Một tiểu hành tinh sẽ sượt qua Trái đất ngày 8/11

06/11/2011 20:13
Đình phương (tổng hợp)
Một tiểu hành tinh sẽ sượt qua Trái đất ngày 8/11; Vì sao thế giới đòi bỏ tử hình?; Mỹ lo Israel tấn công phủ đầu Iran...
1. Một tiểu hành tinh đang hướng tới Trái đất, nhưng nó sẽ chỉ “sượt qua” hành tinh của chúng ta vào ngày 8/11 này chứ không có nguy cơ va chạm với Trái đất - NASA hôm qua khẳng định. Theo cơ quan vũ trụ Mỹ, tiểu hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên năm 2005 và được đặt tên là 2005 YU55. Đường kính của nó khoảng 400m và sẽ tiến gần Trái đất hơn cả Mặt trăng. Vẫn theo tính toán của cơ quan này, tiểu hành tinh sẽ lướt qua Trái đất của chúng ta ở khoảng cách khoảng 325.000km. Thời điểm bay gần nhất là lúc 23h28 giờ GMT ngày 8/11, tức 6h28 ngày 9/11 giờ Việt Nam.
2. Một quan chức quân đội Mỹ cho biết: Mỹ “cực kỳ” lo ngại về khả năng Israel sẽ tấn công phủ đầu Iran mà không thông báo trước cho giới lãnh đạo ở Washington. Các phi công của Không quân Israel sẽ phải bay qua một nước thứ 3 trước khi đến được Iran và như thế họ chắc chắn cần phải tiếp dầu trên không. Hoạt động này sẽ khiến cho các máy bay chiến đấu của Israel bị các hệ thống radar trong khu vực phát hiện. Việc sử dụng các máy bay không người lái lại càng không thể bởi loại máy bay này không thể bay được khoảng cách xa hay mang theo vũ khí cần thiết để phá hủy các cơ sở hạt nhân.
3. Ngày mai, 7/11, Thủ tướng Pháp sẽ công bố kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới, tiết kiệm thêm từ 6 đến 8 tỷ euro (8 đến hơn 11 tỷ USD) để thực hiện mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách nhà nước - báo chí Pháp đưa tin. Kế hoạch này đã được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy công bố trên truyền hình hôm 27/10, tức là 6 tháng trước cuộc bầu lại tổng thống. Mục tiêu là nhằm ngăn chặn khủng hoảng lan tràn qua Pháp. Cuối tháng 8/2011, Pháp đã thông báo một chương trình cắt giảm chi tiêu đầu tiên trị giá 12 tỷ euro. Lần trước, chính phủ đã tăng thuế VAT nhắm vào một số mặt hàng như nước ngọt, thuốc lá và một số các biện pháp đánh thuế thu nhập nhắm vào các tầng lớp giàu có. (AFP, Reuters)
4. Ngày 5/11, Hải quân Kenya đã bắn chìm chiếc thuyền chở những tay súng của nhóm phiến quân Hồi giáo Al-Shabab. Theo người phát ngôn Hải quân Kenya, lực lượng này đã bắn vào chiếc thuyền chở 18 tay súng của nhóm Al-Shabab trong vùng Ras Kamboni ngày 5/11. Bị tấn công, chiếc thuyền này tìm cách tháo chạy về hướng hải phận Kenya. Kenya không cho biết số thương vong trong vụ này. Trước đó, ngày 1/11, Chính phủ Kenya và Somalia đã tổ chức gặp gỡ tại thủ đô Nairobi của Kenya nhằm thỏa luận các hoạt động quân sự chung chống lại các nhóm phiến quân Hồi giáo có vũ trang tại Somalia, nhất là nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Al-Shabab và ngăn chặn nạn cướp biển tại khu vực Đông Phi.(THX)
5. Sau 18 năm kiên trì theo đuổi, quyết định về việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể sẽ được thông qua vào giữa tháng 12 sắp tới. Cách đây chừng một tháng, những vấn đề mắc mớ với Mỹ và EC đã được dàn xếp ổn thoả. Nhưng Gruzia, nước gia nhập WTO trước Nga giữ một lập trường hết sức cứng rắn kể từ sau cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia năm 2008 mà kết quả là 2 vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Osetia tách ra thành 2 quốc gia độc lập được Nga công nhận. Gruzia đòi Matxcơva phải cho phép các đại diện của mình có mặt tại các trạm hải quan ở 2 nước mới tách ra này. Tuy nhiên, đây lại là điều Nga tuyệt đối không thể chấp nhận. (TP)
  6. Ngày 6/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga ba ngày và tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 10, diễn ra tại thành phố Saint Petersburg. Dự kiến tại Hội nghị thượng đỉnh SCO, các nước thành viên sẽ trao đổi rộng rãi về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, đưa ra quan điểm, chủ trương và tuyên bố chung về vấn đề này; đi sâu tổng kết kinh nghiệm và thành quả hợp tác kinh tế-xã hội trong khuôn khổ SCO, quy hoạch phương hướng trọng điểm cho tương lai của tổ chức này; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại đa phương theo tinh thần cùng thắng, cùng hưởng lợi; và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động cho cơ quan thường trực của SCO.
7. Phát biểu với báo giới ngày 6/11, Thị trường Sukhumbhand Paribatra cho biết, nếu trong 48 giờ tới, Trung tâm Giảm nhẹ lũ lụt (FROC) không thể hiện thái độ hợp tác với chính quyền Bangkok, ngày 7/11, cơ quan quản lý đô thành Bangkok sẽ tự triển khai kế hoạch chống lụt riêng. Bình luận về vụ việc này, anh Pricha - Phóng viên kênh ASEAN Network, cho rằng, lũ lụt đang tạo ra sự căng thẳng đối với Thị trưởng Sukhumbhand. Có thể là do vị thị trưởng này quá lo cho người dân. “Đây là bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý của chính phủ”, anh Pricha bình luận. Cho tới nay đã có 31/50 quận của Bangkok bị ngập cục bộ hoặc toàn phần. Nước đang tiếp tục tiến vào các quận còn lại. (VOV)
8. Những máy bay không người lái điều khiển từ xa đã không kích vào thành phố Kuda ven biển Kismayo tối 5/11, một thành phố cảng có tầm quan trọng chiến lược của Somalia, cách thủ đô Mogadishu 500 km về phía nam. Trước đó, máy bay Mỹ đã không kích vào thành phố Badera và thành phố Berdubo ở khu vực miền nam Gedo, khiến ít nhất 75 người thiệt mạng và hơn 80 người khác bị thương. Nằm ở vị trí chiến lược của vùng Sừng châu Phi, Somalia vẫn là một trong những nước có số người tị nạn và mất nhà ở cao nhất thế giới. (VOV/ Press TV)
9. Theo AP, hàng chục nghìn nhà hoạt động đối lập ngày 5/11 đã tiến hành biểu tình ở trung tâm thủ đô Rome của Italy để đòi hạ bệ Thủ tướng nước này Silvio Berlusconi. Phát biểu trước đám đông, lãnh đạo Đảng Dân chủ Pierluigi Bersani khẳng định, đảng của ông sẵn sàng hợp tác với các đảng phái đối lập khác để lãnh đạo một chính phủ mới. Tham gia cùng những người biểu tình, đến từ khắp nơi ở Italy bằng xe buýt và tàu hỏa, còn có nhiều chính khách theo đường lối trung-tả từ Pháp và Đức và một nhóm biểu tình toàn nữ giới tới từ Ukraine mang tên Femen. Dù Liên minh châu Âu (EU) đã cứu trợ Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, song các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho rằng nền kinh tế Italy quá lớn để tiến hành điều tương tự.(TTX)
10. Ngày 5/11, các nhà chức trách Israel bắt đầu các thủ tục để trục xuất một nhóm các nhà hoạt động thân Palestine đang trên 2 con tàu chở hàng hóa cứu trợ đến Dải Gaza. Theo giới chức Israel, điều này là cần thiết để ngăn chặn vũ khí lậu rơi vào tay các phần tử vũ trang ở Dải Gaza. Hồi tháng 5/2010, Hải quân Israel đã tấn công một đội tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, trên đường tới Gaza, khiến 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Vụ tấn công dẫn tới căng thẳng quan hệ ngoại giao, với đỉnh điểm là việc Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất Đại sứ Israel và chấm dứt quan hệ quân sự với nước này. (THX)




Đình phương (tổng hợp)