"Nên thẩm tra tư cách đại biểu QH bị dư luận đặt vấn đề"

22/08/2011 11:07
Bùi Khương

(GDVN) - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng: “Xung quanh công tác nhân sự cần rút kinh nghiệm về nhiều mặt".

(GDVN) - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng: "Phải rõ đúng sai, công bố cho nhân dân biết. Tôi vừa rồi đi tiếp xúc cử tri người ta hỏi cũng không biết trả lời thế nào”.

Sáng nay 22/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ nhất. Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.


Dự kiến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong 31 ngày. Trong đó Quốc hội dành 17 ngày bàn về công tác xây dựng pháp luật, 9,5 ngày cho các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, 4,5 ngày dành cho khai mạc, bế mạc, đọc tờ trình, cáo cáo, thông qua nghị quyết. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ dành riêng 1 ngày để xem xét thông qua dự án Luật biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết về một số vấn đề đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo: Các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp  thứ hai đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại các kỳ họp trước và có điều kiện thuận lợi về thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội khóa XIII chưa được tiếp cận các dự án luật này, nhất là đối với dự án Luật biển Việt Nam.

Để các đại biểu sớm tiếp cận nội dung các dự thảo luật, xem xét, cân nhắc kỹ mọi vấn đề trước khi biểu quyết thông qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra dự án và các cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương chuẩn bị các dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng để trình ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, gửi các vị đại biểu Quốc hội trước ngày 5-9-2011.

Góp ý cho báo cáo đánh giá về kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII,  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: “Kỳ họp vừa qua, chúng ta đã thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, nhưng dư luận vẫn xôn xao về một trường hợp đại biểu. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần làm rõ, chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin cho cử tri".

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng tán đồng với ý kiến trên và cho rằng: “Xung quanh công tác nhân sự cần rút kinh nghiệm về những mặt: thứ nhất là bầu không đủ số lượng ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước hết là do công tác phân tích, đánh giá tình hình chưa thấu đáo".

Ông Ksor Phước cũng băn khoăn về trường hợp một đại biểu QH trúng cử nhưng xung quanh đó có những chuyện nọ, chuyện kia: “Trước kỳ họp chúng tôi đã nghe phong phanh chuyện này, sau đó thì đưa lên báo. Thường vụ nên thống nhất chung là giao cho Ban Công tác đại biểu đi thẩm tra lại trường hợp này.

Đây là vấn đề quan trọng, vì đó là tư cách đại biểu. Chúng ta không nên đứng ngoài, không nên vô cảm với đại biểu đó, cũng không nên vô cảm với dư luận. Phải rõ đúng sai, công bố cho nhân dân biết. Tôi vừa rồi đi tiếp xúc cử tri người ta hỏi cũng không biết trả lời thế nào”._Ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Bùi Khương