Kỹ năng mềm và ngoại ngữ là "vũ khí" quan trọng để tìm việc làm ưng ý

22/06/2021 12:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Duy Nam cho rằng, bốn năm học là bốn giai đoạn khác nhau nên sinh viên cần chủ động xây dựng lộ trình hợp lý.

Xây dựng lộ trình học tập hợp lý

Thời gian này là giai đoạn nước rút ôn tập của học sinh cuối cấp trung học phổ thông, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi mang tính bước ngoặt.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngành học và sắp xếp kế hoạch học tập ra sao để đạt được kết quả tốt nhất cho tương lai phía trước cũng trở thành băn khoăn của không ít thí sinh.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt trong thời gian học tập trên giảng đường, Phan Duy Nam, thủ khoa đầu ra Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2020 cho biết: “Em vào trường bằng kết quả của bài thi đánh giá năng lực, không phải qua các môn thi chính thống hay các khối thi thông thường đăng ký.

Tại thời điểm đó, đối với bản thân em chưa có sự xác định nào về ngành học hay định hướng từ trước đó ngoài đam mê và có kết quả học tốt những môn xã hội.

Mặc dù chưa có định hướng thì em vẫn luôn quan niệm rằng, muốn lựa chọn bất cứ hướng đi nào, chọn ngành học nào thì kiến thức nền trung học phổ thông phải tốt và luôn được trau dồi hằng ngày bằng việc tập trung, tiếp thu và hiểu bài giảng nhiều nhất có thể trong khả năng của mình”.

Duy Nam đang làm việc ở bộ phận chào đón và tiếp nhận mọi yêu cầu của khách hàng tại Hootel Perle d’Orient Cat Ba – Mgallery. (Ảnh NVCC)

Duy Nam đang làm việc ở bộ phận chào đón và tiếp nhận mọi yêu cầu của khách hàng tại Hootel Perle d’Orient Cat Ba – Mgallery. (Ảnh NVCC)

Xây dựng nền kiến thức chắc chắn trong việc học tập của mình nên kết quả bài thi đánh giá năng lực của Duy Nam rất tốt. Từ kết quả tốt Nam bắt đầu lựa chọn ngành học, trường học.

Duy Nam thích sự di chuyển, học hỏi và khám phá những thứ mới mẻ nên em lựa chọn ngành Du lịch học. Theo Nam, đó cùng là một ngành học tiềm năng, đáp ứng nhiều nhu cầu của xã hội trong tương lai.

“Em nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía gia đình. Bố mẹ không hề ép buộc hay gò bó em vào một ngành nghề nhất định nào cả và luôn mong muốn con mình có được sự thoải mái nhất về tâm lý trong học tập và tôn trọng lựa chọn của con cái. Em nghĩ đó là một sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình mình.

Thông qua kết quả bài thi đánh giá năng lực thì em là thủ khoa đầu vào của khoa Du lịch học vào thời điểm đó. Em nghĩ, đối với sinh viên, nếu nỗ lực hết mình thì bản thân sẽ có những quyền lợi nhất định, thuận lợi cho việc học tập. Ví dụ như với kết quả thủ khoa đầu vào, em có khả năng ứng tuyển một số học bổng và điều đó thì giúp em rất nhiều về mặt tài chính”, Nam chia sẻ.

Theo Duy Nam, một sinh viên sẽ không chủ động được nhiều về mặt tài chính và còn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Chính vì thế động lực kiếm tài chính trang trải cuộc sống sinh viên, ngoài việc làm thêm thường được phần lớn sinh viên áp dụng thì còn có thể nhận từ các quỹ học bổng. Đây cũng được xem là một động lực lớn để giúp Nam đạt được những mục tiêu đề ra trong học tập.

Duy Nam cho rằng, bốn năm học là bốn giai đoạn khác nhau nên cũng tùy thuộc vào đó mà chúng ta đưa ra các lộ trình hợp lý. Em đã dành nguyên thời gian năm học đầu tiên để tập trung vào việc làm quen, tiếp cận và thích nghi với môi trường đại học.

Từ năm học thứ hai trở đi, em dành thời gian để tập trung học các môn chuyên ngành thật tốt. Cách học đã được tập trung và rèn luyện từ năm thứ nhất, việc triển khai thực hiện chỉ khác nội dung nên từ năm thứ hai trở đi không quá áp lực và khó khăn.

Trau dồi kỹ năng mềm và phản xạ thực tế

Hai năm cuối là thời gian dành riêng cho các môn chuyên ngành. Đặc điểm của ngành Du lịch học mà Nam theo đuổi chủ yếu là ứng dụng và kỹ năng. Chính vì vậy việc tiếp thu, học hỏi và phát huy các loại kỹ năng cơ bản và chuyên sâu được xem là công cụ cực kỳ quan trọng.

Phan Duy Nam cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh NVCC)

Phan Duy Nam cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh NVCC)

Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Những năm học chuyên ngành chương trình sẽ học tính ứng dụng cao hơn nên em tập trung học những kĩ năng mềm như thuyết trình, tự tin để giao tiếp trước đám đông, kỹ năng thể hiện khả năng của mình.

Với những môn chuyên ngành thì sinh viên nên hiểu hơn về thực tế, về những yêu cầu mà các thầy cô mong muốn đạt được từ sinh viên của mình. Lúc đó sẽ dễ dàng tiếp cận môn học và đạt điểm số cao”.

Việc trau dồi kĩ năng mềm theo Duy Nam thực sự rất quan trọng đối với sinh viên và nên có nhiều cách để tiếp thu, lĩnh hội ở các phương tiện và công việc khác nhau. Điển hình các bạn sinh viên thường lựa chọn là đi làm thêm ngoài thời gian tới trường.

“Việc lựa chọn một công việc làm thêm cũng giống như chúng ta lựa chọn một môi trường để hoàn thiện bản thân. Chính vì thế nếu mình thiếu năng lực gì thì nên tìm một công việc có thể bồi đắp năng lực mình còn thiếu. Đó là lý do em chọn Telesale – bán hàng qua điên thoại, là công việc làm thêm đầu tiên của em.

Rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng công việc Telesale là một công việc không mang lại quá nhiều kinh nghiệm cũng như tài chính. Tuy nhiên, đối với một người hướng nội, khả năng giao tiếp với người khác kém thì đây là công việc phù hợp với em tại thời điểm đó.

Sau khi thực hiện công việc, bản thân em cởi mở hơn, có thể giao tiếp rất tốt với nhiều người, thậm chí là những người chưa từng gặp mặt”, Nam tâm sự.

Ngoài ra, việc tham gia vào các chương trình ngoại khóa, các câu lạc bộ trong quá trình học tập được Duy Nam chú trọng. Đó cũng là một trong những công cụ giúp em tạo mối quan hệ và nâng cao hoàn thiện bản thân.

“Từ năm thứ 2 em bắt đầu tham gia vào những công việc có tính chuyên môn của ngành học như tham gia vào các câu lạc bộ của trường. Câu lại bộ du lịch trẻ, câu lạc bộ tiếng anh du lịch… là những nơi em vừa có thể trau dồi kĩ năng giao tiếp, kĩ năng mềm và kĩ năng tiếng anh của mình.

Khi tự tin hơn thì em có nhận một số công việc do các anh chị khóa trên giới thiệu, ví dụ như dẫn đoàn du lịch theo tour và em có dịp làm quen, phát huy được những kỹ năng mình đã tiếp thu và tích lũy từ trước đó”, Nam kể.

Việc được định hướng từ nhà trường bằng cách chú trọng cho sinh viên tập trung vào thực hành ở những môn học chuyên ngành, không quá chú trọng lý thuyết mà quên mất thực lực và đào tạo kiến thức thực tế cho sinh kết hợp với đam mê, học hỏi của bản thân là những gì Duy Nam cảm thấy mình được may mắn và nỗ lực trong những tháng ngày học tập tại trường đại học.

Hiện tại, Duy Nam đang làm việc ở bộ phận chào đón và tiếp nhận mọi yêu cầu của khách hàng tại Hootel Perle d’Orient Cat Ba – Mgallery.

Tuy đang gặp những khó khăn nhất định của ngành dịch vụ khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành nhưng Duy Nam vẫn luôn lạc quan em nói: “Nếu đã là đam mê vào một ngành học và được thực hiện đam mê đó ngay sau khi kết thúc việc học tại trường thì đó là một lựa chọn hạnh phúc.

Dịch Covid-19 sẽ sớm qua, tin rằng mọi thứ sẽ được phục hồi trở lại và ngành Du lịch là một trong những ngành tiềm năng nhất của xã hội. Vì vậy nếu các bạn học sinh đã có đam mê thì nên theo đuổi đến cùng và không nản chí”.

Trong thời gian tạm thời giãn cách do dịch bệnh, Duy Nam vẫn đang cố gắng trau dồi những kĩ năng của mình bằng việc ôn luyện khả năng tiếng Anh của mình và tham gia một số công việc trực tuyến khác.

Cao Kim Anh