Nền văn minh nhân loại sẽ sụp đổ vào năm 2050 nếu con người không thay đổi?

24/06/2015 06:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Lũ lụt, hỏa hoạn, đói kém hay sự sụp đổ của nền văn minh nông nghiệp đều có thể tiêu diệt thế giới mà chúng ta đang sống.

Tờ Tin tức của Úc hôm 23/6 đưa tin, các nhà khoa học vừa đưa ra một dự đoán cho rằng nhân loại sẽ phải đối mặt với một thảm họa toàn cầu trong khoảng 30 năm tới nếu con người không thay đổi.

Áp lực kinh niên trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu có thể làm tăng tính dễ tổn thương của nó. Ảnh news.com.au.
 Áp lực kinh niên trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu có thể làm tăng tính dễ tổn thương của nó. Ảnh news.com.au.

Lũ lụt, hỏa hoạn, đói kém hay sự sụp đổ của nền văn minh nông nghiệp đều có thể tiêu diệt thế giới mà chúng ta đang sống.

Viện Phát triển bền vững toàn cầu thuộc Đại học Anglia Ruskin (Anh) với sự hỗ trợ của chính phủ Anh và Mỹ mới đây đã cho công bố một báo cáo gây sốc về Hệ thống lương thực đã làm thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người về cái gọi là ngày tận thế.

Báo cáo cho thấy có một loạt biến động lớn sẽ quét qua thế giới như là kết quả của sự biến đổi khí hậu, thiếu lương thực và nước, thiếu năng lượng và bất ổn chính trị.

Báo cáo cũng đưa ra những đánh giá về rủi ro liên quan tới tình trạng thiếu lương thực toàn cầu trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và sự gia tăng bất ổn chính trị.

Các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích giải thuyết về mô hình nền nông nghiệp của thế giới và áp lực ngày càng tăng của nó trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số toàn cầu trong năm 2050, ước tính vào thời điểm đó là hơn 9 tỉ người.

Tình trạng khan hiếm nước cũng sẽ góp phần làm hoạt động sản xuất nông nghiệp trầm trọng thêm.
Tình trạng khan hiếm nước cũng sẽ góp phần làm hoạt động sản xuất nông nghiệp trầm trọng thêm.​

Khi đó, nhu cầu lương thực toàn cầu sẽ gia tăng do sự phát triển chưa từng có về dân số thế giới. Để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu về thực phẩm, tổ chức Lương thực và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (FAO) sẽ phải tạo ra các dự án giúp tăng gấp đôi sản lượng sản xuất nông nghiệp toàn cầu trong năm 2050.

Tuy nhiên, áp lực kinh niên trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu có thể làm tăng tính dễ tổn thương của nó.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, sự gia tăng dân số đi ngược với điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Cường độ và tần số các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, sự lây lan của dịch hại nông nghiệp sẽ khiến nguồn cung cấp lương thực ngày càng trở nên thu hẹp lại.

Trong khi đó, tình trạng khan hiếm nước cũng sẽ góp phần làm hoạt động sản xuất nông nghiệp khó khăn trầm trọng thêm. Với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện nay, 2/3 dân số thế giới có thể sẽ phải sống trong tình trạng căng thẳng về nước trong năm 2025.

Giá thực phẩm cũng sẽ dễ biến động và bất ổn chính trị sẽ lây lan cũng tác động đáng kể tới nguồn cung ứng lương thực.

Hạn hán cũng đang tác động mạnh hơn tới nhiều phần trên thế giới. Chỉ riêng tại Úc, sản lượng lúa mì đã giảm 50% do các đợt hạn hán nghiêm trọng hoành hành ở miền đông và miền nam đất nước trong năm 2002.

Giả thuyết cũng dự đoán rằng giá lúa mì, ngô và đậu tương trong năm 2050 sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2000 và giá gạo sẽ tăng hơn 500%.

Tình trạng này sẽ kéo theo một loạt các hậu quả khác cho nền tài chính thế giới như hiệu ứng Domino.

Sự tăng giá ngũ cốc không chỉ gây khó khăn về kinh tế cho một số quốc gia mà còn có nguy cơ châm ngòi cho các cuộc bạo động lương thực nổ ra ở các khu vực đô thị trên khắp Trung Đông, Bắc Phi và Mỹ Latinh./.

Nguyễn Hường