, đi kèm những chỉ trích Thủ tướng Lý Hiển Long "chống Trung Quốc" đã xuất hiện sau các bài báo. [8]

Về đối nội, chính Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thừa nhận rằng, thách thức quốc đảo Sư tử đang đối mặt chính là suy giảm kinh tế và chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Lúc này có lẽ cố kết lòng người, anh em hòa thuận, quan tâm đến những cộng đồng khó khăn, bất hạnh trong một xã hội năng động nhưng cũng đầy áp lực có lẽ nên là một ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách Singapore.

Chỉ có như vậy mới hóa giải được tận gốc những mầm mống loạn động, cực đoan. Các giải pháp mang tính cưỡng bách chỉ nên sử dụng trong một số tình thế đặng chẳng đừng.

Cá nhân người viết rất ngưỡng mộ tầm nhìn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, đặc biệt là việc chống sùng bái cá nhân và lo cho dân chúng, ngay từ những gia đình hàng xóm láng giềng trở đi.

Thiết nghĩ ngoài những gì đã làm cho Singapore, thì chính ý nguyện này của ông mới thực sự là di sản Lý Quang Diệu để lại cho đất nước. 

Singapore chỉ có thể phát triển, phồn vinh nếu thích nghi được với những thay đổi của thời cuộc, đặc biệt là bối cảnh địa chính trị - địa chiến lược hiện nay.

Chúng tôi cũng rất tâm đắc và khâm phục Thủ tướng Lý Hiển Long trong việc chèo lái đất nước Singapore nói riêng, và thường xuyên góp tiếng nói thượng tôn và bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông nói chung.

Viết bài này chúng tôi không có mong muốn nào hơn là được nhìn thấy một đất nước Singapore văn minh tiếp tục ổn định và phát triển, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, công lý và phồn vinh trong khu vực.

Chúng tôi vẫn nghĩ, nhà nào cũng có thùng rác cả. Quan trọng là mọi thành viên cùng có ý thức giữ gìn vệ sinh thì sẽ không có mùi hôi. Có thùng rác là bình thường, không có thùng rác mới bất thường.

Cũng như vậy, chuyện va chạm, bất đồng quan điểm trong một gia đình, rộng hơn là một cộng đồng, quốc gia, dân tộc là điều bình thường, bởi chính sự mâu thuẫn và cọ sát ấy mới là động lực cho phát triển.

Vấn đề chính nằm ở chỗ chúng ta nhìn nhận và ứng xử với sự khác biệt, mâu thuẫn, bất đồng ấy như thế nào để nó luôn là động lực, thay vì trở lực mà thôi.

Chuyện ồn ào của "gia đình số 1 Singapore" hay những tranh cãi xung quanh việc tân Tổng thống Hoa Kỳ sử dụng con rể làm cố vấn thiết nghĩ là những dịp để các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hoàn thiện cơ chế, bộ máy vận hành trơn tru, đưa đất nước phát triển trước những thách thức mới của thời cuộc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.zaobao.com.sg/realtime/singapore/story20170619-772508

[2]https://drive.google.com/file/d/0ByodqaSLlpPIWHdRdFE2QlZYbzg/view

[3]http://www.straitstimes.com/singapore/pm-lee-hsien-loong-releases-summary-of-his-statutory-declarations-to-ministerial-committee

[4]http://www.scmp.com/week-asia/politics/article/2098753/sons-mothers-money-and-memory-theories-about-lee-kuan-yew-family

[5]http://www.scmp.com/week-asia/article/2098907/lee-family-feud-comes-great-personal-cost-needed-due-broken-social-compact

[6]http://www.straitstimes.com/singapore/lee-hsien-yang-unhappy-over-delay-and-uncertainty-in-demolishing-oxley-road-house-goh-chok

[7]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-06/10847325.html

[8]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2098479/chinese-nationalists-gloat-over-singapore-first-family

Hồng Thủy