Thủ khoa ngành Kinh doanh quốc tế bật mí cách nhớ các dạng công thức

18/06/2021 06:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nắm chắc cấu trúc đề thi, kiểm soát, phân bổ thời gian hợp lý trong lúc triển khai làm bài thi sẽ tạo nên lợi thế.

Thời gian này được xem là giai đoạn nước rút của các sĩ tử tập trung chuẩn bị, ôn tập, củng cố kiến thức để bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Để vượt qua thử thách này, mỗi cá nhân sẽ phải tự xây dựng những phương pháp ôn thi phù hợp đối với bản thân mình dựa vào thời gian, hoàn cảnh, cách thức... để đạt kết quả tốt nhất.

Phùng Thị Kim là thủ khoa đầu vào ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, với số điểm 25,85 khối A. (Ảnh NVCC)

Phùng Thị Kim là thủ khoa đầu vào ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, với số điểm 25,85 khối A. (Ảnh NVCC)

Đam mê với những con số từ bé, ước mơ sau này lớn lên sẽ có một nghề nghiệp liên quan đế lĩnh vực kinh tế, Phùng Thị Kim (quê Lạng Sơn) đã tìm hiểu, lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân, đam mê của mình và ngay từ đầu đã yêu thích ngành học Kinh doanh quốc tế.

Là thủ khoa đầu vào ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, với số điểm 25,85 khối A, Phùng Thị Kim đã luôn nỗ lực và cố gắng hết mình.

Kim chia sẻ: “Nguyện vọng của em là ngành Kinh doanh quốc tế, chính vì vậy em thi khối A00 nên tập trung ôn thi ba môn Toán, Vật lý và Hóa học. Dù xác định thì ở bất kì nguyện vọng theo khối nào, ngành học nào thì đối với em việc nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thật chắc là điều quan trọng nhất.

Từ kiến thức cơ bản, nền tảng ở sách giáo khoa, em hệ thống lại kiến thức mình đang có và như vậy khiến bản thân em nắm kiến thức đến đâu chắc đến đó, theo một trình tự nhất định”.

Kim cho biết, một đề thi luôn chia ra nhiều phần kiến thức và học sinh đã được làm quen các dạng đề từ trước đó. Chính vì vậy, thí sinh cần phải ôn thật thật kĩ để khi làm bài thi không để sai sót nhỏ mà bị mất điểm một cách đáng tiếc.

Cả ba môn học theo khối A của Kim đều là những môn khoa học, cần ghi nhớ rất nhiều công thức, con số, để rèn luyện trí nhớ và phản xạ bản thân em đã phải xây dựng các phương pháp học.

“Có hai cách để rèn luyện trí nhớ và tăng phản xạ phải được trau dồi hàng ngày để khi vận dụng công thức tính toán em không bị nhầm lẫn, sai sót đó chính là học thuộc và vận dụng vào làm đề luôn.

Em ghi chú công thức ra giấy nhớ và dán nó khắp nơi để có thể dễ dàng ghi nhớ các công thức thường gặp, các công thức hay bị nhầm lẫn.

Việc luyện đề, làm bài tập nhiều để vận dụng các công thức vào trong tính toán cũng được em sử dụng thường xuyên. Thậm chí em tìm ra nhiều cách giải cho một bài toán. Mỗi lần như vậy em được ôn tập lại kiến thức thêm một lần. Điều đó giúp em tính toán nhanh hơn, chính xác hơn khi làm bài”, Kim nói.

Phùng Thị Kim khẳng định: “Nỗ lực, chăm chỉ hết mình thì luôn được đền đáp với những kết quả xứng đáng”. (Ảnh NVCC)

Phùng Thị Kim khẳng định: “Nỗ lực, chăm chỉ hết mình thì luôn được đền đáp với những kết quả xứng đáng”. (Ảnh NVCC)

Một trong những cách kiểm tra kiến thức tốt nhất, trau dồi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm bài hơn đó chính là học nhóm.

Việc học nhóm với các bạn được Kim triển khai đều đặn nhằm cùng nhau thảo luận tìm cách giải những bài tập khó và hỏi những phần mình chưa biết làm. Học nhóm giống như một công cụ “tri thức sống” mà chúng ta có thể trao đổi, kiểm tra chéo cho nhau. Điều này giúp hoàn thiện, hệ thống hơn về kiến thức của mỗi người.

Vào thời gian cuối cùng nước rút thì Kim tập trung luyện đề và bấm thời gian trong khi làm bài. Nếu học sinh nắm chắc cấu trúc đề thi và làm chủ, kiểm soát, phân bổ thời gian trong lúc triển khai làm bài thi sẽ tạo nên lợi thế.

“Thường thì em phân 3 môn ra 3 buổi để học. Ví dụ sáng em học môn Toán, chiều học môn Vật lý và buổi tối sẽ học môn Hóa học.

Trong 3 môn, Vật lý là môn học em có kiến thức tốt nhất, môn Hóa học yếu nhất nên em dành khá nhiều thời gian để củng cố và ôn tập kiến thức môn Hóa học”, Kim cho biết.

Nữ sinh Đại học Thái Nguyên cho biết, những kiến thức cơ bản luôn có trong các đề thi. Tuy nhiên, những câu hỏi đó dễ bị đánh lừa nên cần đọc kĩ câu hỏi để không bị mất những điểm đáng tiếc.

Đối với các kiến thức nâng cao thì nên tìm những dạng bài tập tương tự để luyện tập và phát triển từ những kiến thức cơ bản mình có.

Mặc dù năm học 2019-2020 bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, nhưng cô gái thủ khoa đầu vào ngành Kinh doanh quốc tế đến từ Lạng Sơn không để điều đó ảnh hưởng tới kết quả học tập vì em vẫn triển khai học trực tuyến chăm chỉ, vận dụng mạng trực tuyến làm công cụ học tập, tham khảo kiến thức.

Kim khẳng định: “Nỗ lực hết mình thì luôn được đền đáp với những kết quả xứng đáng. Việc ôn thi, luyện tập thì luôn cần sự chăm chỉ. Tuy nhiên đừng quá căng thẳng, áp lực bởi những điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung và khả năng ghi nhận kiến thức.

Phát triển phương pháp tự học, xây dựng thời gian biểu để vừa có thời gian học tập và thư giãn. Hoàn toàn không nên học liền mạch quá lâu, dồn dập và căng thẳng”.

Hiện tại, cô sinh viên năm thứ nhất Đại học Thái Nguyên vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường để có kết quả học tập tốt nhất, vì đó là nền tảng quan trọng cho tương lai sau này.

Cao Kim Anh