MANPADS Igla-Super: “Kẻ hủy diệt” trực thăng của Phòng không Việt Nam

31/03/2012 18:05
Trịnh Tuân (Theo Topwar)
(GDVN) - Theo truyền thông Nga, nhà chế tạo của nước này đã cung cấp cho Việt Nam 50 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla-S với tổng trị giá lên tới 64 triệu USD.

Các máy bay tầm thấp, máy bay trực thăng vũ trang thường được trang bị các vũ khí chống bộ binh, chống xe tăng mạnh và là mối nguy cơ cần ngăn chặn để bảo đảm khả năng sống sót của người lính và các phương tiện chiến đấu dưới mặt đất.

Chính vì vậy, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) được quân đội nhiều nước nghiên cứu chế tạo, hoàn thiện nhằm tăng cường khả năng tiêu diệt các máy bay tầm thấp, đặc biệt là máy bay trực thăng.

Hệ thống phòng không mang vác (MANPADS) đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong lớp phòng không tầm cực gần, trở thành hệ thống phòng không hiệu quả nhất để đối phó với máy bay, đặc biệt là máy bay trực thăng.

Đồng thời, hệ thống phòng không mang vác có giá thành tương đối rẻ, số lượng sản xuất lớn, độ tin cậy cao, chất lượng cao, tương đối dễ sử dụng.

Trong những cuộc chiến tranh gần đây, MANPADS là loại vũ khí không thể thiếu trong hệ thống phòng không của các quốc gia.

Nhớ lại cuộc xung đột quân sự vào năm 2011 tại Libya, MANPADS Igla của Liên Xô đã được các binh sĩ dưới quyền Qadaffi sử dụng, đã gần như ngăn chặn hoàn toàn các vụ đánh bom và không kích, bảo vệ thành công không phận Libya trong một thời gian nhất định.

Các máy bay của NATO đã bị hạn chế đáng kể khả năng tác chiến và oanh tạc trước những MANPADS của Qadaffi.

MANPADS Igla-Super: “Kẻ hủy diệt” trực thăng của bộ đội Phòng không

Tổ hợp tên lửa phòng không mang mác 9K338 Igla-S được chế tạo để tiêu diệt máy bay trực thăng bay thấp, máy bay không người lái và tên lửa.

Hoạt động tốt trong điều khiện môi trường khác nhau của nhiễu nhân tạo và nhiễu tự nhiên. Igla-S là kết quả của việc hiện đại hóa sâu sắc hệ thống phòng thủ tên lửa di động loại 9K38 Igla. Igla-S có sự cải thiện về hiệu suất và có những khả năng mới, thay thế cho một số MANPADS thông thường để chống lại máy bay trực thăng và máy bay và thay thế cho các hệ thống phòng không đắt tiền để chống lại tên lửa hành trình và máy bay không người lái.

Tên lửa Igla-S
Tên lửa Igla-S

MANPADS Igla được phát triển bởi Phòng thiết kế Koloma (KBM). Đầu tự dẫn tìm mục tiêu cho Igla-S được phát triển bởi Hiệp hội cơ khí quang học Leningrad.

Quá trình sản xuất hệ thống tên lửa phòng không di động này được thực hiện tại nhà máy Degtyarev. MANPADS Igla-Super được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2001, và vào năm 2002 nó đã được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga.

Tổ hợp tên lửa Igla-S có thể được lắp đặt trên các phương tiện mặt đất, trên tàu thuyền và trên máy bay trực thăng.

Tổ hợp tên lửa Igla-S mở ra khả năng là tổ hợp vũ khí tên lửa tầm thấp có điều khiển đầy tính cơ động. MANPADS Igla-Super hiện đại có kích cỡ và trọng lượng phù hợp (dưới 20kg) để người lính có thể dễ dàng mang vác.

Ban đầu, Quân đội Nga dự định trang bị khoảng 100 tổ hợp tên lửa Igla-S, còn lại sẽ xuất khẩu khoảng 530 tổ hợp.

Hiện nay, Nga đang đàm phán với rất nhiều quốc gia trên thế giới để xuất khẩu tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla-S. Các nước đã được Nga cung cấp tổ hợp tên lửa Igla-S và các biến thể khác là Singapore, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất ...

Năm 1996, Việt Nam đã đặt mua của Nga 400 tên lửa phòng không vác vai di động Igla-L (SA-16 Gimlet), trong số 400 tên lửa này đã có 340 tên lửa được Nga bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1999-2011.

Theo SIPRI - Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, biến thể tên lửa hải đối không Igla (định danh NATO là SA-N-10) mà Việt Nam đặt mua sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm BPS-500 (Ho-A), tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) và có thể cả tàu tên lửa Project 1241.1.

Năm 2002 Nga đã cung cấp cho Việt Nam 50 tổ hợp tên lửa Igla-S theo hợp đồng ký giữa 2 chính phủ vào mùa thu năm 2001 với tổng trị giá lên tới 64 triệu đôla.

Các biến thể nâng cấp của tên lửa phòng không vác vai Igla

- Igla-L : Biến thể làm đơn giản hóa Igla

- Igal-D: Biến thể với ống phóng tháo dời trang bị cho Không quân .

- Igla-V (9М39): Biến thể có thể trang bị trên trục thăng hoặc bố trí trên mặt đất. Biến thể được bổ sung thêm giá đỡ và ghế ngồi cho xạ thủ có thể phóng đồng thời 2 tên lửa cùng một lúc.

- Igla-N: Biến thể sử dụng tên lửa có điều khiển thế hệ mới làm tăng khả năng phá hủy mục tiêu từ 25-50 %.

- Igla-S (9K338, Igla-Super): Biến thể được chuẩn hóa về kỹ thuật với Igla-D và Igla-N nhưng có nhiều giải pháp kỹ thuật tối tân hơn.

Mỗi tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla-S bao gồm:

- Một tên lửa 9M342 đặt trong ống.

- Ống phóng 9P522.

- Bảng điều khiển 9V866-2.

- Thiết bị điều khiển tên lửa 9F719-2.

- Kính nhìn đêm 1PN97 Maugli-2.

Sự khác biệt chính so với các hệ thống trước đó là cự ly tiêu diệt mục tiêu của Igla-S tăng từ 5,2 đến 6 km, khối lượng đầu đạn và số lượng mảnh đạn cũng tăng lên, mặc dù trên thực tế khối lượng của tên lửa vẫn không thay đổi.

Trong thiết bị dẫn hướng 9E435 người ta sử dụng hai cảm biến có thể làm việc trong các băng tần khác nhau, do đó làm tăng khả năng chống nhiễu đặc biệt là nhiễu hồng ngoại của hệ thống.

Đầu tự dẫn tìm mục tiêu sử dụng hệ thống chuyển dịch, tạo ra các lệnh điều khiển đưa đến tấm lái dẫn hướng của tên lửa và đẩy nó ra khỏi ống phóng.

Hệ thống này có nhiệm vụ ổn định quĩ đạo tên lửa, đề phòng trường hợp tên lửa đi chệch hướng khi nó tiếp cận mục tiêu. Sau khi được đẩy ra khỏi ống phóng, tên lửa bắt đầu chuyển động tìm diệt mục tiêu. Đầu đạn của tên lửa Igla-S không chỉ kích nổ khi tên lửa tấn công chính diện vào mục tiêu, mà cả khi bay qua mục tiêu.

Đặc biệt, đầu tự dẫn có thể phân biệt được đâu là vị trí trọng yếu nhất trên mục tiêu và điều khiển tên lửa đánh trúng vị trí đó với khả năng sát thương và phá hủy cực kỳ cao.

Trong tổ hợp tên lửa Igla-S lần đầu tiên ứng dụng 2 thiết bị cảm ứng mục tiêu là không tiếp xúc nổ và tiếp xúc nổ. Thiết bị cảm ứng mục tiêu không tiếp xúc tạo ra một vụ nổ khi tên lửa tiếp cận mục tiêu trong trường hợp mục tiêu nhỏ.

Không chỉ ứng dụng cảm biến mục tiêu không tiếp xúc ở đầu đạn, Igla-S có thể tối đa hóa vụ nổ với 1 cảm ứng tiếp xúc. Đó chính là quá trình làm chậm vụ nổ thứ cấp sau khi kích hoạt vụ nổ sơ cấp với cảm ứng nổ không tiếp xúc mục tiêu. Trong thời điểm kích hoạt cảm ứng nổ không tiếp xúc mục tiêu, cảm ứng nổ tiếp xúc sẽ bị khóa.

Xét một ví dụ khi tên lửa tấn công mục tiêu là một máy bay (là loại mục tiêu có kích thước lớn), việc cố tình làm chậm vụ nổ thứ cấp la có chủ đích và được tính toán trước.

Khi tên lửa tới gần mục tiêu, cảm ứng nổ không tiếp xúc kích hoạt vụ nổ sơ cấp thông thường ít hiệu quả hơn và chưa thể bắn hạ mục tiêu ngay. Sau thời gian làm chậm vụ nổ thứ cấp, đầu đạn sẽ xuyên thủng vỏ máy bay và lập tức được kích nổ bằng cảm ứng tiếp xúc.

Trong trường hợp tên lửa bắn sượt qua mục tiêu, có nghĩa là chỉ có vụ nổ bằng cảm ứng không tiếp xúc thì ngay sau đó tên lửa sẽ tự hủy. Thời gian làm chậm vụ nổ thứ cấp được mặc định tự động tùy thuộc vào chế độ làm việc của tên lửa.

Kính nhìn đêm Maugli-2 giúp MANPADS Igla-Super có thể làm việc tốt trong bóng tối, ngoài ra, nó còn đảm bảo phát hiện chính xác vị trí mục tiêu, nhận dạng mục tiêu, bám mục tiêu cho tới khi phóng tên lửa.và là thiết bị không thể thiếu với các MANPADS hiện đại.

Ngày nay, các hoạt động vào ban đêm được thực hiện nhiều hơn và thường xuyên hơn do đó việc  tăng cường khả năng của MANPADS nói chung và Igla-Super nói riêng trong điều kiện ban đêm là cực kỳ cần thiết.

MANPADS Igla-Super có thể hoạt động với độ tin cậy cao trong mọi điều kiện thời tiết (nhiệt độ và độ ẩm). Hệ thống có khả năng làm việc bình thường trong vòng nửa tiếng đồng hồ khi ngâm trong nước và khi được đưa lên độ cao 12.000. 

Igla-S có thể được lắp đặt trên hầu như tất cả các phương tiện chiến đấu trên mọi loại địa hình. MANPADS có độ bền tốt, không bị hư hỏng khi rơi từ độ cao 2 m.


Tính năng kỹ thuật cơ bản

- Tầm bắn/trần bay:  6.000/3.500 m.

- Tốc độ: 400 m/s.

- Trọng lượng: 19 kg.

- Cỡ đạn: 72 mm.

- Trọng lượng đầu đạn: 2,5 kg.

- Trọng lượng của tên lửa: 11,7 kg.

- Thời gian vận hành: 13 giây.

- Thời gian chuẩn bị cho lần bắn tiếp theo: 30 giây.

Trịnh Tuân (Theo Topwar)