Tại buổi làm việc, ông Sam Maimbo - đại diện Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam đang trong quá trình cải cách và phát triển nền kinh tế với mục tiêu dài hạn.
Khi thu nhập bình quân đạt mức trung bình khá, thì Việt Nam sẽ tiếp cận được những nguồn vốn IBRD (nguồn tín dụng lãi suất thấp) và từng bước từ bỏ nguồn vốn ưu đãi IDA trước đây.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần xây dựng thị trường vốn riêng cho mình, để đáp ứng nhu cầu vốn, tài chính cho quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia- kế hoạch đó cần huy động vốn đầu tư tham gia, bao gồm từ quỹ hưu trí.
Ngân hàng Thế giới và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục bàn về Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quản lý đầu tư quỹ Hưu trí - ảnh nguồn Chinhphu.vn |
Cũng theo ông Sam Maimbo, buổi làm việc lần này nhằm cung cấp và mang đến những cái nhìn mới trong lĩnh vực quỹ Hưu trí; qua đó giúp Ngân hàng Thế giới cân nhắc, xem xét hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng.
Ông Sam Maimbo cũng cho biết thêm, dự án Hỗ trợ kỹ thuật quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hoạt động trong ba lĩnh vực chính là: Khuôn khổ pháp lý mà Chính phủ Việt Nam đã xây dựng; những chủ thể trong khu vực công và khu vực tư tham gia với vai trò như thế nào để giúp phát triển quỹ; sản phẩm đầu tư nào mà các nhà đầu tư dài hạn nhắm đến để đầu tư vào Việt Nam.
Thay mặt Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cho biết, từ năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để tham vấn về việc tham gia đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ.
Tháng 11/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã thảo luận về cấu phần hưu trí công tại Việt Nam và quy trình thực hiện việc này; những thách thức mà hệ thống bảo hiểm xã hội đang gặp phải…
Theo đó, sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới sẽ góp phần giúp Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải cách hệ thống để quản lý, vận hành quỹ được hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Khương cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam cũng đã có Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ năm 2016) - đây là khung pháp lý để Bảo hiểm xã hội Việt Nam đầu tư, phát triển nguồn quỹ, tạo điều kiện để ngành bảo hiểm xã hội góp phần vào công cuộc xây dựng nền kinh tế đất nước.
Đồng thời, ông Khương cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới giúp Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kỹ thuật trong việc đầu tư, quản lý rủi ro, xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư lâu dài, để tiến hành các hoạt động đầu tư phát triển nguồn vốn.