Nga muốn đưa Indonesia vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao

13/06/2013 09:33
Theo Tiếng nói nước Nga
(GDVN) - "BRICS do Jim O'Neill phát kiến để hợp nhất không chính thức các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Chỉ số tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá ấn tượng, dân số đông, là những yếu tố cho phép so sánh với các thành viên của BRICS và mở triển vọng đưa quốc gia vào nhóm.”
Alexey Pushkov, Chủ nhiệm Ủy ban Viện Duma về các vấn đề quốc tế
Alexey Pushkov, Chủ nhiệm Ủy ban Viện Duma về các vấn đề quốc tế
Nhóm BRICS có khả năng chuyển thành BRIICS. Câu lạc bộ chờ đợi sự tham dự của Indonesia trong vòng 15 năm tới. Đây là ý kiến của ông Alexey Pushkov, người đứng đầu Ủy ban Viện Duma về các vấn đề quốc tế chia sẻ hôm thứ Hai tuần này tại Matxcova. Thành viên tiềm năng của nhóm là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, với đại đa số dân theo đạo Hồi giáo. Theo nghị sĩ Alexey Pushkov, điều hôm nay còn mang tính suy đoán chỉ trong vòng 10-15 năm sẽ trở thành sự hiển nhiên. Chẳng hạn, cách đây ba thập kỷ ít ai nghĩ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Hôm nay, vai trò toàn cầu của Trung Quốc cũng như giá trị của các thành viên khác thuộc nhóm BRICS là sự thật không thể bàn cãi. Nhà kinh tế học Sergei Khestanov chia sẻ nhận định về tiềm năng của Indonesia: “Khái niệm BRICS do Jim O'Neill phát kiến để hợp nhất không chính thức các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Chỉ số tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá ấn tượng, dân số đông, là những yếu tố cho phép so sánh với các thành viên của BRICS và mở triển vọng đưa quốc gia vào nhóm.” Bổ sung Indonesia vào thành phần BRICS còn là việc làm hợp lý trước thực tế sự di chuyển của trung tâm kinh tế thế giới về phía khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng mặt khác, việc làm này có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng trong câu lạc bộ vốn có sự hiện diện của hai đối thủ châu Á tầm cỡ là Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, thành viên mới sẽ phải cân đối lợi ích với chương trình nghị sự chung mà các nước BRICS đã đề ra. Nhà nghiên cứu chính trị Alexander Orlov bình luận: “Năm nước BRICS đã lên kế hoạch hợp tác chặt chẽ trên nhiều phương diện. Liệu Indonesia có sẵn sàng theo đuổi thực hiện? Việc gia nhập BRICS đem lại ưu thế cũng như nhược điểm cho bất kỳ quốc gia nào. Sự xuất hiện của thành viên mới dẫn đến những vấn đề bổ sung đòi hỏi giải quyết."  "Mâu thuẫn tiếp tục tồn tại trong BRICS, trong đó có giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sự hiện diện của hai nước trong câu lạc bộ góp phần mở hướng cho các quan điểm bất đồng của đôi bên. Nhưng khi có một thành viên mới, câu lạc bộ sẽ đón nhận thêm mâu thuẫn phức tạp. Đó là điều không nên quên.” Bất chấp các vấn đề chưa được thống nhất trong BRICS (gần đây nhất là số phận Ngân hàng Phát triển), năm nước cũng như các nền kinh tế đang lớn mạnh có triển vọng phát triển rất tích cực. Theo dữ liệu của Pricewaterhouse Coopers, đến năm 2050 BRICS cùng với Mexico, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tích lũy GDP vượt gấp rưỡi các nước G-8. Sau hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa qua tại Durban (Nam Phi), Ai Cập tuyên bố khả năng gia nhập câu lạc bộ. Gần đây, các phương tiện truyền thông đã nhắc đến ý định tương tự của Kazakhstan.

Theo Tiếng nói nước Nga