"Mỹ cần lập tức đáp trả thích đáng nếu Trung Quốc gây hấn ở Trường Sa"

11/10/2015 07:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Nói thẳng ra, Trung Quốc đang tìm cách "xác lập chủ quyền bằng vũ lực" ở Biển Đông, một điều mà chúng ta không thể cho phép.

Căng thẳng leo thang trên Biển Đông khi Trung Quốc gầm gừ đe dọa "sẽ có biện pháp" với chiến hạm Hoa Kỳ nếu nó tuần tra vùng biển quốc tế phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Value Walk ngày 10/10 cho rằng, với những dấu hiệu gần đây có thể thấy chính quyền Obama đã sẵn sàng cho một hành động dứt khoát.

Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp, hình minh họa.
Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp, hình minh họa.

Hiện có những mối lo ngại ở Washington về chiến lược diều hâu hiếu chiến của Trung Quốc ở BIển Đông. Có vẻ chắc chắn rằng bây giờ Hoa Kỳ đã sẵn sàng hành động dứt khoát trong chiều này. Value Walk cho rằng, điều này chắc chắn có tác động tiêu cực đến quan hệ Trung - Mỹ. Những gì Tập Cận Bình phát biểu về Biển Đông khi thăm chính thức Hoa Kỳ là đáng ngạc nhiên và thách thức dư luận, khi người đứng đầu nhà nước Trung Quốc bảo về quyền phát triển (bành trướng) quân sự ở Biển Đông.

Sẽ có một cuộc tranh luận giữa các nhà phân tích địa chính trị về cách thức Washington sẽ đáp trả các hành vi gây hấn của Bắc Kinh bằng hành động như thế nào, hay chỉ đơn giản là Mỹ cố gắng bảo vệ đặc quyền đặc lợi của sự thống trị địa chính trị. Mỹ chắc chắn đã không bị nước nào thách thức quân sự trong nhiều năm sau khi Liên Xô tan rã.

Trung Quốc phản ứng với động thái này bằng thuật hùng biện quen thuộc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh. Tuy nhiên các ấn phẩm có ý nghĩa về chính sách đối ngoại đã gợi ý rằng, Washington đã sẵn sàng phản ứng cứng rắn ở Trường Sa. Tạp chí Foreign Policy dẫn lời quan chức Hoa Kỳ khẳng định, chương trình tuần tra 12 hải lý ở Trường Sa không còn là câu hỏi có hay không, mà là lúc nào.

Bắc Kinh đã chứng minh một thái độ khuyến khích vũ lực và có thể đoán trước phản ứng mạnh của họ với các kế hoạch của Mỹ. Guồng máy truyền thông từ trung ương đến địa phương ở Trung Quốc đã tuyên bố rằng, Bắc Kinh "không cho phép" bất kỳ nước nào "vi phạm" những gì họ nhận là lãnh thổ của họ ở Biển Đông, điều này chắc chắn có thể dẫn đến khủng hoảng đối đầu giữa 2 siêu cường.

Bình luận về động thái này, học giả Jerry Hendrix từ Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ ngày 10/10 phân tích trên tờ The Wall Street Journal: Vùng biển 12 hải lý xung quanh các bãi cạn nửa nổi nửa chìm hoặc các rặng san hô chìm hoàn toàn dưới mặt nước mà Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa là vùng biển quốc tế. Hải quân Mỹ chỉ đơn giản là qua lại các vùng biển quốc tế giống như những gì họ đã làm trong lịch sử của mình.

Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói "không cho phép Mỹ xâm phạm" vùng biển quốc tế 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa. Ảnh: Kyodo/SCMP.
Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói "không cho phép Mỹ xâm phạm" vùng biển quốc tế 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa. Ảnh: Kyodo/SCMP.

Biên tập viên The Wall Street Journal đặt câu hỏi, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từ lâu đã khẳng định Mỹ sẽ tuần tra đảm bảo tự do, an ninh hàng hải hàng không trên các vùng biển quốc tế mà luật pháp cho phép, bao gồm cả vùng biển bán kính 12 hải lý xung quanh các bãi cạn, rặng san hô Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa, nhưng tại sao chính quyền Obama lại nhắm mắt làm ngơ cho phép Trung Quốc bồi lấp các đảo nhân tạo này? Động thái đó sẽ gửi tín hiệu gì đến Bắc Kinh?

Jerry Hendrix cho rằng, đó là tín hiệu của những nhần lẫn, báo hiệu sự yếu kém cơ bản. Thực tế những học giả như ông đã chờ đợi quá lâu về việc chính quyền Mỹ phải đứng lên chống lại các hoạt động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo. Hải quân Mỹ là một công cụ. Hoa Kỳ có kinh nghiệm trong việc đảm bảo tự do hàng không, hàng hải trên các vùng biển và đại dương.

Mỹ đã dùng hải quân để đối đầu với Liên Xô khi Moscow cố gắng đóng cửa tuyến hàng hải trọng yếu ở Biển Đen trong những năm 1980. Mỹ thường xuyên làm điều này. Vì vậy người Mỹ biết dùng loại tàu nào, các cuộc diễn tập như thế nào để xử lý các tình huống một cách chuyên nghiệp.

Hendrix bình luận, Trung Quốc đang thách thức không chỉ Hoa Kỳ, mà họ còn thách thức cả Nhật Bản, Việt Nam, Philippines. Thực tế là Trung Quốc đang cố gắng đe dọa các nước khác trong khu vực và tìm cách độc chiếm Biển Đông với nguồn tài nguyên thủy sản, dầu khí dồi dào.

"Nói thẳng ra, Trung Quốc đang tìm cách "xác lập chủ quyền bằng vũ lực" ở Biển Đông, một điều mà chúng ta không thể cho phép" Jerry Hendrix bình luận. Ông cho rằng, bước đầu tiên Mỹ phải thực hiện tuần tra phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông để thể hiện sự nghiêm túc của Hoa Kỳ. 

Bước thứ 2 Mỹ phải chuẩn bị, nếu tình huống Trung Quốc chọn phản ứng leo thang gây hấn với hoạt động tuần tra, Mỹ cần sẵn sàng đáp trả thích đáng để Bắc Kinh hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Gật đầu mới chỉ là một nửa biện pháp, Obama phải đứng lên, Jerry Hendrix nhấn mạnh.

Hồng Thủy