Ngân hàng SHB hợp tác với Đại học Ngoại thương và Học viện Ngân hàng

08/11/2016 13:50
Nguyên Thảo
(GDVN) - Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của hai phía, vì sự phát triển chung của xã hội.

Các doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế xã hội. Doanh nghiệp phát triển mạnh thì nền kinh tế mới bền vững.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể phát triển và thành công nếu không có nguồn nhân lực chất lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, người lao động không chỉ cần đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải phù hợp với sự thay đổi liên tục của thị trường toàn cầu hóa.

Để có được nguồn nhân lực phù hợp và đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang phát triển và hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng tìm kiếm “đúng người, đúng việc” và đầu tư công tác huấn luyện, đào tạo nhằm bồi dưỡng phát triển nguồn nhân sự cho doanh nghiệp;

TS Ngô Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB – và PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương - ký thỏa thuận hợp tác.
TS Ngô Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB – và PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương - ký thỏa thuận hợp tác.

Còn các trường đại học, cao đẳng cũng liên tục cập nhật yêu cầu thực tiễn để đào tạo sinh viên, trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhu cầu lao động. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp và nhà trường thiếu sự liên kết, hợp tác thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực vẫn sẽ là bài toán khó giải với cả nền kinh tế xã hội.

Thực tế, trước đây việc không hoặc ít liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo, sử dụng người lao động đã dẫn đến tình trạng kiến thức của sinh viên trong nhà trường thường cách xa thực tiễn còn doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian đào tạo lại người lao động.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp gia tăng hàng năm, nguồn lao động ở nước ta được đánh giá là dồi dào nhưng hầu hết các nhà tuyển dụng vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân sự phù hợp.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nước ta còn ở mức cao. Theo thống kê quý 1/2016, cả nước có tới 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều đó cho thấy số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp gia nhập đội ngũ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Thực trạng này cũng là vấn đề nhức nhối với chính các trường đại học. Chính vì thế, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường không còn là nhu cầu cá biệt, tức thời mà là xu thế phổ biến, có tính chiến lược vì sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Nhấn mạnh về sự cần thiết của sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường, tại Hội nghị Đối thoại giáo dục toàn cầu với nội dung “Đổi mới sáng tạo kỹ năng nghề nghiệp: Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp hướng tới kinh tế phát triển bền vững” tổ chức ở TP.HCM ngày 16/6/2016, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng: “Doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào quá trình đào tạo nhân lực nên kiến thức của sinh viên trong nhà trường thường cách xa thực tiễn. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đào tạo, đóng góp về trang thiết bị hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy”. 

TS. Ngô Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB - trao học bổng cho sinh viên Học viện Ngân hàng
TS. Ngô Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB - trao học bổng cho sinh viên Học viện Ngân hàng

Trước xu thế tất yếu của việc hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp và để góp phần phát triển nguồn nhân lực Việt nói riêng, phát triển nền kinh tế xã hội cả nước nói chung, vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 2 ngôi trường hàng đầu cả nước là Đại học Ngoại thương và Học viện Ngân hàng nhằm phát huy lợi thế của mỗi bên, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong mục tiêu cùng phát triển bền vững và quan trọng hơn là cùng nhau đào tạo, phát triển vì một thế hệ trẻ tài năng cho đất nước. 

Thỏa thuận hợp tác giữa SHB với 2 trường gồm 6 nhóm hoạt động: Tài trợ học bổng "SHB - Ươm mầm tài năng" cho sinh viên có học lực khá trở lên và hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; Tiếp nhận sinh viên thực tập; Tuyển dụng nhân sự; Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; Hợp tác trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu; Tổ chức và tham gia các sự kiện của hai bên.

Nói về việc hợp tác với Ngân hàng SHB, PGS TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - cho rằng: “Sự đồng hành của các doanh nghiệp với các thầy cô và sinh viên trong suốt quá trình đào tạo thực sự rất ý nghĩa và cần thiết, các hoạt động thiết thực sẽ nâng cao năng lực đội ngũ và đóng góp hiệu quả vào hoạt động của hai bên.

Với riêng Đại học Ngoại thương, việc hợp tác với SHB sẽ giúp không chỉ giảng viên mà cả sinh viên của trường có thêm nhiều cơ hội được học tập và trải nghiệm những hoạt động cụ thể về ngành ngân hàng nói riêng và các ngành khác nói chung. Đây sẽ là những kinh nghiệm thiết thực giúp sinh viên tự tin và nắm bắt kiến thức tốt hơn khi học tập trên ghế nhà trường”.

Nhìn từ góc độ tổng thể, có thể thấy mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Nhà trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, doanh nghiệp là nơi phản ánh chất lượng đào tạo (đầu ra của nhà trường).

Sự liên kết hợp tác giữa Ngân hàng SHB với các trường đại học danh tiếng, hàng đầu tại Việt Nam khẳng định tầm nhìn, chiến lược phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần phát triển nền kinh tế xã hội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. 


Nguyên Thảo