Một góc nhìn khác: “Sau Syria, nạn nhân tiếp theo sẽ là Iran”

24/08/2012 10:06
Bảo Thành (Nguồn: RT)
(GDVN) - Nếu họ thành công ở Syria thì mục tiêu tiếp theo sẽ là lực lượng Hezbollah ở Lebanon, và một khi hai đồng minh này bị đánh bại, họ sẽ tập trung toàn lực nhắm vào Iran
Sau những tuyên bố "dọa dẫm" can thiệp bằng biện pháp quân sự vào Syria của Mỹ và Anh, tờ RT đã có buổi phỏng vấn nhà báo, nhà phân tích chính trị Trung Đông Kris Janssen. Ông đã đưa ra một cách nhìn khác về tình hình Syria, theo đó việc can thiệp vào Syria chỉ là nước cờ dọn đường cho phương Tây tiến tới lật đổ chính quyền Iran. Xin đăng tải bài phỏng vấn này để cung cấp thêm một góc nhìn khác cho quý độc giả về tình hình Syria.
Nhà báo Kris Janssen, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Syria
Nhà báo Kris Janssen, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Syria
RT:Ông đã lập ra Hội Hữu nghị Syria, điều đó có đồng nghĩa với việc ông là người ủng hộ ông Assad như mô tả của truyền thông Bỉ?Kris Janssen: Tôi được coi là một người ủng hộ Syria, ủng hộ người dân Syria và tôi tin rằng giải pháp duy nhất để thoát ra khỏi cơn khủng hoảng và cảnh đổ máu hiện nay là đi theo con đường cải cách chứ không phải con đường bạo lực. Thế nên khi tôi nói rằng tôi là người ủng hộ đường lối cải cách không có nghĩa tôi ủng hộ ông Assad. Nhưng nếu nhìn vào thực tế bạn sẽ thấy rằng chính phủ Syria cũng sẵn sàng đi theo con đường cải cách. RT:Ông đã từng viết bài và phát biểu rằng cuộc nổi dậy ở Syria là do thế lực bên ngoài hậu thuẫn hoặc châm ngòi, nhưng ông cũng thừa nhận một thực tế rằng chính người dân Syria cũng muốn thay đổi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?KJ: Tôi tin rằng cảnh tượng bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến không liên quan gì đến cải cách, mà là vấn đề của những con người bất mãn. Bên cạnh đó, nhiều người dân Syria nói với tôi rằng nhiều thành viên của lực lượng Quân đội Tự do Syria trên thực tế là người nước ngoài. Đó không phải là cải cách và người dân Syria không thích thú gì việc này. Người dân Syria yêu chuộng hòa bình và họ đã chung sống qua nhiều thế kỷ mà không có vấn đề gì xảy ra. Thế nên cảnh tượng bạo lực mà ta thấy hiện nay không phải là sản phẩm của Syria.
Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Syria
Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Syria
Tôi đã tới Dara’a, nơi cách đây 1 năm là một điểm nóng, nơi khởi phát của vấn đề. Mà Dara’s lại nằm ngay cạnh biên giới với Jordani. Sự việc khởi phát ở một thị trấn biên giới không phải là điều ngẫu nhiên bởi nó thể hiện đậm nét ảnh hưởng từ bên ngoài. Ý tôi là nếu tình hình hiện nay ở Syria thực sự là vấn đề trong nội bộ Syria thì lẽ ra nó phải khởi phát ở Hama hoặc Homs chứ. Rất nhiều thế lực và chính phủ nước ngoài muốn hủy hoại Syria. Tại sao ư? Vì bạn phải biết rằng Syria có vị trí địa lý mang tính chiến lược đối với Trung Đông và toàn khu vực. Tôi cho rằng mục tiêu chính của họ là Iran vì Iran là trung tâm quyền lực của khu vực. Điều đó là rất rõ ràng. Họ biết rằng muốn hạ được Iran, đầu tiên họ phải hạ được Syria. Và tôi tin rằng nếu họ thành công ở Syria thì mục tiêu tiếp theo sẽ là lực lượng Hezbollah ở Lebanon, và một khi hai đồng minh này bị đánh bại, họ sẽ tập trung toàn lực nhắm vào Iran.RT: “Họ” mà ông đề cập tới ở đây là ai vậy?KJ: Theo ý kiến của tôi, đó chính là Mỹ và đồng minh, bởi họ có lợi ích chiến lược trong khu vực. Có nhiều người nhắc đến dầu mỏ, nhưng bạn phải biết rằng Syria không có trữ lượng dầu mỏ phong phú. Họ có dầu mỏ, nhưng không nhiều. Nhưng vì nguồn dầu mỏ thực sự nằm ở Iran và A-rập Saudi nên Syria có thể trở thành nước trung chuyển. RT: Làm thế nào mà ông xác định được những chiến binh nổi dậy mà ông cho là người nước ngoài? Có bằng chứng nào không?KJ: Bởi họ đã tìm thấy nhiều bằng chứng chứng tỏ điều đó trên các thi thể ở Homs và Aleppo, đó là các chứng minh thư, hộ chiếu của người nước ngoài, và họ bắt được những chiến binh nói giọng nước ngoài. Hiện nay các chiến binh Al-Qaeda cũng đang hoạt động tích cực ở Syria vì chúng hy vọng thiết lập được một căn cứ mới ở đó. RT:Chúng ta hãy cùng nhìn nhận vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc này. Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từng có mối quan hệ bang giao tốt đẹp? Tại sao bây giờ Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ ra cứng rắn với Syria như vậy. Họ được gì từ những bất ổn ở Syria?KJ: Đó là bởi vì cộng đồng người Kurd ở Syria được chính quyền Damascus trao nhiều quyền tự trị. Và dĩ nhiên là Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với động thái này. Tại sao họ thay đổi thái độ ư? Tại sao giờ đây họ quay sang chống lại Syria ư? Tôi cho rằng họ có nhiều lý do. Có thể Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ giấc mộng Ottoman, giấc mơ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại vị thế trung tâm quyền lực khu vực như dưới thời đế chế Ottoman. Một nhân tố khác là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood). Họ không thực sự chống phương Tây bởi từ nguồn gốc “con buôn” của mình, tổ chức này mong muốn thực hiện tự do thương mại với châu Âu, Mỹ và thế giới phương Tây. Chúng ta đều biết rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo và có lẽ họ hy vọng sẽ thiết lập được ở Syria một chính quyền mới cũng ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo cả về kinh tế và chính trị, bởi đây là hai vấn đề không thể tách biệt.RT:Ông nói rằng mục đích cuối cùng của câu chuyện địa chính trị này là Iran. Đây không phải là lần đầu tiên ý kiến này được đưa ra. Ông phân tích thế nào về vấn đề này?KJ: Tôi và rất nhiều người khác biết rõ rằng mục đích cuối cùng của họ là lật đổ chế độ ở Iran, bởi trong con mắt phương Tây thì đó là một chế độ thù địch với họ. Tôi không cho rằng đây là quan điểm đúng bởi tôi đã đến Iran nhiều lần và tôi có thể khẳng định với bạn rằng chính phủ Iran rất biết chừng mực. Chính phủ Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ cho mục đích dân sự, trong khi phương Tây khăng khăng cho rằng mục tiêu cuối cùng của họ là chế tạo bom nguyên tử hoặc vũ khí hạt nhân. Người Ira đã nói với tôi rằng “chúng tôi cần gì phải có vũ khí nguyên tử? Thậm chí nếu chúng tôi tìm cách chế tạo được  thì việc sở hữu vũ khí nguyên tử và sử dụng nó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.” Như vậy giữa hai giai đoạn trên còn có một khoảng cách lớn về mặt kỹ thuật. Và họ nói rằng “ngay cả khi chúng tôi có vũ khí nguyên tử và họ cho rằng chúng tôi sẽ sử dụng nó, chính phủ Mỹ và đồng minh sẽ dội bom và đưa chúng tôi về thời Trung Cổ.” Họ không hề mong muốn đất nước mình bị tàn phá. Như vậy họ biết điều hơn rất nhiều so với suy nghĩ của đa phần người phương Tây ở đây. RT:Tất cả những quan điểm ông đưa ra hôm nay đều trái ngược với luận điệu chung mà chúng ta thường thấy trên nhiều phương tiện truyền thông và nhiều ý kiến phân tích ở Bỉ và Tây Âu. Quan điểm của ông được đón nhận như thế nào ở đó?KJ: Thật không may, đa phần người Bỉ cùng người dân châu Âu và người Mỹ đều không thực sự ý thức được những gì đang diễn ra ở Trung Đông. Những gì họ biết về nơi này đều là những kiến thức rập khuôn như một bức tranh đen trắng chỉ có người tốt và kẻ xấu. Và còn rất nhiều người không biết đến vị trí địa lý chiến lược của Iran, đối với họ thì Iran chỉ là một nơi nào đó ở Trung Đông. Và với Syria cũng vậy, nhiều người không biết tới nguồn gốc của đảng Ba’ath. Nhiều người nói rằng Tổng thống Bashar al-Assad và gia đình ông ta là người Alawi, điều này dĩ nhiên là đúng. Nhưng đó không phải là yếu tố chính trong chính giới Syria. Yếu tố chính ở đây là nguồn gốc của đảng Ba’ath, đó là một đảng xã hội, nơi tất cả các tôn giáo cùng tồn tại, và Syria có lẽ là nơi duy nhất ở Trung Đông tồn tại nhiều tôn giáo đến vậy, không chỉ đạo Tin lành mà còn có Công giáo, Cơ đốc Chính thống, Greek Orthodox Maronite, Sunni, Shia, Alawi. Hàng trăm năm qua họ cùng chung sống với nhau rất hòa thuận. Nhưng rất nhiều người ở đây đã không nhận ra điều đó.
Bảo Thành (Nguồn: RT)