Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đang vênh nhau trong vấn đề Biển Đông?

01/02/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Chúng tôi không biết về bất kỳ kế hoạch nào để Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông. Tôi tin rằng những ý kiến này được đưa ra bởi (cá nhân) một sĩ quan.
Hình ảnh đồ họa căn cứ không - hải quân Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Vượng Báo.
Hình ảnh đồ họa căn cứ không - hải quân Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Vượng Báo.

Hãng thông tấn Kyodo News ngày 31/1 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 30/1 tuyên bố sẽ chào đón hoạt động tuần tra bầu trời Biển Đông do Nhật Bản triển khai trong tương lai, nơi Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng Đông Nam Á. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã không có phản ứng giống như Lầu Năm Góc khuyến khích Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào Biển Đông vì nó có thể "khiêu khích" Trung Quốc.

Hai cơ quan này đã cho ý kiến khác nhau trước tuyên bố của một sĩ quan cấp cao, Tư lệnh hạm đội 7 Hoa Kỳ, Đô đốc Robert Thomas về việc ủng hộ Nhật Bản tuần tra bầu trời Biển Đông trong tương lai. Rear Adm John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc nói với các phóng viên hôm Thứ Sáu: "Chúng tôi đồng ý với tướng Thomas rằng những hoạt động tuần tra đáng được hoan nghênh và sẽ góp phần duy trì ổn định trong khu vực."

"Không có lý do gì để Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác nhìn nhận chuyện này bằng một cách khác", Kirby nói. Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki có vẻ không ủng hộ điều này: "Chúng tôi không biết về bất kỳ kế hoạch nào để Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông. Tôi tin rằng những ý kiến này được đưa ra bởi (cá nhân) một sĩ quan từ Bộ Quốc phòng".

"Hoa Kỳ hoan nghênh một vai trò tích cực hơn của Nhật Bản đối với việc đảm bảo ổn định và an ninh ở châu Á, nhưng chúng tôi không hề biết gì về kế hoạch hoặc một đề xuất tuần tra mới ở Biển Đông. Có vẻ như thông tin này không chính xác", Psaki nói trong cuộc họp báo. Trong khi đó Trung Quốc đã tỏ ra không hài lòng trước những phát biểu của Đô đốc Robert Thomas.

Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Thứ Sáu nói rằng, các nước bên ngoài khu vực Biển Đông nên "kiềm chế gieo mối bất hòa và tạo ra căng thẳng giữa các quốc gia khác"?! Theo tờ Philstar ngày 31/1, bà Hoa Xuân Oánh còn cao giọng tuyên bố: "Tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Trung Quốc duy trì quan hệ láng giềng tốt và thân thiện với ASEAN"?!

Mỹ trước đó đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động cải tạo, xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và cho rằng nó "có vấn đề", là nguồn gốc của mối quan ngại rõ ràng, ảnh hưởng đến ổn định trong khu vực. Vượng Báo của Đài Loan hôm 31/1 cho biết, những nỗ lực cải tạo (trái phép) của Trung Quốc ở Trường Sa còn có thể tạo ra chuỗi đảo đầu tiên (phi pháp) cho Bắc Kinh, đe dọa trực tiếp căn cứ quân sự Mỹ tại Úc.

Saburo Tanaka, một chuyên gia Nhật Bản thường xuyên theo dõi hoạt động của quân đội Trung Quốc đã bình luận, căn cứ quân sự Mỹ tại Úc đã trở thành mối quan tâm chính của quân đội Trung Quốc. Với một vài dự án xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa, Trung Quốc có khả năng bảo vệ đường tiếp tế trên Biển Đông ở phía Bắc eo biển Malacca, trong khi ngăn chặn Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ xâm nhập vào Biển Đông.

Kế hoạch chi tiết được thiết kế bởi Viện Nghiên cứu và thiết kế số 9 của Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc cho biết, quân đội nước này sẽ mở căn cứ hải quân, không quân trên cả 6 bãi đá (Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng phi pháp của Việt Nam từ 1988 đến nay) ở Trường Sa. Khi Bắc Kinh đặt máy bay ném bom H-6 có bản kính tác chiến 3.200 km ở Chữ Thập, nó có thể uy hiếp Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore.

Hồng Thủy