Lá đơn tố giác tội phạm trong vụ xiết nợ chấn động Hà Thành

12/12/2011 09:53
Chí Công
(GDVN) - Trong vụ xiết nợ đã xuất hiện yếu tố hình sự với sự liên quan của các đối tượng, trong đó có cả cán bộ thi hành án, cán bộ ngân hàng, công chứng viên?. 
Đòi nhà kiểu 'xã hội đen'.

Vụ việc bắt đầu diễn ra từ tối ngày 4/12/2011. Nhưng theo Công an Phường Nghĩa Đô thì đây chỉ là một vụ đòi nhà dân sự giữa bên mua nhà là anh Nguyễn Đức Tiến có hộ khẩu thường trú tại số 55, ngõ 205, đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và bên bán là vợ chồng ông Lê Đình Thám thường trú tại số 412-B3, tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Lá đơn tố giác tội phạm gửi đến báo điện tử GDVN của anh Lê Việt Bách.
Lá đơn tố giác tội phạm gửi đến báo điện tử GDVN của anh Lê Việt Bách.

Tuy nhiên, việc mua bán trên thực tế diễn ra khá phức tạp: Ngày 21/4/2010, vợ chồng ông Lê Đình Thám làm hợp đồng ủy quyền cho con trai thứ Lê Việt Bách được toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng và bán (chuyển nhượng), định đoạt đối với tài sản là căn hộ số 03B- N3 thuộc khu tập thể quân đội, Viện Lịch sử quân sự, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội (bao gồm cả quyền sử dụng đất ở).

Ngày 9/4/2011, anh Lê Việt Bách chuyển nhượng tài sản nói trên cho anh Nguyễn Đức Tiến với giá 5,9 tỷ đồng. Ngày 22/7/2011, anh Tiến hoàn tất việc sang tên quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Thế nhưng khi anh Tiến xuất hiện yêu cầu giao nhà thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Thám. Vợ chồng ông Thám và anh Lê Thanh Tùng, con trai cả cho rằng không một ai, trừ anh Bách hay biết việc ngôi nhà vốn là nơi thường trú hiện nay của cả gia đình đã được chuyển nhượng cho người khác.

Sau thời gian thương lượng không kết quả, tối 4/12, anh Nguyễn Đức Tiến đã dẫn theo hơn chục đối tượng gồm cả nam lẫn nữ với nhiều người bất ngờ “tập kích”, chiếm giữ ngôi nhà tại địa chỉ nói trên. Thời điểm đó chỉ có anh Lê Thanh Tùng có mặt và hiện vẫn đang “cố thủ” trên tầng ba ngôi nhà. Các đối tượng chiếm giữ đã thực hiện triệt để việc phong tỏa, ngăn chặn bất kỳ ai muốn tiếp xúc và tiếp tế thực phẩm, nước uống vào bên trong ngôi nhà.

Các đối tượng “đầu gấu” vây ráp, xiết nợ ngôi nhà của anh Lê Việt Bách. ảnh: Dân Việt
Các đối tượng “đầu gấu” vây ráp, xiết nợ ngôi nhà của anh Lê Việt Bách. ảnh: Dân Việt

Theo phản ánh của số đông người dân, việc xuất hiện của những người lạ mặt cùng cách sinh hoạt, chửi bới, nói năng bừa bãi đã gây mất ổn định an ninh trật tự và làm xáo trộn cuộc sống yên bình của khu dân cư. Hầu hết người dân trong khu vực đều thể hiện sự bất bình đối với hành vi xiết nợ theo kiểu xã hội đen này. Bằng chứng là sáng ngày 6/12 một cuộc cãi vã dữ dội đã nổ ra giữa những người dân và các đối tượng chiếm giữ căn nhà trong bối cảnh các đối tượng này đang có hành vi quá khích ngăn cản các phóng viên một số cơ quan báo chí tác nghiệp. Những chiếc bóng công an chỉ xuất hiện sau khi cuộc đôi co đã tạm lắng xuống.

Lá đơn tố giác tội phạm

Tính đến đầu giờ chiều ngày 6/12, mặc dù bức xúc trước cách hành xử theo kiểu "xã hội đen" của những đối tượng lạ mặt, nhưng nhiều người dân cũng như các phóng viên một số cơ quan báo chí vẫn bằng lòng với cách giải thích của chính những đối tượng này và Công an phường Nghĩa Đô, rằng đó là một vụ việc dân sự. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều cùng ngày, khi các phóng viên tiếp xúc được với anh Lê Việt Bách, người con trai thứ trong gia đình ông Lê Đình Thám thì thái độ nhìn nhận vụ việc đã có nhiều thay đổi.

Anh Bách cho biết, đây không chỉ đơn thuần là vụ việc dân sự nên anh đã làm đơn tố giác tội phạm gửi đến các cơ quan chức năng để vạch trần các hành vi, thủ đoạn cho vay nặng lãi, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của một nhóm người...

Trong đơn tố giác tội phạm, anh Bách kể lại quá trình bị dẫn dụ bắt đầu từ việc tiếp cận theo con đường tín dụng chính thống đến sập bẫy tín dụng đen khá chi tiết, tỉ mỉ. Chẳng hạn, để vay được một khoản tiền nhất định từ ngân hàng thương mại, trước tiên anh Bách phải lừa dối gia đình hoàn tất bản hợp đồng ủy quyền định đoạt tài sản thế chấp là ngôi nhà theo yêu cầu của người môi giới, đồng ý chi mức hoa hồng lên tới 7% trên tổng số tiền được vay.

Sau đó phải chờ đợi thời gian 3 tháng để nhận giải ngân. Trong khi chờ đợi, Bách được những đối tượng trong đường dây lừa đảo bơm tiền cho vay theo hình thức tín dụng đen với lãi suất lên tới 15%- 21%/tháng, tương đương 180%- 252%/năm. Vì vậy, lúc vay được tiền ngân hàng thì con số thực nhận không còn bao nhiêu. Cách gỡ gạc duy nhất chỉ còn là “tự nguyện” dấn sâu hơn vào chiếc bẫy tín dụng đen đã giăng sẵn, cho đến mấu chốt cuối cùng là nước bán nhà để trừ nợ.

Như vậy, theo đơn tố giác tội phạm, câu chuyện xiết nợ nhà nói trên đã xuất hiện những yếu tố hình sự với sự liên quan của ít nhất 7 đối tượng, trong đó có cả cán bộ thi hành án, cán bộ ngân hàng và công chứng viên?.

Tuy nhiên, vấn đề là các cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương đã không chịu tiếp cận vụ việc theo hướng này. Việc điều tra sơ bộ của Công an phường Nghĩa Đô rất sơ sài và cầm chừng?. Hầu như họ chỉ làm mỗi việc tiếp nhận đơn trình báo, rồi làm một báo cáo vài trăm chữ gửi lên quận.

Khi chúng tôi có mặt tại trụ sở Công an phường Nghĩa Đô để tìm hiểu vụ việc, ông Trần Thanh Minh, Trưởng Công an phường và một cảnh sát khu vực thay vì tìm phương án hợp lý để bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân thì họ lại sa đà vào việc kể tội và đưa ra những lời nhận xét không thiện chí đối với gia đình nạn nhân. Ông Minh cho rằng, gia đình nạn nhân không được sự ủng hộ của bà con ở tổ dân phố, trong khi chứng kiến của các phóng viên cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược.

Anh Bách cho biết: "Hiện đang có nhiều lời lan truyền trong giới 'giang hồ' Hà Thành, Đ “chọi”, một nhân vật đã 'mai một' tên tuổi, sẽ thông qua vụ xiết nợ này để giành lại uy thế trong 'thế giới ngầm' ở Hà Nội?". Anh Bách cho biết, chính vì Đ “chọi” đứng sau toàn bộ vụ xiết nợ, nên anh  không dám nộp đơn tố giác tội phạm cho bất cứ cơ quan công an nào của Hà Nội.

Chí Công