Nếu Facebook, Google... không đặt văn phòng đại diện, thì ta làm gì được họ?

30/05/2018 09:17
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Cao Đình Thưởng đã nêu băn khoăn này tại Hội trường.

Hôm 29/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc yêu cầu các cơ quan tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong dự thảo luật.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, các quy định trên sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu, người dùng phục vụ điều tra, ngăn chặn tội phạm, chống xuyên tạc phản động.

Tuy nhiên, đại biểu băng khoăn, đưa ra quy định này mà phía doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì giải pháp là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam không?

Đại biểu Cao Đình Thưởng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Cao Đình Thưởng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Từ đó, đại biểu cho rằng cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Cùng về điểm này, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc xây dựng luật an minh mạng trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh sự chồng chéo không cần thiết về quản lý nhà nước; tránh tạo ra quá nhiều rào cản dẫn đến gánh nặng tuân thủ cho các cơ quan, tổ chức cá nhân cung câp dịch vụ; làm cản trở, hạn chế lợi ích được thụ hưởng dịch vụ tốt, chính đáng cuả người dân Việt Nam.

Về việc yêu cầu các cơ quan tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, đại biểu Thủy cho rằng yêu cầu này là khó khả thi, không phù hợp tình hình thực tiễn.

Nó có thể làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

“Hiện nay, các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài.

Với công nghệ phát triển hiện nay, máy chủ không phải là máy cụ thể, mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo.

Nếu Facebook, Google... không đặt văn phòng đại diện, thì ta làm gì được họ?  ảnh 2Ai làm chủ internet, người đó sẽ thắng!

Nó cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó, xu hướng này là xu hướng tiến tới trong đó có nước ta.

Từ thực tế này, việc yêu cầu yêu cầu các cơ quan tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm quản lý máy chủ, quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam là khó khả thi”, đại biểu đánh giá.

Theo đại biểu, nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.

“Vấn đề này đặt ra tôi thiết nghĩ phải là biện pháp quản lý và chế tài cần được nghiên cứu, thiết kế trong bộ luật”, bà Thủy nói.

Đỗ Thơm