Khủng hoảng Venezuela đã đi vào hồi kết

17/05/2016 15:23
Ngọc Việt
(GDVN) - Ông Maduro kết thúc khủng hoảng càng êm thấm thì uy tín của ông càng cao và cơ hội phục hồi vị thế càng lớn.

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela đã đến hồi kết, chứ không còn là đỉnh điểm nữa. Tất cả những cung bậc của một cuộc khủng hoảng chính trị, tất cả những hệ luỵ của một cuộc khủng hoảng kinh tế, tất cả những hậu quả của một cuộc khủng hoảng xã hội đã hiện diện tại đất nước Nam Mỹ này.

Tiếp sau hàng loạt những biện pháp như cắt cắt giảm ngày làm việc/tuần của công chức nhà nước, cắt điện luân phiên trên cả nước, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ban bố tình trạng khẩn cấp 60 ngày do thực trạng mà ông cáo buộc là âm mưu của Mỹ và các đảng phái đối lập trong nước cố ý muốn lật đổ ông, Reuters ngày 16/5 tường thuật.

Venezuela đang trong tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ. Đó là thực tế đang diễn ra trên đất nước của những hoa hậu thế giới xinh đẹp này. Mâu thuẫn giữa một bên “quyền không lực” – Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro với một bên “lực không quyền” – phe đối lập kiểm soát Quốc hội, đã đưa người dân và đất nước này vào thảm hoạ.

Dù ông Maduro lên nắm quyền hợp pháp thông qua cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân, nhưng ông đã không thể hiện được vai trò của mình và để đất nước rơi vào khủng hoảng.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, ảnh: Reuters.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, ảnh: Reuters.

Dù Maduro và đồng minh cho rằng, kết quả tồi tệ hiện nay tại Venezuela là do Hoa Kỳ câu kết với lực lượng đối lập bên trong nhằm phá hoại và lật đổ chính quyền của ông, thì cũng không thể phủ nhận rằng Tổng thống Maduro chưa đủ tầm lãnh đạo đất nước.

Khi cuộc khủng hoảng chính trị tại một đất nước đã đi vào vào giai đoạn kết, theo quy luật lịch sử thì quyền lực phải được trao lại cho nhân dân để họ viết tiếp lịch sử dân tộc mình không phải những trang sử bi thương bởi xung đột xã hội hay bạo loạn, đổ máu. 

Chính quyền Venezuela không đảm bảo và không bảo vệ được lợi ích cho nhân dân

Nguyên lý bất di bất dịch trong quan hệ chính quyền – nhân dân luôn là sự cân bằng của mệnh đề: quyền lực nhân dân = lợi ích nhân dân. Nhân dân Venezuela đã “ứng trước vốn” của mình là quyền lực và chờ nhận lợi ích ích của chính quyền mang lại.

Do đó hầu hết những nhà lý luận chính trị đều khẳng định chính quyền luôn nợ nhân dân là như vậy. Khi chính quyền của Tổng thống Maduro không thể trả nợ cho nhân dân Venezuela – nghĩa là không thể đảm bảo lợi ích cho nhân dân thì lực lượng cầm quyền phải trả lại quyền lực cho nhân dân.

Đó là điều hết sức bình thường trong quá trình phát triển xã hội nói chung, Venezuela nói riêng. Từ đó hình thành nên cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân để đảm bảo việc nhân dân trao gửi và nhận lại quyền lực của mình một cách minh bạch và thông suốt.

Và cũng từ đó mới có các khái niệm tham quyền cố vị hay tham vọng quyền lực dành cho những cá nhân hay phe nhóm không tuân thủ cớ chế uỷ nhiệm quyền lực.

Có thể thấy rằng, dù có thể gây nhiều sức ép nhưng những lực lượng đối lập với chính quyền Tổng thống Maduro chưa thể ngăn chặn các biện pháp, chính sách hay kế hoạch của chính phủ trong quản lý xã hội.

Phe đối lập chưa thể vô hiệu hoá bất kỳ chính sách nào của chính phủ Maduro được ban hành nhằm lo cho cuộc sống của người dân Venezuela, thậm chí họ còn thực hiện trách nhiệm và tuân thủ nghĩa vụ của mình.

Vì vậy, cuộc sống của người Venezuela ngày càng khó khăn, đất nước ngày càng khủng hoảng là do chính sách của chính quyền Tổng thống Maduro nghịch lý và phi lý.

Khủng hoảng Venezuela đã đi vào hồi kết ảnh 2

Tổng thống Brazil bị truất quyền làm sao phá thế "ngồi chơi xơi nước"?

(GDVN) - Tuân thủ luật pháp luôn là phẩm chất đầu tiên nhất của người lãnh đạo mà tất cả mọi người dân đều cần tới. Và đó chính là cơ sở đầu tiên cho người lãnh đạo...

Hiện nay ông Maduro và các cộng sự đang trông chờ vào điều gì để khôi phục tình hình đất nước? Quyền năng vẫn trong tay nhưng không thể sử dụng, mà thực ra là không biết sử dụng nó như thế nào. Vậy thì người dân Venezuela lấy cơ sở nào để khẳng định quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo và bảo vệ?

Không ai có thể tìm ra cơ sở hợp lý cho sự chời đợi của người dân vào chính quyền Tổng thống Maduro hiện nay.

Như người viết đã từng phân tích, chính sách, kế hoạch của Nội các Tổng thống Maduro phát triển đất nước Venezuela dập dờn qua những cơn mưa, nghĩa là nhờ “Giời”. Những chính sách ấy hết sức mơ hồ, không thực tế. Biến đổi khí hậu luôn là thất thường, vậy mà chính quyền bắt người dân chờ đợi vào sự thất thường ấy.

Đồng minh và đối tác của Venezuela có thể giúp được gì cho chính quyền Maduro trong lúc nước sôi lửa bỏng này? Có thể thấy rằng những người bạn của Venezuela hoặc là cũng khó khăn không kém, hoặc không thấy lợi ích trong quy luật “ông mất của kia bà chìa của nọ”.

Dầu thô là thứ quan trọng nhất mà Venezuela có thể “chìa ra” thì lúc này không còn hiệu nghiệm.

Thái độ của Trung Quốc – người bạn lớn nhất ở đông bán cầu và cũng là đồng minh duy nhất có thể giúp Venezuela, đã chứng minh dầu thô không còn là cái để Trung Quốc đánh đổi cho việc “mất của kia” nữa.

“Chúng tôi hy vọng Venezuela có thể giải quyết tốt tình hình nội bộ hiện nay của họ và giữ vững sự ổn định, phát triển của đất nước”, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho biết như vậy, theo Reuters ngày 16/5.

Như vậy, có thể thấy rằng Venezuela không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, ngoài yếu tố Trời giúp. Đó là một sự hài hước và cuộc sống của người dân Venezuela không thể trông chờ ở sự hài hước ấy, bởi vậy việc ông Maduro sẽ phải trả lại quyền lực cho nhân dân Venezuela là điều tất yếu.

Chính quyền Tổng thống Maduro đã có hành động chống lại nhân dân Venezuela

Nhằm đối phó với khả năng bị lật đổ, Tổng thống Maduro đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong vòng 60 ngày và huy động quân đội tập trận, sẵn sàng cho tình huống bất trắc xảy ra.

Cá nhân người viết cho rằng, đây là một hành động nguy hiểm của cá nhân Tổng thống Maduro và chính phủ của ông bởi thực ra quyết định đó đang chống lại nhân dân Venezuela.

Tình trạng khủng hoảng của Venezuela đã xảy ra từ khá lâu bởi chính khả năng điều hành đất nước của ông Maduro và bộ máy. Trên cương vị đứng đầu đất nước, ông không thể đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân nước mình.

Vị thế của Maduro được khẳng định lại một cách rõ ràng qua chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi cuối năm 2015 tại Venezuela.

“Lực lượng đối lập ở Venezuela đã giành quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 12/2015 trong bối cảnh cử tri tức giận vì sự khan hiếm hàng hóa, lạm phát tăng cao, trộm cắp hoành hành...

Gần 70% người dân Venezuela qua một cuộc thăm dò gần đây, muốn Tổng thống Maduro ra đi trong năm nay”, theo Reuters.

Khủng hoảng Venezuela đã đi vào hồi kết ảnh 3

Có quyền nhưng bất lực

(GDVN) - Một lãnh đạo khi có quyền nhưng bất lực thì mọi cố gắng cũng chỉ như bèo bọt.

Người dân Venezuela đã chọn phe đối lập đại diện cho họ tại cơ quan quyền lực nhân dân cao nhất – cơ quan lập pháp. Tính thế của chính phủ ông Maduro càng ngặt nghèo thêm bởi những khó khăn của người dân đất nước này ngày càng gia tăng theo những chính sách quản lý, điều hành của chính phủ.

Có thể số lượng gần 2 triệu chữ ký của phe đối lập gửi lên Uỷ ban Bầu cử Venezuela nhằm thúc đẩy cuộc chiến gạt bỏ quyền lực của Tổng thống Maduro là chưa chính xác, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng người dân Venezuela đang quá thất vọng với chính phủ.

Và việc chính quyền Maduro tìm cách ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý đã cho thấy họ nhìn ra điều ấy.

Có thể thấy rằng số lượng người dân Venezuela đứng về phía đối lập ngày càng tăng. Vì vậy hành động của Tổng thống Maduro nhằm chống lại phe đối lập thực chất là chống lại người dân Venezuela. Lúc này ai kéo đổ được chính quyền của Tổng thống Maduro nếu không phải là nhân dân Venezuela?

Do đó, tất cả các biện pháp nhằm sử dụng sức mạnh nhà nước chống lại phe đối lập với Tổng thống Maduro lúc này thực ra đều nhằm vào người dân Venezuela. Và không loại trừ sẽ đến lúc cả nước Venezuela chống lại ông Maduro.

Tình hình khủng hoảng tại Venezuela đã đến hồi kết khi cơ sở tồn tại cho chính quyền Maduro không còn nữa. Tất cả các biện pháp mà chính quyền Maduro áp dụng lúc này khó có thể cứu vãn tình hình.

Vấn đề còn lại là kết thúc khủng hoảng như thế nào, nhanh hay chậm, cực đoan hay ôn hoà, hỗn loạn hay trật tự là phụ thuộc vào quyết định của chính quyền Tổng thống Maduro.

Nếu thuận chiều lịch sử, thuận theo quy luật thì sự nghiệp chính trị của ông Maduro chỉ là sang một trang mới, ông vẫn có thể viết tiếp với vị thế và vai trò của người đại diện quyền lực nhân dân, nếu ông chứng minh đủ tâm, đủ tầm và đủ uy tín.

Ông Maduro kết thúc khủng hoảng càng êm thấm thì uy tín của ông càng cao và cơ hội phục hồi vị thế càng lớn.

Ngược lại, ông Maduro chọn biện pháp mạnh để quyết tâm bảo vệ cái ghế Tổng thống thì rất có thể ông phải trả giá, hoặc ít nhất là mất đi cơ hội được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa như ông mong ước. Người viết cho rằng, nhân dân Venezuela đang chờ đợi và không muốn ông Maduro trả giá nếu ông thật sự không muốn điều ấy.

Hướng đi nào cho Tổng thống Maduro?

Theo cá nhân người viết, ông Maduro nên chủ động trong việc kết thúc khủng hoảng. Bởi ông chấp nhận bất cứ yêu cầu nào từ nhân dân Venezuela lúc này đều là thực hiện những kịch bản cho sự nghiệp và cuộc đời ông, vốn đang trong tình thế bình an thì ít và hiểm nguy rình rập thì nhiều.

Ông Maduro nên tuân thủ cơ chế thực thi pháp luật trong việc gửi trao quyền lực nhân dân.

Maduro có thể thua keo này nhưng còn hy vọng thắng ở keo khác và ông nên chủ động trong việc bày keo khác cho mình. Người viết đã từng phân tích hành động “lùi một bước để tiền hai bước’ của Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega là một bài học quý giá và là một sự khích lệ cho Tổng thống Maduro trong việc thể hiện quyết tâm phụng sự Tổ quốc của mình.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega – tấm gương sáng cho ông Maduro. Ảnh: Dailysignal.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega – tấm gương sáng cho ông Maduro. Ảnh: Dailysignal.

Tất cả những khó khăn không lối thoát trong cuộc sống của người dân Venezuela hiện nay đều là những bất lợi với Tổng thống Maruro và ông phải nhanh chóng thoát khỏi những bất lợi ấy, trước khi nó trở thành mối bất hoà giữa ông và nhân dân Venezuela.

Tổng thống Maduro không nên để xảy ra kịch bản như với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vì đó không phải là sự thức thời.

Bà Rousseff đang phải vừa đối phó với cuộc chiến pháp pháp lý, vừa phải tìm cách giải quyết mối bất hoà với nhân dân nảy sinh trong thời gian bà nắm giữ quyền bính. Bà Rousseff khó có thể chiến thắng trong cuộc chiến này, hoặc nếu có thắng thì cũng phải đánh đổi quá nhiều cả danh dự và sức lực mà có thể ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp của bà.

Tổng thống Maduro đang nằm ở vị thế có thể chủ động chuyển hướng cuộc chiến giành quyền lực chứ không phải chấp nhận ở thế bị tấn công. Ông Maduro có thể kết thúc khủng hoảng và có thể dành toàn bộ tâm trí, sức lực cho cuộc chiến mới mà việc trở lại chính trường của ông có thể còn “lợi hại hơn xưa”.

Ngọc Việt