Mạo danh “góp đá cho Trường Sa” để trục lợi

14/10/2011 07:02
T.HUY/Công an TPHCM
Tin nhắn được gửi đến từ tổng đài MobiFone giới thiệu về chương trình Góp đá cho Trường Sa. Đây là một thủ đoạn mới, dễ khiến nhiều người mắc lừa.

Theo phản ánh của nhiều bạn đọc, khoảng thời gian gần đây họ liên tục nhận được những tin nhắn SMS kêu gọi ủng hộ cho Trường Sa từ những số di động cá nhân với nội dung: “Hãy góp phần xây dựng và bảo vệ biển đảo Trường Sa, bằng cách tham gia chương trình góp đá xây Trường Sa”. Tin nhắn này cũng hướng dẫn cách nhắn tin với cú pháp: “NAP GOPDATRUONGSA” và gửi đến tổng đài 8xxx.

Tin nhắn lừa đảo với cú pháp nhằm nạp tiền vào game online của kẻ xấu
Tin nhắn lừa đảo với cú pháp nhằm nạp tiền vào game online của kẻ xấu

Tuy nhiên, thay vì bị trừ 16 ngàn đồng (như chương trình do Trung ương Đoàn và báo Tuổi trẻ kết hợp tổ chức) thì họ chỉ bị trừ 15 ngàn đồng. Hơn thế nữa, sau khi nhắn tin xong, họ vẫn tiếp tục nhận được tin nhắn khác từ tổng đài 090 (tổng đài của mạng MobiFone) cũng với nội dung gần giống với tin nhắn kia: “Từ nay đến 30-10, soạn trường sa gửi 1408 bạn sẽ gửi 16 ngàn đồng cho chiến dịch góp đá... Mỗi tin nhắn là một viên đá xây dựng Trường Sa”.

Đối chiếu hai tin nhắn này, nhiều người đã thắc mắc tại sao một chương trình nhưng có hai nội dung tuy gần giống nhau, nhưng đọc kỹ thì người nhắn tin sẽ nhận thấy tin nhắn thứ nhất được gửi đến từ một số di động cá nhân (11 số) và cũng không giới thiệu kỹ về chương trình này một cách rõ ràng. Quan trọng nhất cú pháp “NAP” rất lạ và hoàn toàn khác với cú pháp được gửi từ tổng đài 090 (theo tin nhắn) và được giới thiệu rộng rãi trên các cơ quan báo chí truyền thông.

Để tìm hiểu sự “kỳ lạ”, chúng tôi đã liên lạc với tổng đài 18001090 (tổng đài chăm sóc khách hàng của MobiFone) thì được biết, hiện tại từ nay đến 30-10-2011, tổng đài 1408 sẽ nhận các tin nhắn ủng hộ chương trình góp đá cho Trường Sa (cú pháp Truongsa gửi 1408).

Đây là chương trình rất thiết thực do báo Tuổi trẻ phát động đã thu hút đông đảo người dân chia sẻ cùng với Trường Sa thân yêu. Tuy nhiên, điện thoại viên cũng khẳng định, đây là chương trình duy nhất về Trường Sa mà nhà mạng này đang triển khai, các tin nhắn này đều được gửi từ số 090 hoặc 1408. Mặt khác, họ cũng lưu ý khách hàng nên cẩn thận với những tin nhắn được gởi từ số máy di động cá nhân; rất có thể không ngoại trừ trường hợp một số cá nhân lợi dụng để trục lợi.

Theo cung cấp của điện thoại viên này, chúng tôi được biết tổng đài 8xxx do một công ty TNHH viễn thông tại Hà Nội làm chủ. Đây là tổng đài dịch vụ giải trí. Theo đại diện của công ty này, cú pháp NAP cách là “game thủ” dùng để nhắn tin nạp tiền để chơi và mua vật dụng trong game online. Cụ thể, khi một tài khoản game (user) muốn nạp tiền bằng tin nhắn, người dùng sẽ soạn NAP “tên tài khoản” mỗi tin nhắn như thế trị giá 15 nghìn đồng.

Sau khi kiểm tra tin nhắn do chúng tôi cung cấp, phía đại diện công ty đã khẳng định công ty không hề có triển khai chương trình này. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, họ phát hiện một “game thủ” đã sử dụng tài khoản có tên “GOPDATRUONGSA” sau đó nhắn tin đến các số máy khác, giả mạo chương trình góp đá cho Trường Sa để lừa đảo người khác nạp tiền vào tài khoản của mình. Cũng theo đại diện công ty này, tài khoản mang tên “GOPDATRUONGSA” chỉ mới hoạt động từ ngày 20-9-2011 và đã có hơn 20 tin nhắn “ủng hộ” cho game thủ này chơi... game online.

Ngay sau khi được tiếp nhận thông tin do PV cung cấp, phía đại diện công ty đã tiến hành xác minh về tài khoản này. Tuy nhiên, do người sử dụng tài khoản đó đăng ký chứng minh nhân dân giả nên không thể tìm ra. Để khắc phục sự việc này, phía công ty cung cấp dịch vụ đã cắt hoạt động của tài khoản này, đồng thời sẽ hoàn trả cước tin nhắn cho những thuê bao đã nhắn nhầm, đồng thời điện thoại thông báo về trường hợp này, mặt khác đơn vị cũng sẽ thông báo trên các diễn đàn để tránh tình trạng tương tự.

Qua sự việc này có thể dễ dàng nhận thấy, một thủ đoạn mới đã được đối tượng xấu sử dụng để trục lợi. Mà trong đó sự quản lý lỏng lẻo về game online cũng là một phần nguyên nhân khiến cho các  đối tượng này có cơ hội để thực hiện hành vi này.

Việc đặt tên tài khoản và “nhắn tin dụ” khách hàng đã được đối tượng này tính toán rất kỹ, mặt khác khi sử dụng sim “rác” để nhắn tin thì sẽ khó tìm ra người đứng đằng sau sự việc. Tuy nhà cung cấp “trấn an” tiền nạp vào chỉ là tiền “ảo”, không thể quy đổi ra tiền đồng, tuy nhiên, không ai dám chắc chúng sẽ không được giao dịch giữa các cá nhân với nhau.

Nếu sự việc này không được phát hiện, có thể những chương trình tự thiện, xã hội khác thông qua mạng SMS cũng có thể trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Điều này không chỉ làm giảm uy tín của chương trình đó, mà còn có thể vấp phải sự nghi hoặc từ phía người dân khi muốn tham gia những chương trình đầy ý nghĩa.           

    
T.HUY/Công an TPHCM