Nga có tính toán chiến lược gì khi xây dựng quân sự ở Viễn Đông?

30/08/2012 07:39
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Nga đang tích cực chủ động xây dựng quân sự ở khu vực Viễn Đông để ứng phó với các thách thức chiến lược trong tương lai.
Tàu săn ngầm cỡ lớn Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga.
Tàu săn ngầm cỡ lớn Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga.

Tân Hoa xã vừa có bài viết cho rằng, hiện nay, Nga mạnh mẽ tuyên bố, tàu ngầm hạt nhân mới nhất Yuri Dolgoruky trang bị tên lửa Brava sẽ trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương trong năm nay. Đây là một động thái mới nhất của Nga trong việc tăng cường xây dựng lực lượng quân sự Viễn Đông.

Trước đó, quân Nga còn tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 ở bán đảo Kamchatka, hệ thống này cùng với 4 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral hợp tác chế tạo với Pháp sẽ triển khai một bộ phận ở khu vực Viễn Đông.

Nga, nước vắt ngang đại lục Âu-Á tuy được mệnh danh là “chim ưng hai đầu”, nhưng hướng châu Âu luôn là phương hướng chiến lược chủ yếu, Viễn Đông lại là hậu phương chiến lược lớn.

Từ lâu, sự phát triển sức mạnh quân sự của Viễn Đông luôn phục vụ cho nhu cầu chiến lược của hướng châu Âu.

Đặc biệt là sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, do bị dồn nén chiến lược của NATO và sự chi phối của vấn đề Chechnya, trong xây dựng quân đội, nguồn lực có hạn của quân Nga càng coi trọng bảo đảm cho hướng phía tây và phía nam, còn kế hoạch tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự Viễn Đông thì phần lớn dừng lại trên giấy. Lúc này, Nga bất ngờ tăng tốc các bước xây dựng quân sự Viễn Đông là có sự tính toán chiến lược sâu sắc.

Trước hết, phục vụ cho sự phát triển của Viễn Đông, mở rộng ảnh hưởng thực tế ở khu vực. Từ lâu, trình độ phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông luôn khá lạc hậu ở Nga.

Sau khi Putin quay trở lại Điện Kremlin, đã thành lập riêng Bộ Phát triển Viễn Đông, nhằm tận dụng cơ hội phát triển của châu Á-Thái Bình Dương để tăng cường sự phát triển toàn diện của khu vực Viễn Đông. Khu vực Viễn Đông có tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và tài nguyên sinh vật biển phong phú, tiềm năng khai thác, sử dụng rất lớn.

Trong khi đó, căn cứ vào “Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga trước năm 2020”, Nga cũng mở rộng phạm vi sử dụng vũ lực tới lĩnh vực tranh giành nguồn năng lượng.

Nga tăng cường sức mạnh quân sự Viễn Đông cũng có sự tính toán sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo đảm quyền kiểm soát đối với nguồn năng lượng.

Nga sẽ triển khai tàu tấn công đổ bộ Mistral mua của Pháp ở khu vực Thái Bình Dương.
Nga sẽ triển khai tàu tấn công đổ bộ Mistral mua của Pháp ở khu vực Thái Bình Dương.

Ngoài ra, cùng với việc Mỹ mạnh mẽ “quay trở lại châu Á”, không ngừng tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là việc tăng cường đồng minh Mỹ-Nhật, sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, đều làm tăng biến số cho tình hình chiến lược của khu vực.

Trong khi đó biển Okhotsk và quần đảo Nam Kuril (Nhật gọi là Bốn hòn đảo phương Bắc) trên hướng Hạm đội Thái Bình Dương có vị trí chiến lược rất quan trọng, là trận địa lý tưởng để Nga theo dõi hoạt động quân sự hải, không quân của Nhật-Mỹ và thu thập tin tức tình báo có liên quan.

Là một nước lớn của Âu-Á, Nga tăng cường triển khai lực lượng trên hướng này, lo trước tính sau trong xây dựng quân sự, cũng là một phương diện quan trọng để tăng cường vai trò ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, đặt chân bố trí lâu dài, ứng phó với các thách thức chiến lược trong tương lai. Sự co cụm chiến lược của Mỹ dưới sự tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, về khách quan đã cải thiện hoàn cảnh chiến lược của Nga, quan hệ giữa Nga với NATO và EU cũng từng bước được cải thiện, nâng cấp, vai trò ảnh hưởng ở khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS, hay SNG) tăng lên rõ rệt.

Nhưng, ý đồ chiến lược làm suy yếu Nga của Mỹ hoàn toàn không giảm đi, tâm lý đề phòng Mỹ của Nga cũng không giảm đi, nắm chắc thời cơ có lợi hiện nay, tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự Viễn Đông cũng là sự bố trí trước ứng phó với các thách thức chiến lược tương lai.

Cùng với việc thực hiện chương trình “phòng thủ tên lửa Đông Âu” và “Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (Prompt Global Strike, PGS), Nga đặc biệt nhấn mạnh phải tăng cường xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược có độ tin cậy, hơn nữa sẽ di chuyển nhiều căn cứ phóng tên lửa hơn tới Viễn Đông, tăng cường xây dựng khả năng cảnh báo sớm tên lửa và giám sát vũ trụ trên hướng này, điều này đã trở thành một sự lựa chọn tự nhiên.

Nga tổ chức cuộc diễn tập chiến lược, chiến dịch “Phương Đông-2010” ở khu vực Viễn Đông có quy mô lớn nhất từ khi Liên Xô tan rã đến nay, xây dựng bãi phóng hàng không vũ trụ ở hướng Đông, bắt đầu sử dụng hệ thống radar Voronezh-M mới, đều có tính toán đến việc tăng cường xây dựng sức mạnh có chiều sâu, ứng phó với các thách thức chiến lược tương lai.
Radar cảnh báo tên lửa Voronezh của Nga.
Radar cảnh báo tên lửa Voronezh của Nga.
Hệ thống tên lửa S-400 Nga
Hệ thống tên lửa S-400 Nga
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)