Linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, tăng tính hiệu quả của Quỹ bảo hiểm xã hội

17/10/2020 06:09
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Hùng Sơn cho rằng cần quy định cụ thể, rõ ràng về Hợp đồng lao động, các loại hợp đồng khác phải tham gia Bảo hiểm xã hội.

Chiều ngày 16/10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban đã thảo luận những giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, 09 tháng đầu năm 2020, số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 15,51 triệu người.

Trong đó, số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,67 triệu người; số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 844,7 nghìn người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 12,92 triệu người.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện giải quyết cho 94.913 người hưởng Bảo hiểm xã hội hàng tháng và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Phiên thảo luận về những giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Phiên thảo luận về những giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Trong đó, số người giải quyết hưởng chế độ hưu trí là 79.499 người, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019; giải quyết cho 646.812 người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội một lần; 816.951 người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019 và 11.596 người hưởng hỗ trợ học nghề giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngay từ những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp. Công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp gặp khó khăn do các DN không mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhiều Doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản, người lao động phải ngừng việc dẫn đến số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn; các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp tục nợ thêm tiền đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, ông Sơn đề xuất: Cần quy định cụ thể, rõ ràng về Hợp đồng lao động, các loại hợp đồng khác phải tham gia Bảo hiểm xã hội.

Sớm thể chế để nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng không có hợp đồng lao động được tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh đó là mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Đồng thời, sửa đổi quy định tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thấp nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lượng của người lao động, tăng mức hỗ trợ mức đóng cho người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngoài ra, cần quy định xử lý nợ đối với đơn vị phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn còn nợ nhưng không còn khả năng trả nợ để đảm bảo quyền lợi cho Người lao động.

Trao đổi về giải pháp kiểm soát hiệu quả quỹ Bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng:

Từ năm 2022 trở đi, việc giao dự toán và thực hiện chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cần tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động bộ máy và các định hướng của Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, cơ quan Trung ương đã đặt ra đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp.

Song song với đó là hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Lê Hùng Sơn báo cáo tại phiên thảo luận.

Ông Lê Hùng Sơn báo cáo tại phiên thảo luận.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý Bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp...

Bên cạnh đó, ông Hoan cho rằng, cần triển khai có hiệu quả các chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của Bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm Bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Chi phí tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách.

Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt bày tỏ, thực tế là trong những năm qua, số lượng người tham gia Bảo hiểm xã hội có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Mặt khác, vẫn còn đang có tình trạng lao động nhảy việc, điều này làm gia tăng lao động chuyển đổi công việc để hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Trước thực tế trên, bà Nguyệt đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát lại những đối tượng như trên để không ảnh hưởng và đảm bảo thực hiện công tác an sinh xã hội tốt hơn.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, hiện nay, số lượng người cao tuổi, lao động không được đóng Bảo hiểm xã hội vẫn nhiều.

Mặt khác, số lượng người muốn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cũng đã tác động đến chính sách an sinh xã hội, quỹ hưu trí.

Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp đang hoạt động chưa tham gia đóng Bảo hiểm xã hội cho lao động do đại dịch Covid-19 hoặc một số yếu tố khác.

Về phía người lao động chưa chú trọng tới việc đảm bảo tham gia vào Bảo hiểm xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần đưa thêm giải pháp hữu hiệu và cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội cũng cần nghiên cứu một số điều khoản để thúc đẩy doanh nghiệp cũng như lao động tham gia Bảo hiểm xã hội.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với Bộ LĐ-TB&XH đánh giá lại việc thực hiện Bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp, người dân, người lao động tham gia như thế nào cũng như việc thực hiện Bảo hiểm xã hội tác động đến phát triển kinh tế - xã hội ra sao.

Trần Phương