Mỹ: Nhật - Hàn "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!"

24/08/2012 10:40
Anh Vũ (Nguồn Japan Daily Press, Sina)
(GDVN) - Washington thận trọng không đưa ra sự ủng hộ riêng cho bất kỳ nước nào trong hai quốc gia, Mỹ đang bị đặt vào thế bí
Mỹ: Nhật - Hàn "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!" Sau hai tuần chứng kiến hai nước đồng minh của mình, Nhật Bản và Hàn Quốc "lời qua tiếng lại", chính phủ Mỹ đã cố gắng giữ thái độ trung lập.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland.
Hãng tin Japan Daily Press ngày 24/8 cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ sự không hài lòng của Mỹ về tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima giữa Nhật Bản với  Hàn Quốc. Phát ngôn viên Victoria Nuland cho biết tại một cuộc họp báo rằng chính phủ thực sự muốn hai nước đồng minh giải quyết căng thẳng một cách hòa bình. "Cả hai nước đều là đồng minh lớn và quan trọng của Mỹ. Rõ ràng chúng tôi đang không thoải mái khi thấy hai bên tranh chấp. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến hai nước là giống nhau: Giải quyết căng thẳng một cách hòa bình, thông qua đàm phán" - Bà Nuland cho hay. Căng thẳng Nhật - Hàn đã bị đẩy lên cao nhất trong lịch sử. Bà Nuland đã cho thấy Washington thận trọng không đưa ra sự ủng hộ riêng cho bất kỳ nước nào trong hai quốc gia, Mỹ đang bị đặt vào thế bí và muốn thấy một giải pháp giải quyết căng thẳng bằng đàm phán.
Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đang bị đẩy lên đỉnh điểm căng thẳng.
Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đang bị đẩy lên đỉnh điểm căng thẳng.
Nhật Bản, Hàn Quốc: Hai con dê cùng qua một chiếc cầu
Sau chuyến tuần du đến nhóm đảo tranh chấp bị chính phủ Tokyo lên án của Tổng thống Hàn Quốc, Seoul đã trả lại bức Công hàm được gửi từ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda với đề xuất đưa vấn đề tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) . Tuy nhiên, Hàn Quốc luôn phản đối đề xuất này vì cho rằng Seoul có quyền sở hữu không thể chối cãi với nhóm đảo Dokdo. Ngày 22/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã gọi việc Hàn Quốc kiểm soát các đảo là "bất hợp pháp". Động thái này đã dấy lên sự phản đối chính thức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vào ngay ngày hôm sau. 
Cùng ngày, Tokyo tuyên bố sẽ có các biện pháp cứng rắn hơn trong bối cảnh tình hình bế tắc ngoại giao ngày càng tồi tệ và một cuộc cải tổ quyền lực sắp diễn ra trong nước. Các thành viên Nội các Nhật Bản hôm thứ Năm cũng tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp với Hàn Quốc.
Thủ tướng nước này đã phát biểu trước Hạ viện rằng sẽ đương đầu với các tranh chấp, tăng cường các biện pháp giám sát trên biển, "trên đảo Senkaku cũng như các hòn đảo mà Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền."

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto thì khẳng định mạnh mẽ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản "sẽ không cho phép bất kỳ tàu nước ngoài nào tiếp cận dù chỉ 1 mm."

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto.

Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản với Trung Quốc cũng đã dâng lên. Hãng tin Kyodo ngày 22/8 cho hay, Mỹ đã tái khẳng định trong một cuộc họp tại Washington giữa các quan chức cao cấp của Mỹ và Nhật Bản rằng vấn đề đảo Senkaku thuộc phạm vi của Hiệp ước an ninh Mỹ -Nhật.
Theo đó, Hiệp ước được ký kết vào năm 1960 với điều khoản Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công. Và vào cuối thời kỳ chiếm đóng Okinawa vào năm 1972, Mỹ đã chuyển giao "quyền hành chính" trên quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Tất nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ công nhận thỏa thuận này đem các hòn đảo vào tay Nhật Bản.
Anh Vũ (Nguồn Japan Daily Press, Sina)